Sau 3 ngày xét xử, chiều nay (4/5), TAND TP.HCM đã tuyên án đối với các bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng TMCP Đại Tín – TrustBank về cùng tội Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Trước đó, qua các phiên tòa xét xử, các bị cáo Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT TrustBank), Trần Sơn Nam (nguyên Tổng Giám đốc TrustBank) và 5 thuộc cấp cho rằng mình đã thực hiện đúng quy định thủ tục chung khi duyệt cho 2 công ty sân sau của Phạm Công Danh vay 650 tỷ đồng. Từ đó, các bị cáo cho rằng mình không phạm tội như cáo trạng của VKSND Tối cao cáo buộc.
Tuy nhiên, đại diện VKSND thực hành quyền công tố tại tòa cho rằng tội trạng của các bị cáo đã rõ nên đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Hoàng Văn Toàn mức án từ 6 – 7 năm tù giam; Bị cáo Trần Sơn Nam bị đề nghị mức án từ 5 – 7 năm tù giam. 5 bị cáo còn lại bị đề nghị tuyên từ 3 năm tù treo đến 3 năm tù giam.
Các luật sư bào chữa cho các bị cáo cũng nêu ra nhiều quan điểm, chứng cứ để bào chữa theo hướng các bị cáo không có tội.
Bào chữa cho bị cáo Hoàng Văn Toàn, luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi cho rằng, công tố cần đánh giá xem xét 2 vấn đề: Một là chấp nhận lời khai của bị cáo Toàn tại thời điểm phê duyệt cho vay, bị cáo Toàn đã thực hiện đúng quy trình tín dụng.
Hai là cần phân định lại hành lang pháp lý từ hành vi của bị cáo là cố y vi phạm cho vay hay là thiếu trách nhiệm, bởi trong 5 điều kiện cho vay thì khi phê duyệt, bị cáo Toàn không cố ý vi phạm như VKS cáo buộc là bỏ qua báo cáo tài chính và Chứng thư của công ty DATC không hợp lệ.
“Bị cáo Toàn không biết 2 công ty Thịnh Quốc và Hoàng Đại Dương là 2 công ty con của ông Phạm Công Danh, nên ý thức chủ quan không có động cơ tư lợi hoặc bị ép buôc áp lưc khi phê duyệt”, luật sư Thi nêu.
Cũng tham gia bào chữa tại tòa cho bị cáo Lâm Hồng Trinh, luật sư Lê Văn Nam, thuộc công ty Luật Hợp danh Đông Á cho rằng, vai trò của bị cáo Trinh trong vụ án này là mờ nhạt, không đáng kể. Việc bị cáo Trinh đồng ý hoặc không đồng ý cho vay không ảnh hưởng gì đến việc duyệt cho vay của HĐTD ngân hàng và cũng không phải là nguyên nhân chính, trực tiếp dẫn đến sai phạm.
Bên cạnh đó, do yếu kém về chuyên môn nghiệp vụ cho vay, nên mức độ phạm tội của bị cáo Trinh rất hạn chế. Bản thân bị cáo Trinh hoàn toàn không biết được mối quan hệ giữa các công ty với nhau và với Phạm Công Danh, không biết tài sản bảo đảm là của Phạm Công Danh. Bị cáo Trinh là người làm công ăn lương, không vụ lợi.
Ngoài ra, nữ bị cáo này có nhiều tình tiết giảm nhẹ hình phạt như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, thân nhân có nhiều người có công với nước, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, phải nuôi con nhỏ và mẹ già… Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Trinh.
Tuy nhiên, trong phần tranh luận, đại diện VKSND thực hành quyền công tố tại tòa bác bỏ các quan điểm bào chữa của các luật sư, giữ nguyên quan điểm đề nghị tuyên các bị cáo có tội.
Sau khi nghị án, HĐXX chấp nhận toàn bộ đề nghị của đại diện VKS, tuyên bố các bị cáo Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam và 5 thuộc cấp phạm tội Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Trong quá trình lượng hình, HĐXX cũng cân nhắc, xem xét cho các bị cáo các tình tiết giảm nhẹ hình phạt như chưa có tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu, nhân thân tốt… để giảm cho các bị cáo một phần hình phạt.
Theo HĐXX, trong vụ án này, vai trò của các bị cáo khác nhau, HĐXX căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội của từng bị cáo để tuyên các mức án tương xứng.
Sau khi cân nhắc, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Hoàng Văn Toàn mức án 7 năm tù giam; Bị cáo Trần Sơn Nam nhận mức án 6 năm tù giam. 5 bị cáo còn lại lãnh các mức án từ 3 năm tù treo đến 3 năm tù giam về cùng tội danh nêu trên.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX không xem xét, bởi trước đó trong phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB), bản án ngày 9/9/2016 đã tuyên bị cáo Danh bồi hoàn toàn bộ số tiền thiệt hại (bao gồm cả khoản tiền 650 tỷ đồng mà 2 công ty sân sau của Danh vay tại TrustBank).