Đô thị phải là “nơi để đầu tư khai thác”
Phát biểu tại Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam diễn ra chiều 17/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết quá trình đô thị hóa ở nước ta trong nhiều năm qua diễn ra trong bối cảnh khá khó khăn về các nguồn lực đầu tư, trong khi áp lực rất lớn từ đòi hỏi phải đáp ứng các nhu cầu trước mắt, ngắn hạn; phát triển đô thị chủ yếu trên nền tảng đô thị hiện hữu, mở rộng và đưa các làng xã trở thành đô thị nhanh chóng trong khi chưa đáp ứng đủ điều kiện cơ sở hạ tầng, chuyển hóa sản xuất, lối sống theo văn minh đô thị.
Đô thị đã trở thành giấc mơ của nhiều người dân, thúc đẩy dịch cư lớn, đồng thời hình thành tư duy khai thác đô thị một cách tự phát, phát triển nóng theo nhu cầu, trước mắt, trong khi thiếu chú trọng về đầu tư dài hạn.
Nhiều nơi vẫn quan niệm đô thị là “nơi để khai thác”, để phát triển, tìm kiếm cơ hội hơn là “nơi để đầu tư khai thác” theo bài bản, chuyên nghiệp và cần được quan tâm nuôi dưỡng, phục hồi, bảo vệ, nâng cấp, đầu tư, tạo điều kiện tối đa theo lộ trình, có chiến lược để phát huy tiềm năng, năng lực trước khi có thể khai thác với các không gian chức năng hoàn thiện, thúc đẩy gắn kết cộng đồng, thúc đẩy kinh tế.
Trong khi đó, không gian chung đô thị chưa được quan tâm, phát triển và định hướng quản lý một cách thỏa đáng; chưa hình thành được nhận thức chung trong cho cộng đồng về trách nhiệm giữ gìn cảnh quan, không gian chung đô thị để hình thành văn hóa, văn minh đô thị, tạo ra các giá trị kinh tế đô thị gia tăng…
Sách trắng “Việt Nam 2035 hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” do Ngân hàng Thế giới và Bộ KH&ĐT biên soạn cho biết, mô hình kinh tế đô thị, mô hình quản lý đô thị Việt Nam đến nay không còn phù hợp, vai trò không thật sự rõ nét, đã bộc lộ các hạn chế làm cản trở quá trình phát triển kinh tế; vai trò đầu tàu, tác động đến sự phát triển của các vùng và trong liên kết vùng chưa thật rõ rệt…
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, nguyên nhân có tính căn cơ nhất xuất phát từ tư duy, phương pháp luận về quản lý và phát triển đô thị không còn theo kịp và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển, đòi hỏi cấp bách nghiên cứu, đổi mới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, trước mắt, các chính quyền đô thị cần nghiên cứu, quán triệt những điểm mới trong Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 để có chương trình, kế hoạch và các giải pháp đồng bộ triển khai thực hiện.
Bộ Xây dựng sẽ sớm hoàn thành Đề án Đổi mới phương pháp luận về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị trong thời gian tới để đề xuất các cấp có thẩm quyền các giải pháp cụ thể khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng khẳng định, với vai trò là Bộ chủ quản phụ trách lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, trong giai đoạn tới Bộ Xây dựng sẽ tập trung hình thành khung pháp luật, thể chế đồng bộ để tạo điều kiện cho quá trình đô thị hóa.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khuyến nghị các Bộ ngành, địa phương nâng cao nhận thức về đô thị, vai trò của đô thị, đặc thù của đô thị, cũng như đặc thù thể hiện trên các chỉ tiêu phát triển đô thị;
Chủ động rà soát chỉ tiêu trung bình của Nghị quyết số 06-NQ/TW đối chiếu với các chỉ tiêu phát triển đô thị tại địa phương (hiện trạng, đặc thù, dự báo, định hướng) đánh giá mức độ khả thi và đề xuất nhóm chỉ tiêu sát với tình hình thực hiện của địa phương cho giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045.
Trên cơ sở các chỉ tiêu khả thi đề xuất, các địa phương xác định chương trình hành động, kế hoạch thực hiện. Trong đó có thể có chương trình/dự án thuộc trách nhiệm của địa phương và có chương trình/dự án cần phải thực hiện trên quy mô vùng hoặc toàn quốc.
Các địa phương đề xuất chính sách và nguồn lực cần thiết để thực hiện các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện đã đề xuất.
4 yếu tố cơ bản cấu thành đô thị thông minh
Trao đổi ý kiến tại diễn đàn, TS. Trần Ngọc Chính Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng trong việc xây dựng và phát triển đô thị lấy xác định quy hoạch cần đi trước 1 bước và để đáp ứng nhu cầu hiện nay cần đổi mới công tác quy hoạch.
“Chúng ta đã có nhiều chương trình đối mới công tác quy hoạch trong suốt 50 năm qua nhưng hiện nay cần phải đổi mới hơn nữa. Theo đó, quy hoạch đô thị phải có cách tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực, bao trùm với tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược và dự báo phát triển. Để làm được điều đó, những người làm công tác quy hoạch cần có sự am hiểu về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế, bao gồm các ngành, các lĩnh vực”, ông Chính cho biết.
Nhấn mạnh công tác quy hoạch cần tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững, TS. Trần Ngọc Chính cho rằng nếu không tuân theo quy luật thị trường thì quy hoạch không thể đi vào cuộc sống và chắc chắn việc xây dựng và phát triển đô thị sẽ không đem lại kết quả mong muốn. “Xây dựng và phát triển đô thị cần huy động nguồn lực rất lớn do đó cần tuân theo quy luật thị trường để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào quá trình này”.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng khẳng định quy hoạch đô thị pahri gắn với triết lý lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hoá, văn minh đô thị làm nền tảng.
Từ góc độ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp đặc biệt là việc triển khai dự án Thành phố thông minh bắc Hà Nội, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG cho rằng có 4 yếu tố cơ bản quan trọng nhất cấu thành nên đô thị thông minh phát triển bền vững, cụ thể bao gồm: Tăng trưởng kinh tế; Phát triển con người; Đổi mới công nghệ; Quản lý và tổ chức hiệu quả.
Về tăng trưởng kinh tế, bà Nga cho rằng quá trình thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế phải trên cơ sở cân băng các mục tiêu môi trường và xã hội. Việc phát triển đô thị thông minh hứa hẹn đem đến nhiều cơ hội kinh doanh và đầu tư mới cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Nhấn mạnh con người là trung tâm của phát triển bền vững, Chủ tịch Tập đoàn BRG khẳng định mục tiêu cốt lõi của đô thị bền vững chính là đáp ứng mọi nhu cầu từ cơ bản đến nâng cao của con người hướng tới cải thiện chất lượng cuộc sống.
Về ứng dụng và đổi mới công nghệ, bà Nga cho rằng bản chất của đô thị thông minh là việc tích hợp nhiều công nghệ để giải quyết các nhu cầu của người dân và các vấn đề xã hội. Trong đó cần nhấn mạnh việc không ngừng đổi mới và cập nhật các yếu tố thông minh và công nghệ hiện đại của thế giới.
“Việc quản lý và tổ chức đô thị thông minh phải bắt đầu từ những bản quy hoạch bài bản đồng bộ cho đến quá trình vận hành sau này dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và chuyển đổi số hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, giảm thiểu thủ tục hành chính. Mục tiêu làm cho người dân sống dễ dàng không bị kiểm soát nhưng vẫn được đảm bảo an toàn”, bà Nguyễn Thị Nga cho biết.