Bản cung có trước bị can?!

Thứ 6, 28/12/2012 00:07

Đọc được nỗi trăn trở của ông Bí thư Chi bộ thôn Phúc Lâm, chúng tôi từng bước tìm hiểu vụ án và xâu chuỗi những thông tin liên quan đến hai từ "uẩn khúc".

Theo những người theo sát hồ sơ vụ án, nhân chứng và đặc biệt là một nghi phạm đã từng bị bắt cùng 6 bị án gần 6 năm về trước khẳng định: Một số nghi phạm bất ngờ bị tạm giữ lúc 14h ngày 26/9/2005 khi đang trong lớp học. Thế nhưng, tại hồ sơ vụ án, biên bản ghi lời khai của những nghi phạm này lại đã được "thiết kế" từ 8h cùng ngày?!

Chuyện ghi ở trại giam Thanh Phong

Để kiểm chứng những lá đơn kêu oan, chúng tôi tìm đến Trại giam Thanh Phong giữa núi rừng hoang vu Thanh Hóa. Hôm chúng tôi đến còn lại 5 bị án bởi Vũ Đình Ý đã mãn hạn tù từ ngày 29/12/2010. Dù thi hành án cùng Trại giam Thanh Phong, mỗi người một phân trại, có một số chưa hề được nhìn thấy nhau kể từ ngày bị bắt, nhưng trong quỹ thời gian thăm nuôi ngắn ngủi, họ đều kể lại cho chúng tôi nghe những gì diễn ra vào tối 3/9/2005 với những đôi mắt đỏ hoe.

Nguyễn Văn Thuyên khi được tha tù.

Nguyễn Văn Thuyên kể: "Khoảng 19h ngày 3/9/2005, Phạm Quốc Trưởng đến nhà em rủ em đi chơi. Em lấy xe đạp chở Trưởng đến nhà Lê Văn Phương ở thôn Phúc Lâm. Sau đó em, Trưởng, Phương cùng đến nhà Vũ Đình Trưởng ở thôn Quàn. Tại đây, chúng em gặp các bạn gồm Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Văn Quyết, Hoàng Văn Dũng, Vũ Đình Ý, Nguyễn Văn Thìn, Mai Thanh Hải và Vũ Đình Trưởng đang ngồi chơi. Khoảng 19h30’ thì Quyết, Tiến, Dũng mượn xe của Phương sang thị trấn Tứ Kỳ chơi. Những người còn lại ra ngõ nhà Đình Trưởng ngồi chơi. Khoảng 20h thì em và Trưởng lấy xe đạp của Thuyên ra chỗ nổ bỏng ở gần đó và gặp Bùi Thị Ngọc (bạn của Quốc Trưởng) đang nổ bỏng gạo. Nói chuyện với Ngọc một lúc, Thuyên và Quốc Trưởng lại về ngõ nhà Đình Trưởng.

Khoảng 20h30’, Ngọc đi nổ bỏng gạo về qua cổng nhà Đình Trưởng đã cho cả nhóm cùng ăn. Khoảng 20h45’ thì Hải và Thìn mượn xe đạp của em sang thôn Tông chơi. Khoảng 21h30’ Hải dắt xe về nói với các bạn (lúc đó vẫn ngồi chơi ở ngõ nhà Đình Trưởng) rằng bị thanh niên thôn Tông đánh và làm hỏng xe. Hải bảo Ý dắt xe vào nhà Đình Trưởng rồi lấy bao tuýp sắt sang thôn Tông xem sao. 6 anh em gồm: Quốc Trưởng, Hải, Ý, Thuyên, Phương, Thìn đi đến Trạm biến thế xã Quang Khải thì dừng lại. Thấy Thìn nói "bọn nó đông lắm", cả 6 người quay về. Đến gần cống Thổ Kỳ thì cả nhóm gặp ông Nguyễn Văn Thép cầm đèn pin đi trông ao cá. Ông Thép bảo Hải đi về. Cả nhóm quay về ngõ nhà Đình Trưởng vẫn thấy Đình Trưởng và ông Kiềm ngồi chơi. Một lát sau thì Quyết, Tiến, Dũng từ thị trấn về trả xe cho Phương rồi ai về nhà nấy”.

Còn Vũ Đình Ý thì nói: "Em về đến nhà nhìn đồng hồ là 21h50’. Việc của chị X và anh H tại bờ đê như thế nào chúng em đâu biết. Oan chúng em lắm, cứ tưởng nhận đi để đỡ bị đòn rồi được về đi học, ai ngờ...".

Phạm Quốc Trưởng được coi là kẻ cầm đầu thực hiện vụ án cướp của, hiếp dâm trên đê sông Vạn năm xưa hầu như tháng nào trong trại giam cũng viết đơn kêu oan. Trưởng đưa cho chúng tôi lá đơn: "Công an huyện Tứ Kỳ giam giữ em 4 ngày đêm không có lệnh giam giữ.

Trong thời gian làm việc, cán bộ công an đã đánh đập và ép em phải nhận hành vi phạm tội mà em không hề biết và liên quan. Vì cách bức cung và ép buộc quá dã man tại công an huyện Tứ Kỳ, cộng với lời khai ép buộc của các bạn Hải, Ý, Thuyên, Phương, Thìn, không thể chịu đựng được, em phải chấp nhận theo ý của công an mặc dù em đã đưa ra bằng chứng là em không liên quan nhưng không được chấp nhận. Em bị ép phải ký vào biên bản phạm tội”.

Bản cung được lập sẵn?

