Ngày 17/12, báo Tuổi trẻ đăng tải đoạn clip dài hơn 8 phút ghi lại cảnh 2 bảo mẫu dùng đủ chiêu trò đánh đập, hành hạ các cháu nhỏ tại trường mầm non tư thục Phương Anh (18 đường Hiệp Bình, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM).
Hai bảo mẫu là Lê Thị Đông Phương (SN 1982, ngụ đường Nguyễn Duy, P.9,Q.8, là trưởng nhóm hay còn gọi là chủ trường mầm non Phương Anh) và Nguyễn Lê Thiên Lý (SN 1994, ngụ huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, là nhân viên cấp dưỡng, dạng thử việc của trường mầm non Phương Anh).
Lý dùng đủ các món đòn hành hạ dã man để ép các bé phải ăn.
Hàng ngày, Phương và Lý dùng đủ các món đòn như bóp cổ, gí đầu xuống đất, lấy khăn bịt mũi, tát bôm bốp vào mặt... để bắt các bé phải ăn. Bị đút quá nhanh, có bé nôn ra liền bị Lý tiếp tục dùng chất thải đó đút lại vào miệng. Mỗi giờ ăn ở đây, các bé đều chan đầy nước mắt.
Phụ huynh có con bị hai “cô giáo” hành hạ khi xem clip đã bàng hoàng, xót xa. Thậm chí, không chỉ người thân của các bé mà bất cứ ai được biết vụ việc kể trên cũng cảm thấy vô cùng phẫn nộ, lo lắng, sợ hãi.
Điều đáng buồn, đây không phải là trường hợp đầu tiên, những em bé bị bảo mẫu hành hạ đáng thương như vậy.
Có lẽ đến nay, dư luận còn chưa thể quên cái chết thương tâm của bé trai 18 tháng tuổi do “bảo mẫu” Hồ Ngọc Nhờ gây ra tháng 11 vừa qua. Trước đó, dư luận cũng thực sự phẫn nộ bởi những vụ việc hành hạ trẻ em tàn độc bởi những bảo mẫu, hay chính những người làm cha, làm mẹ.
Tất cả những hành vi nói trên là không thể chấp nhận trong một xã hội mà chúng ta thường bảo với nhau rằng: “Tất cả vì trẻ thơ, tất cả vì tương lai con em chúng ta”.
Rồi đây, tất nhiên các cơ quan chức năng sẽ có những xử lý thích đáng đối với những cô bảo mẫu này. Tuy nhiên, dưới cái nhìn của đạo Phật, nhân quả báo ứng mới là bản án đáng sợ và lâu dài đối với họ.
Gieo nhân nào gặt quả nấy, gieo gió gặt bão là những câu thành ngữ ai cũng biết. Nhà Phật dạy rằng gieo phước duyên thì được phúc đức, gieo nghiệp duyên thì chịu báo ứng.
Sự báo ứng đâu phải chỉ đến đời sau, ngay trong kiếp sống hiện tại ta đã phải chịu. Những bảo mẫu nói trên, từ khi câu chuyện vỡ lở đã phải chịu búa rìu dư luận mạnh mẽ. Biết bao người căm ghét họ. Rồi đây họ sẽ sống ra sao trong một cộng đồng đầy rẫy sự thù ghét, khinh bỉ. Đó là cái quả nhãn tiền đã thấy.
Rồi nếu họ đã có con cái thì con cái họ cũng phải chịu vạ lây, người đời ghét mẹ ghét cả con. Chúng đi đâu cũng bị người ta dè bỉu vì mẹ chúng có hành vi bạo hành trẻ thơ. Bị người đời ghét thì những đứa con ấy sẽ ghét mẹ chúng. Đứa con là tất cả niềm hy vọng của người mẹ. Bị chính con mình ghét bỏ thì còn gì đau đớn hơn.
Nói về nhân quả, có sách nói rằng kiếp này đói khổ là vì kiếp trước phá hoại thóc gạo mùa màng. Kiếp này nghèo khó là vì xưa kia không biết quí trọng tiền bạc. Theo lẽ ấy mà suy thì ta không thương yêu con cái của người thì con cái ta ra đường cũng chẳng được người đời đùm bọc. Ấy là quy luật nhân quả mà thôi.
Phật dạy người đời luật nhân quả không phải để dọa mà chính là để con người nhìn rõ quy luật rồi hành xử cho tốt để mà lấy cái kết quả tốt đẹp hơn chứ đừng đi vào con đường tà ma để muôn kiếp trầm luân không thoát ra khỏi bể khổ.
Hương Quỳnh