Mới đây, câu lạc bộ Hoa lan đột biến Sông Hàn, TP.Đà Nẵng đã giao dịch thành công cây lan giã hạt trắng với giá gây sốc 6,8 tỷ đồng. Được biết, 2 năm trước, giỏ lan này được anh Võ Văn Tuyên, ngụ thị xã La Gi, tỉnh Ninh Thuận, sưu tầm từ tỉnh Kon Tum. Từ khi mua về, cây lan có nở hoa 1 lần. Khoảng 2 tháng trước, giỏ hoa lại nở thêm 1 lần nữa. Anh Tuyên đã chiết gốc lan ra thành 8 cành khác nhau.
Nhiều người chơi lan cho biết, 1 cánh hoa lan đột biến cần đạt các yêu cầu như bầu, căng, bóng. Hoa có màu càng trắng càng quý… Cây lan này đắt giá nhờ sự đột biến, tạo ra được bông hoa 5 cánh có sắc trắng. Đây là giỏ hoa lan đặc biệt duy nhất đột biến tại thời điểm hiện tại ở Việt Nam.
Ông Võ Anh Truyền, Chủ nhiệm câu lạc bộ Hoa lan đột biến Sông Hàn cho biết, các loài hoa lan đột biến thường rất đẹp. Sở dĩ giỏ hoa lan này có giá “sốc” 6,8 tỷ đồng vì được giới chơi lan trên cả nước đánh giá rất cao.
Sau thương vụ này, nhiều người đặt ra câu hỏi, việc chuyển nhượng cây lan giá “khủng” này thì việc bên mua, bên bán phải đóng bao nhiêu thuế?
Ông Nguyễn Ngọc Trai, Chi cục trưởng chi cục Thuế thị xã La Gi, cho biết, trong thương vụ mua bán cây lan này không thể thu thuế thu nhập. Nếu thương vụ này là có thật thì cây lan là sản phẩm từ nhà vườn của ông Tuyên chăm sóc, nuôi dưỡng chứ không phải là mặt hàng người này định mua đi, bán lại. Do đó, người này không phải chịu điều chỉnh của luật thuế. Nếu ông Tuyên có đăng ký kinh doanh thì sẽ phải chịu thuế.
Tuy nhiên, trường hợp này, ông Tuyên trồng lan ở nhà, có người thấy đẹp nên mua và ông bán. Việc mua bán này này giống như việc nuôi gà, nuôi heo tại nhà và bán nên không thu thuế.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Doãn Hồng, đoàn luật sư TP.Đà Nẵng, cho rằng, trồng và kinh doanh cây cảnh, trong đó có hoa lan, là hoạt động kinh doanh rất phổ biến ở nước ta. Lĩnh vực này mang lại nguồn lợi nhuận khá lớn và là thị trường khá sôi động. Nhưng việc mua bán cây cảnh vẫn còn tương đối tự do và chưa có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước.
Về nguyên tắc, công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Do đó, gốc lan thuộc tài sản của người bán và tại thời điểm đó không có tranh chấp với bất kỳ bên nào khác thì được phép giao dịch mua bán.
Theo vị luật sư, về nguyên tắc, bất cứ một khoản thu nhập phát sinh nào của tổ chức, cá nhân đều phải nộp thuế thu nhập. Các khoản thuế có thể phải nộp ở đây bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
Về thuế giá trị gia tăng, theo quy định của pháp luật, sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng, bao gồm trứng giống, con giống, cây giống, hạt giống, cành giống, củ giống, tinh dịch, phôi, vật liệu di truyền ở các khâu nuôi trồng, nhập khẩu và kinh doanh thương mại. Sản phẩm giống vật nuôi, giống cây trồng thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng là sản phẩm do các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh thương mại có giấy đăng ký kinh doanh giống vật nuôi, giống cây trồng do cơ quan quản lý Nhà nước cấp.
Ngoài ra, giống cây trồng được quy định, là một quần thể cây trồng đồng nhất về hình thái và có giá trị kinh tế nhất định. Chúng được nhận biết được bằng sự biểu hiện của các đặc tính do kiểu gen quy định và phân biệt được với bất kỳ quần thể cây trồng nào khác thông qua sự biểu hiện của ít nhất một đặc tính và di truyền được cho đời sau.
Giống cây trồng được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản bao gồm hạt, củ, quả, rễ, thân, cành, lá, cây con, mắt ghép, chồi, hoa, mô, tế bào, bào tử, sợi nấm, rong, tảo và vi tảo. Như vậy, với đúng theo quy định pháp luật trên thì cây lan giã hạc là sản phẩm giống cây trồng, thuộc đối tượng không phải chịu thuế giá trị gia tăng.
Về thuế thu nhập cá nhân theo quy định sẽ tính trên toàn bộ các khoản thu phát sinh của cá nhân đó trong một năm. Tuy nhiên, đối với thu nhập của cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường thì nằm trong trường hợp thu nhập được miễn thuế, điều này được quy định cụ thể tại Khoản 5, Điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân. Bộ Tài chính cũng cho rằng, các quốc gia có ngành sản xuất nông nghiệp phát triển đều có chính sách ưu đãi thuế nhằm khuyến khích phát triển nền sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, hiện đại, bền vững.
Đối với bên mua gốc lan này, nếu mua rồi bán lại cho một bên khác có giá trị cao hơn thì không áp dụng quy định trên đây mà phải nộp thuế đối với phần giá bán chênh lệch cao hơn đối với giá mua vào. Như vậy, nếu chỉ chủ nhân của cây lan tự trồng, ghép thì không phải nộp thuế. Trong trường hợp, người này mua đi, bán lại kiếm lời thì phải nộp thuế chênh lệch.