Phân tích về mặt luật học cụ thể của tội danh này là:
* Khách thể của tội phạm:
- Khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân;
- Đối tượng tác động của tội phạm này là tài sản, bao gồm vật, tiền và giấy tờ có giá.
* Mặt khách quan của tội phạm:
- Về mặt khách quan, thì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm hữu trái phép tài sản của người khác để tạo cho mình khả năng định đoạt tài sản đó. Trong đó đặc biệt lưu ý là phải có hành vi gian dối mà hành vi gian dối đó phải là tiền đề, trực tiếp, làm cho người có tài sản tin là sự thật nên đã tự nguyện giao tài sản cho người có hành vi gian dối để họ chiếm đoạt. Hai dấu hiệu đặc trưng của tội phạm này là hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt. Trong đó, gian dối là điều kiện và thủ đoạn thực hiện hành vi chiếm đoạt; còn hành vi chiếm đoạt là mục đích và kết quả của hành vi gian dối.
* Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại tất cả các khoản 1, 2,3, và 4 Điều 139 Bộ luật hình sự là người từ đủ 16 tuổi trở lên có đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi có đủ năng lực trách nhiệm hình sự chỉ là chủ thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại các khoản 3 và 4 Điều 139 Bộ luật hình sự.
* Mặt chủ quan của tội phạm:
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện do ý thức chiếm đoạt có ngay từ đầu tức là phải do lỗi cố ý trực tiếp. Kẻ phạm tội nhận thức rõ hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác do mình thực hiện là gian dối, trái pháp luật. Đồng thời thấy trước hậu quả của hành vi đó là tài sản của người khác bị chiếm đoạt trái pháp luật và mong muốn hậu quả đó xảy ra.
Gắn với nội dung của vụ án này tôi xin chỉ phân tích hành vi của bị cáo với 2 điểm sau:
Thứ nhất: Về mặt hành vi khách quan của bị cáo.
Các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh Khánh Hòa đều “thống nhất” cao về nhận thức rằng: Bị cáo Nguyễn Thị Phương Dung có hành vi: “Nói với người cho vay, mục đích vay là để làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng hoặc đầu tư mua bất động sản, Dung cam kết khi nào cần lấy lại tiền thì báo trước 5-10 ngày Dung sẽ trả ngay; tuy nhiên, sau khi nhận tiền Dung không làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng và cũng không mua bất động sản…” (Trích bút lục số 1054 hồ sơ vụ án).
Vậy thì hành vi nói với người cho vay để đáo hạn ngân hàng và đầu tư mua bất động sản sau đó “không làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng và cũng không mua bất động sản” có phải là hành vi gian dối hay không? Nếu có thì xảy ra vào thời điểm nào? Trong khi thực tế cũng tại cáo trạng đã khẳng định sau hoặc cùng thời điểm vay tiền bị cáo đã thực hiện việc mua bán, thế chấp, tất toán 16 lô đất và số tiền đã trả cho ngân hàng lên đến 44 tỷ 765 triệu đồng, lãi suất phải trả 6.303.807.800 đồng, tiền phạt quá hạn 36.295.412 đồng. Ở đây tôi khẳng định không có hành vi gian dối và nếu có thì nó xảy ra sau khi đã chiếm đoạt và như vậy là dấu hiệu của một tội hoàn toàn khác. Đây là điểm rất mập mờ không thể chứng minh rõ ràng hơn của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Khánh Hòa.
Thứ hai: Về mặt ý thức chủ quan của bị cáo.
Thể hiện trong hồ sơ của vụ án, các lời khai của bị cáo ở cơ quan điều tra và thẩm vấn tại phiên tòa cho đến lời nói sau cùng không có bất cứ điểm nào dù nhỏ nhất chứng tỏ bị cáo có ý thức chiếm đoạt tài sản, bởi vì bị cáo luôn công nhận việc có nợ và đã tiến hành trả lãi rất nhiều lần số tiền tổng cộng lên đến hàng tỷ đồng cho đến khi mất khả năng thanh toán.
Với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Khánh Hòa đã cố gắng hết sức có thể để chứng minh điều này nhưng đã không được thể hiện được trong bất cứ bút lục nào của hồ sơ vụ án.
Vậy thì hành vi của bị cáo có yếu tố “lỗi” hay không khi so sánh với sự phân tích điều luật như trên. Tôi khẳng định bị cáo không hề có ý thức chiếm đoạt và như vậy yếu tố “lỗi” hoàn toàn không có. Xin được lưu ý thêm rằng: Xét dưới góc độ lý luận của Luật hình sự thì yếu tố “lỗi” là yếu tố được xem xét hàng đầu, mang tính chất quyết định để truy tố và xét xử một người xem có phạm tội hay không.
Với quan điểm của cá nhân, tôi cho rằng bản án tuyên bị cáo Nguyễn Thị Phương Dung phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa là bản án rất khiên cưỡng, thiếu thuyết phục, nhận thức không đúng đắn hay nói cách khác là khá ngây thơ về mặt học thuật.
Một lần nữa kính mong sự quan tâm góp ý trao đổi của độc giả, các luật sư đồng nghiệp, các luật gia trong Hội Luật gia Việt Nam nhằm đem tới một sự nhận thức đúng đắn nhất, khách quan nhất.
> Con đường lao tù của nữ đại gia địa ốc Nha Trang
Trao đổi của quý vị, xin vui lòng gửi về email: toasoan@nguoiduatin.vn.
Luật sư Tạ Ngọc Sơn