Trên địa bàn TP.Hà Nội hiện có hơn 4.000 cây xà cừ, được trồng chủ yếu ở các quận nội thành như: Hoàng Diệu, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Hoa Thám, La Thành, đường Láng, Trần Thánh Tông, Yên Phụ, Phạm Văn Đồng,....
Sở Xây dựng TP.Hà Nội cho biết, hầu hết cây xà cừ chưa được thường xuyên chăm sóc ở giai đoạn đầu. Do vậy, cây phát triển theo xu thế tự nhiên với đặc tính sinh học là vươn ra chỗ ánh sáng nên cây thường bị cong, nghiêng, không đảm bảo mỹ quan đô thị.
Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về việc có nên thay thế cây xà cừ, tuy nhiên, ý tưởng này đang vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Trao đổi với PV, ông Đoàn Văn Thu - Phó Giám đốc viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho rằng, ở các nước trên thế giới, quy hoạch hạ tầng luôn tính đến quy hoạch cây xanh, chứ không có chuyện cứ có dự án mới lại phá bỏ cây xanh. Ở nước ngoài, họ quy định riêng cho từng tuyến phố, từng đô thị về việc đường rộng, hẹp, xây hầm hay cao tốc một phần phụ thuộc vào quy hoạch cây xanh trước đó, họ vẫn giữ được bản sắc riêng vốn có của tự nhiên.
“Theo tôi, nếu thay thế cây xà cừ cần phải khảo sát cụ thể và phân loại rõ các cây sâu mục, già cỗi, nguy cơ mất an toàn. Nếu cây sâu mục thì buộc phải thay thế chứ không nên chặt đồng loạt, gây lãng phí. Bởi, những cây xà cừ ở Hà Nội phải mất vài chục năm, thậm chí 50-70 năm mới cho bóng mát và tồn tại được, như vậy cũng được xem là loại cây bền vững. Thế nên, Hà Nội cũng cần xem xét một số vị trí đặc thù để gìn giữ, bảo tồn xà cừ”, ông Đoàn Văn Thu nêu quan điểm.
Ông Đoàn Văn Thu cũng cho hay, cây trồng ở đường phố đô thị phải đảm bảo các tiêu chí: Có tán lá dày, đẹp, ít rụng lá tập trung; cây phải bền vững về thời gian; không gây ô nhiễm môi trường và đổ gãy; có giá trị kinh tế cao…
“Cây xà cừ đạt được nhiều tiêu chí cơ bản, thích nghi với khí hậu ở Việt Nam, ít sâu bệnh… vẫn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, xà cừ có nhược điểm dễ ăn nông, đổ gãy khi mưa bão và có thể khắc phục bằng giải pháp cưa cắt, sửa tán, tạo tán cân bằng. Việc thay thế 4.000 cây xà cừ cần được cân nhắc về mặt giá trị cũng như số tiền bỏ ra để trồng mới”, ông Đoàn Văn Thu nói.
Bàn sang chuyện di chuyển, chặt hạ 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng để làm đường vành đai, ông Đoàn Văn Thu cho rằng cần cân nhắc việc di chuyển cây chi phí có tốn kém hơn việc trồng cây mới? Nên chăng giữ lại hàng cây để làm dải phân cách cho đường mới.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng cục Quản lý môi trường nhận định: “Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa nóng lên và môi trường đô thị đang tạo thành những đảo nhiệt, cây xanh là sự cần thiết để cải thiện môi trường và chất lượng cuộc sống. Vì vậy, việc thay thế, di chuyển hay chặt hạ cây xanh ở các dự án đều có nghiên cứu hiện trạng, vị trí các cây cổ thụ một cách nghiêm túc trước khi cân nhắc lựa chọn giải pháp thiết kế. Trong trường hợp nếu phải xây dựng mở rộng thì cố gắng di dời tất cả cây xanh đến nơi phù hợp để "lá phổi" của thành phố được duy trì”.
N.Giang