Như vậy, để giải quyết mâu thuẫn đó, cần tiến hành lại đại hội đồng cổ đông để bầu ra HĐQT mới hợp pháp và hợp lý. Thế nhưng, không hiểu vì sao Ban chỉ đạo do UBND TP lập ra lại không làm theo kết luận trên của thanh tra?
Nguồn gốc những mâu thuẫn, xung đột
Ngày 22/12/2004, bộ Giáo dục và Đào tạo (bộ GD&ĐT) bổ nhiệm ông Lương Ngọc Toản (lúc đó làm Thứ trưởng bộ GD&ĐT) làm Chủ tịch HĐQT lâm thời. Dù chỉ là Chủ tịch HĐQT lâm thời, nhưng ông Lương Ngọc Toản vẫn ra quy chế quy định một cổ đông phải có vốn góp tối thiểu là 1 tỷ đồng. Ngày 18/11/2005, ông Toản gửi công văn cho Hiệp hội các công ty xây dựng và vật liệu xây dựng TP.HCM, do ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch, đề nghị hiệp hội này “làm tổ chức bảo trợ và xây dựng trường ĐH Hùng Vương”. Ông Tâm sau đó đã ký văn bản đồng ý với đề nghị trên và cam kết sẽ góp 92 tỷ đồng vào kế hoạch xây dựng trường.
Trước ngày 3/2/2010 là trước kỳ đại hội đồng cổ đông (viết tắt là ĐHĐCĐ) để bầu ra HĐQT khóa 4, ông Toản ra hai quyết định số 45 và 46, công nhận số vốn của các cổ đông của phía ông Tâm là 20 tỷ đồng; số vốn góp của trường ĐH Hùng Vương là 17 tỷ đồng. Thế nhưng, thực tế theo báo cáo kiểm toán tài chính hàng năm của trường ĐH Hùng Vương, tính đến ngày 13/10/2009, số vốn góp của các cổ đông trên chỉ có hơn 5 tỷ đồng (tính số tròn) gồm có: Công ty cổ phần xây dựng Sài Gòn: 1 tỷ đồng, công ty đầu tư Sài Gòn: 600 triệu đồng, ngân hàng TMCP miền Tây: 1 tỷ 540 triệu đồng, công ty cổ phần Kinh Bắc: 2 tỷ đồng.
Do gian lận trong việc kê khai vốn cổ đông, đồng thời tính sai về vốn góp của trường ĐH Hùng Vương (chỉ lấy số liệu của năm 2007 nên thiếu hơn 2 tỷ đồng, chỉ có 17 tỷ đồng, trong khi số vốn của phía ông Tâm và ông Toản là 20 tỷ đồng) nên đại hội đồng cổ đông khóa 4 đã bầu ra HĐQT không hợp pháp và hợp lý. Từ đó nội bộ HĐQT và lãnh đạo nhà trường nảy sinh mâu thuẫn, xung đột.
Hàng trăm người vây cổng trường ĐH Hùng Vương (số 342 bis, Nguyễn Trọng Tuyển, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM) vào sáng 28/12.
Thanh tra kết luận số vốn góp sai thực tế
Ngày 17/8/2011, UBND TP.HCM ra quyết định Thanh tra toàn diện trường ĐH Hùng Vương. Đến ngày 14/2/2012, Thanh tra TP.HCM ra kết luận về việc thanh tra toàn diện trường ĐH này. Trong đó, kết luận mấu chốt nguyên nhân của mâu thuẫn và xung đột trong nội bộ trường này là do việc xác định sai số vốn góp của các cổ đông dẫn đến bầu sai các chức vị của HĐQT khóa 4. Từ đó mà nảy sinh những chuyện “lùm xùm” về sau ở trường này.
Cụ thể, trong Kết luận thanh tra này, phần nhận xét - kết luận mục 6.2 “về việc công nhận vốn góp và các cổ đông”, Thanh tra thành phố nêu: “Tổng số tiền đầu tư của các cổ đông (nhà đầu tư, tức phía ông Toản và ông Tâm- PV) được xác định là 20 tỷ đồng gồm 20 cổ đông là không chính xác với thực tế. Do tại thời điểm ban hành quyết định số 45/QĐ-ĐHHV ngày 29/1/2010 của HĐQT tổng số vốn góp của nhà đầu tư chỉ là 7,6 tỷ đồng (đã bao gồm 1,6 tỷ đồng góp vốn năm 2005). Đến ngày 1/2/2010 và ngày 2/2/2010 các nhà đầu tư mới chuyển tiếp 12 tỷ 400 triệu đồng còn lại vào tài khoản của trường. Trong đó, số liệu vốn góp của các cổ đông (nhà đầu tư mới) thể hiện trong báo cáo tài chính của trường đến ngày 31/12/2009 đã được kiểm toán là 5.140.000.000 đồng (bao gồm 1,6 tỷ đồng góp vốn năm 2005 và 3 tỷ 540 triệu đồng góp vốn mới)”.
