Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hôm 16/9 đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh cùng với hai đối tác Vladimir Putin và Hassan Rouhani, nối tiếp tiến trình hòa bình Astana được khởi động gần ba năm trước.
Tại đây, các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran đã tuyên bố thành lập một ủy ban soạn thảo hiến pháp Syria mới, trong giải pháp chính trị đầu tiên cho cuộc xung đột kéo dài 8 năm của Syria.
Cuộc gặp ở Ankara được coi là cơ hội để các bên tập trung vào điểm nóng Idlib, thành trì cuối cùng của phiến quân.
Tổng thống Erdogan - người ủng hộ phiến quân trong cuộc chiến Syria – đối lập với Nga-Iran ủng hộ chính quyền Bashar al-Assad, nói rằng những sáng kiến mới sẽ trở nên rõ ràng "trong những ngày tiếp theo".
Trong khi đó, ông Putin nói: "Chúng tôi tin rằng công việc của ủy ban hiến pháp sẽ có ý nghĩa quyết định trong việc bình thường hóa tình hình ở Syria".
Chiến thắng cho Nga và Syria
Ahmet Evin, giáo sư danh dự tại Đại học Sabanci của Istanbul, cho biết ủy ban hiến pháp được thành lập sẽ có lợi cho Tổng thống al-Assad.
"Đó rõ ràng là tình thế hai đối một và việc hiến pháp ra đời sẽ giúp hợp pháp hóa chính quyền Syria", ông nói. "Tôi nghĩ rằng Moscow đang đi đúng mục tiêu và đó là một chiến thắng cho Moscow và Assad".
Kamal Alam, một nhà phân tích quân sự chuyên về các vấn đề Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết việc thành lập một ủy ban hiến pháp "không thay đổi bất cứ điều gì về tình hình trên mặt đất".
"Trong số ba quốc gia, Nga rõ ràng là người chiến thắng lớn. Trong lúc Iran còn đang mải phá ngang mọi thứ thì Thổ Nhĩ Kỳ đang bị mắc kẹt ở giữa châu Âu, Mỹ và Nga", chuyên gia Alam nhận xét.
"Nga đang ngồi ở vị trí tài xế trên xe và điều đó cũng đồng nghĩa với việc Tổng thống al-Assad và Chính phủ Syria có chỗ ngồi tốt hơn".
Hội nghị thượng đỉnh hôm 16/9 vừa qua cũng là nơi Tổng thống Erdogan phàn nàn về tình hình nhân đạo ở Idlib sau khi lực lượng quân Chính phủ Syria bắt đầu tấn công vào cuối tháng 4.
Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo Putin và Rouhani tiếp tục nhấn mạnh sự hiện diện của "những kẻ khủng bố" như Hay'et Tahrir al-Sham là một lý do để thực hiện các hoạt động quân sự.
Mặc dù đã có thỏa thuận ngừng bắn vào cuối tháng 8, nhưng các cuộc tấn công bằng pháo kích và không kích của lực lượng Chính phủ trong những ngày gần đây vẫn diễn ra.
Giữa làn sóng bạo lực, nguy cơ hàng chục ngàn người hiện đang tập trung gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng mở ra cuộc khủng hoảng người tị nạn mới.
Lo ngại về người Kurd
Ankara hiện tại cũng lo ngại về mối đe dọa đối đối với 12 trạm quan sát được thiết lập xung quanh Idlib cũng như vùng lãnh thổ do người Kurd kiểm soát dọc biên giới.
Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý thiết lập với Mỹ một khu vực an toàn dọc biên giới với khu vực phía đông bắc của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), do người Kurd kiểm soát.
Ankara cáo buộc SDF là một nhóm "khủng bố" có mối quan hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK), từng tiến hành nhiều chiến dịch bên trong Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, SDF có sự ủng hộ của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.
Cả hai nhà lãnh đạo Rouhani và Putin đều nhấn mạnh sự cần thiết phải chống lại khủng bố ở cả Idlib và các khu vực khác của Syria, cho thấy sự liên kết quan điểm đối với SDF của Ankara.
"Đó không phải là một ngày tốt lành để trở thành thành viên SDF", Selim Sazak, nhà nghiên cứu tại Đại học Brown ở Mỹ cho biết.
Theo nhà phân tích này, cảnh báo của Tổng thống Erdogan về việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hành động đơn phương chống lại SDF nếu Mỹ không chấp nhận yêu cầu trong vòng hai tuần tới cho thấy họ có sự ủng hộ của Nga.
"Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền Assad, Nga và Iran đã có giải pháp tứ cường ở Syria", chuyên gia Sazak nói. "Bằng lời cảnh báo cho Mỹ thời hạn hai tuần, Thổ Nhĩ Kỳ đang làm nóng thêm vấn đề và nếu người Mỹ ngáng đường, họ sẽ đi với Nga".
Bước ngoặt lớn ở Trung Đông
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường mối quan hệ quốc phòng và năng lượng trong những năm gần đây, nổi bật với hàng loạt các cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Putin và Erdogan được tổ chức trong năm nay.
Mới đây, Ankara đã mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga, đối nghịch lại lời kêu gọi của Mỹ.
"Sẽ không có bất kỳ phản ứng nào đối với vấn đề này ở Mỹ vì trước đó họ đã có chính sách tồi tệ ở Trung Đông và hiện tại chính sách của họ ở Trung Đông cũng không có gì", Giáo sư Ahmet Evin nêu quan điểm.
Các nhà lãnh đạo Nga-Thổ-Iran cũng đề xuất tiến trình Astana hiện có thể được sử dụng làm khuôn mẫu cho các cuộc xung đột khác trong khu vực, chẳng hạn như Yemen.
"Điều này tạo cơ hội cho Nga biến mình thành một tác nhân giải quyết xung đột và quyền lực quan trọng trong một khu vực mà Mỹ vốn đã thất bại", Evin nói thêm.
Trong khi đó, chuyên gia Sazak hy vọng hội nghị thượng đỉnh có thể báo trước những đột phá tiếp theo trong khu vực.
"Có khi chỉ trong một cái nháy mắt, chúng ta sẽ thấy một sự thay đổi bước ngoặt ở Trung Đông", ông nói. "Giải pháp đó có thể giải quyết vấn đề của các bên – dù không làm hài lòng tất cả nhưng có thể khiến các bên tạm chấp nhận để đi cùng với nhau”.