Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, thay mặt Ban cán sự đảng Chính phủ vừa ký ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới.
Theo đó, mục đích của việc ban hành kế hoạch là nhằm quán triệt và tổ chức thực hiện đầy đủ, chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ của Ban cán sự đảng Chính phủ được giao tại Chỉ thị số 14-CT/TW nhằm phát huy hơn nữa vai trò các cấp hội, hội viên Hội Luật gia trong tình hình mới.
Kế hoạch cũng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:
Tập trung tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức về vai trò của Hội Luật gia Việt Nam
Tăng cường tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của Hội Luật gia Việt Nam - tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, trước hết là hội viên Hội Luật gia các cấp; Hội Luật gia Việt Nam hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp trong việc củng cố, kiện toàn Hội Luật gia các cấp ngày càng vững mạnh về tổ chức và giao nhiệm vụ, phát huy vai trò các cấp Hội, hội viên Hội Luật gia Việt Nam trong tỉnh hình mới để tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Thường xuyên chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ, hội viên về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
Chú trọng làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, công tác kiểm tra, giám sát hội viên trong tổ chức, hoạt động của các cấp Hội; chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với âm mưu, ý đồ, hoạt động của các thế lực thù địch, số đối tượng phản động, chống đối, lợi dụng quá trình xây dựng pháp luật để tác động, chuyển hóa chính trị, phá hoại nội bộ.
Hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam đáp ứng yêu cầu kiện toàn tổ chức và đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam.
Nghiên cứu, rà soát và ban hành, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan đến các lĩnh vực hoạt động (tham gia xây dựng pháp luật, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; công tác tiếp dân, giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, hòa giải ở cơ sở; công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính...) của Hội Luật gia Việt Nam nhằm phát huy vai trò của Hội trong tình hình mới theo yêu cầu của Chỉ thị số 14.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội nhằm thể chế hóa chủ chương của Đảng về hội do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, trong đó có Hội Luật gia Việt Nam, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả Chỉ thị 14.
Thu hút, phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp tham gia vào hoạt động quản lý Nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương
Tăng cường sự tham gia của Hội Luật gia Việt Nam trong các hoạt động góp ý, tư vấn, phản biện chính sách, pháp luật trong xây dựng, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, thi hành pháp luật do các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, soạn thảo theo quy định.
Bảo đảm sự tham gia của Hội Luật gia Việt Nam trong việc góp ý xây dựng các chương trình, đề án về cải cách tư pháp; phát huy vai trò của Hội trong việc nghiên cứu, góp ý các đề án về cải cách thủ tục hành chính, chủ động tham gia kiểm tra, rà soát các thủ tục hành chính theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương.
Tạo điều kiện, phát huy vai trò của các cấp Hội Luật gia trong việc chủ động tham gia vào các hoạt động tiếp dân, hòa giải ở cơ sở, phòng, chống tham nhũng, giám sát, theo dõi thi hành pháp luật theo quy định của pháp luật.
Nâng cao năng lực của đội ngũ tư vấn viên pháp luật, trong đó chú trọng kỹ năng tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý chuyên sâu cho cán bộ của các Trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc Hội Luật gia các cấp; tăng cường công tác thẩm định, đánh giá chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý.
Tiếp tục phát huy vai trò của đại diện Hội Luật gia tham gia Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp trong chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; rà soát, bảo đảm có thành phần của Hội Luật gia tham gia Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp.
Huy động thành viên của Hội luật gia làm báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, người được mời tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật; tham gia vào các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là hoạt động giáo dục pháp luật tại cơ sở, trong nhà trường, truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng, triển khai các đề án, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật.
Huy động sự tham gia của Hội Luật gia trong đánh giá xã phường, thị trấn đạt chuẩn Tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25 của Thủ tướng chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Triển khai hoạt động phối hợp với Hội luật gia các cấp trong tập huấn, bồi dưỡng cho hòa giải viên hoặc tham gia hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở.
Phát huy vai trò Hội Luật gia Việt Nam tham gia tư vấn công tác đặc xá, tái hoà nhập cộng đồng đối với các phạm nhân theo quy định của pháp luật.
Tiếp tục phối hợp, hướng dẫn Hội Luật gia Việt Nam trong việc củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam với tổ chức Luật gia thế giới, khu vực, mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức, cá nhân tiến bộ trong khu vực và thế giới; thực hiện và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và cải cách tư pháp theo đúng các nguyên tắc và định hướng của Đảng và Nhà nước.
Tiếp tục phối hợp, hướng dẫn phát huy vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong công tác thông tin đối ngoại, đối ngoại nhân dân, giới thiệu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các đối tác quốc tế; tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch;
Xây dựng, kết nối mạng lưới luật gia, chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài; hướng dẫn, tạo điều kiện nghiên cứu, đề xuất với đảng, Nhà nước về cơ sở pháp lý phục vụ, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, góp phần đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Tăng cường các hoạt động chuyển đổi số trong công tác Hội thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức hoạt động của các cấp Hội Luật gia.
Nghiên cứu chuyển giao thực hiện cung cấp dịch vụ công phù hợp với khả năng của các cấp Hội Luật gia Việt Nam theo cơ chế giao việc, khoán kinh phí theo quy định của pháp luật
Kế hoạch cũng nêu rõ nghiên cứu xây dựng Đề án chuyển giao thực hiện cung cấp dịch vụ công trong các lĩnh vực có liên quan phù hợp với khả năng của các cấp Hội Luật gia Việt Nam theo cơ chế giao việc, khoán kinh phí theo quy định của pháp luật.
Cần tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ của Ban cán sự đảng Chính phủ được giao tại Chỉ thị số 14 và nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương được giao tại kế hoạch này;
Định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch để chỉ đạo kịp thời và báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Về trách nhiệm thực hiện, kế hoạch nêu Ban cán sự đảng của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tỉnh ủy, thành ủy các thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tiếp tục bảo đảm định hướng lãnh đạo đối với tổ chức và hoạt động của các cấp Hội Luật gia theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Căn cứ Chỉ thị số 14 và Kế hoạch này, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bổ sung các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch này vào xây dựng kế hoạch công tác hàng năm hoặc xây dựng Kế hoạch công tác riêng để triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này, trong đó xác định cụ thể nội dung công việc, lộ trình thực hiện (sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính cấp thiết, tính hợp lý, tính khả thi), các điều kiện đảm bảo, sản phẩm đầu ra và cách thức tổ chức thực hiện Kế hoạch.
Bộ Tư pháp làm đầu mối giúp Ban cán sự đảng Chính phủ theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch; báo cáo và đề xuất các giải pháp bảo đảm triển khai thực hiện nhiệm vụ theo Kế hoạch.