Ngoài ra, thanh tra cũng kết luận “trong thực tế không có công ty cổ phần tập đoàn đầu tư Sài Gòn là cổ đông góp vốn vào trường ĐH Hùng Vương như đã nêu tại điều 1 quyết định số 45/QĐ-ĐHHV ngày 29/1/2010 của HĐQT”. Cũng trong kết luận thanh tra này, mục 6.4, Thanh tra thành phố kết luận “Về việc tổ chức đại hội đồng cổ đông ngày 3/2/2010” với số lượng cổ đông và vốn góp được công nhận có quyền biểu quyết tại ĐHĐCĐ là “trên cơ sở số liệu không chính xác, không phù hợp do tính đúng, tính đủ so với số liệu thể hiện trong báo cáo tài chính của trường đến ngày 31/12/2009 đã được kiểm toán. Đồng thời tại thời điểm trước khi tổ chức ĐHĐCĐ trường chưa thực hiện việc định giá tài sản để xác định tổng giá trị tài sản, tiền vốn thực tế của trường ĐH Hùng Vương dẫn đến kết quả bầu HĐQT nhiệm kỳ khóa 4 (2010- 2015) của trường ĐH Hùng Vương với cơ cấu thành viên chưa đảm bảo quyền lợi chính đáng của người đã có đóng góp thực sự...”.
Kết luận Thanh tra trên cũng nói thêm: “Việc ông Tâm ký ban hành các văn bản với tư cách Chủ tịch HĐQT trong thời gian từ ngày 15/3/2011 (ngày HĐQT bầu) đến trước ngày 14/6/2011 (ngày UBND TP ban hành quyết định công nhận (ông Tâm là chủ tịch HĐQT- PV) là chưa đủ cơ sở pháp lý, do ông Tâm chỉ được chính thức công nhận giữ nhiệm vụ Chủ tịch HĐQT kể từ ngày UBND TP ban hành quyết định số 3037/QĐ-UBND ngày 14/6/2011”.
Vì sao Ban chỉ đạo không làm theo kết luận thanh tra?
Ngày 12/3/2012 UBND TP.HCM ra quyết định lập Ban chỉ đạo trên do ông Đặng Công Luận, Giám đốc sở Nội vụ TP.HCM làm trưởng ban, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc sở GD&ĐT TP.HCM làm phó ban, cùng nhiều đại diện các cơ quan liên quan, đến làm việc ở trường ÐH Hùng Vương. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy trường ĐH Hùng Vương kiêm thành viên HĐQT khóa 4, Ban chỉ đạo khi xuống làm việc chỉ gặp HĐQT khóa 4 mà hầu hết thành viên là của phía ông Tâm, không gặp những người đại diện cho trường Hùng Vương như ông Ngô Gia Lương. Đảng ủy, Công đoàn của nhà trường cũng không được tham gia những lần làm việc đó.
Ngày 17/8/2012, Ban chỉ đạo ra Báo cáo số 01, do ông Phạm Ngọc Thanh ký, trong đó nêu rõ: Trước khi thành lập Ban chỉ đạo này, lãnh đạo trường Hùng Vương chia thành hai nhóm là nhóm của ông Lê Văn Lý- nguyên là Hiệu trưởng của trường và nhóm của ông Đặng Thành Tâm. Ban chỉ đạo họp với HĐQT hai lần yêu cầu tạm thời tìm người điều hành nhà trường nhưng nhóm ông Lý bỏ về. Nhóm ông Tâm đã đề xuất người thay thế. Nhóm ông Lý không công nhận HĐQT khóa 4, yêu cầu bầu lại HĐQT mới.
Tuy nhiên, sau đó Ban chỉ đạo đã không chấp thuận theo yêu cầu bầu lại HĐQT mới của nhóm ông Lý, vẫn công nhận HĐQT khóa 4 là hợp pháp... Đồng thời, ông Tâm được “phục hồi” chức Chủ tịch HĐQT khóa 4. Do đó, căn cứ Khoản 6 điều 17 luật Giáo dục đại học quy định “việc công nhận, không công nhận HĐQT, Chủ tịch HĐQT, các thành viên HĐQT được quy định trong Điều lệ, Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường”, ngày 22/8/2012, HĐQT đã tổ chức bầu và ra Nghị quyết công nhận Chủ tịch HĐQT đối với giảng viên chính – thạc sỹ Ngô Gia Lương.
Ngày 26/6/2013, căn cứ Kết luận Thanh tra và Quy chế tổ chức và hoạt động trường đại học tư thục ban hành kèm Quyết định số 61/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, HĐQT trường đã tổ chức họp đại hội đồng cổ đông bất thường bãi miễn chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Tâm và bầu ông Nguyễn Đăng Dờn làm Hiệu trưởng trường. Nhưng cho đến nay, UBND TP vẫn chưa có quyết định công nhận Hiệu trưởng đối với ông Nguyễn Đăng Dờn.
Chỉ cần tiến hành lại đại hội đồng cổ đông? Do không tiến hành lại HĐQT khóa mới để thể hiện quyền lợi hợp pháp cho các bên theo đúng số vốn góp thực tế (như kết luận thanh tra đã nói trên), nên mâu thuẫn giữa các bên ở trường Hùng Vương lại tiếp diễn như chúng ta đã thấy. Vấn đề đặt ra ở đây là: Những sai phạm mấu chốt dẫn đến mâu thuẫn trong trường Hùng Vương đã được thanh tra thành phố chỉ rõ như trên. Lẽ ra chỉ cần tiến hành lại đại hội đồng cổ đông để bầu ra HĐQT mới cho phù hợp với thực tế vốn góp và thể hiện đúng quyền lợi của các bên, thì mọi chuyện sẽ êm xuôi. Thế nhưng, không hiểu vì sao, Ban chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan đến ĐH Hùng Vương do UBND TP.HCM lập ra lại không làm theo kết luận trên của thanh tra TP? |
Nguyễn Thịnh