Tại nhà thăm nuôi phân trại 2, Trại giam Thanh Phong, chúng tôi được nghe hai bị án Thuyên và Thìn kể: "Khoảng 14h ngày 26/9/2005, cơ quan điều tra đã đến tận lớp học bất ngờ bắt chúng em đi không có lệnh tạm giữ và biên bản lời khai của chúng em đã được lập trước rồi. Em biết cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với vụ án kể trên vào ngày 26/9/2005, đến ngày 28/9/2005 cả 6 học sinh bị khởi tố bị can và bị bắt tạm giam. Nhưng từ chiều 26 đến ngày 27/9/2005 thì em, Thìn, Ý và Hải đã bị tạm giữ. Tất cả đều không có lệnh tạm giữ và phê chuẩn việc tạm giữ của VKSND cùng cấp", Thuyên kể.

Chúng tôi cũng cầu mong điều Thuyên nói chỉ là câu chuyện đùa. Nhưng oái oăm thay, quá trình tìm hiểu vụ việc, chúng tôi nắm được thông tin: Thuyên bị tạm giữ vào tiết học thứ 2 buổi chiều 26/9/2005 (khoảng 14h), nhưng biên bản ghi lời khai của Thuyên đã được lập sẵn từ 8h sáng cùng ngày (Bút lục - BL 202 + 203); Thìn cũng bị tạm giữ cùng lúc với Thuyên nhưng biên bản ghi lời khai của Thìn đã có từ 9h ngày 26/9/2005 (BL 238 + 239)(???).

Để kiểm chứng thông tin, chúng tôi lần tìm và thu thập được giấy xác nhận đề ngày 25/7/2007 của Nguyễn Văn Tiến trú tại thôn Quàn, xã Minh Đức: "Tôi học cùng với Thuyên và Dũng tại lớp 11C Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Tứ Kỳ. Tôi nhớ hôm Thuyên và Dũng bị bắt là tiết thứ hai chiều thứ hai 26/9/2005. Khối 11 chúng tôi chỉ học buổi chiều chứ không học buổi sáng".

Theo giấy xác nhận đề ngày 3/5/2007 của Hoàng Văn Dũng, ở thôn Lâm, xã Minh Đức: "Tôi học cùng Thuyên, Tiến tại lớp 11C Trung tâm giáo dục thường xuyên Tứ Kỳ. Tôi nhớ hôm tôi và Thuyên bị bắt là vào tiết thứ hai chiều thứ hai ngày 26/9/2005. Tôi và các bạn đang học thì thầy Xế đến gọi tôi và Thuyên xuống văn phòng để gặp hai đồng chí công an. Sau đó tôi và Thuyên bị đưa về Công an huyện Tứ Kỳ...".

Những lời xác nhận này rất cần được xác minh làm rõ, bởi nếu đúng Thuyên và Thìn bị tạn giữ vào chiều 26/9/2005, trong khi đó biên bản ghi lời khai lại có từ buổi sáng cùng ngày thì đã có một sự vi phạm nghiêm trọng trong quá trình tố tụng của vụ án...

Giám hộ không biết mặt bị can?!

Theo luật sư Hoàng Văn Thâu, Trưởng văn phòng luật sư Hải Lý (Hải Dương) - người trực tiếp bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo: "Từ ngày 26 đến 29/9/2005, cơ quan điều tra đã 18 lần ghi biên bản lời khai và 5 lần ghi biên bản hỏi cung bị can, tổng cộng là 23 biên bản đối với 6 bị can Trưởng, Phương, Ý, Hải, Thuyên, Thìn. Tất cả 23 biên bản hỏi đáp này đều vi phạm tố tụng về người giám hộ cho bị can vị thành niên.

Dưới các biên bản tuy có chữ ký của người giám hộ (không có quan hệ ruột thịt, họ hàng với các bị can), nhưng kết quả xác minh của luật sư đã chứng minh các chữ ký ấy chỉ để hợp thức hóa cho đủ thủ tục. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 8/12/2006, cô giáo Nga (Trung tâm giáo dục thường xuyên Tứ Kỳ) nói: "Tôi giám hộ cho học sinh Ý.

Lúc đầu tôi sang khoảng vài chục phút sau đó về dạy, gần cuối tôi có mặt đọc lại không thấy các em nói gì rồi ký". Cô giáo Mai thì nói: "Tôi tham gia giám hộ cho em Thìn nhưng không nhớ rõ mặt học sinh". HĐXX hỏi: "Tại sao bà không biết học sinh mà ký vào biên bản?", cô giáo Mai trả lời: "Tôi không biết. Tôi chỉ ký chứ không được tham gia từ đầu" (?!)".

Liên quan đến thủ tục người giám hộ, Vũ Đình Ý cho biết: "Em bị bắt lúc chưa đầy 15 tuổi. Em còn nhớ rất rõ sau hàng loạt cuộc hỏi cung với hình thức đánh đập, ép buộc nhận tội mà không có người thân bên cạnh, sáng 13/10/2005 em được hai luật sư Chung và Tám dự cung. Hai luật sư đã đề nghị điều tra viên Đỗ Danh Tĩnh cho hỏi em để làm rõ một số tình tiết, hành vi nhưng điều tra viên này không đồng ý cho hỏi và cũng không giải thích lý do vì sao, khiến hai luật sư bất bình. Việc này đã được hai luật sư ghi lại ở biên bản hỏi cung buổi sáng hôm đó. Em khẳng định rằng, các thầy cô chỉ được mời đến ký biên bản sau khi em đã buộc phải khai nhận chứ không được dự suốt buổi hỏi cung".

Những thông tin nêu trên cần được các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc để điều tra xem xét lại. Nếu đó là sự thật thì ngay từ ban đầu, 6 cậu học trò nghèo với nhận thức non dại năm xưa đã phải đối mặt với hành trình tố tụng đầy trắc trở và đó là những vi phạm không còn đơn giản về mặt hình thức.

Nhóm PV

Kỳ 3: Chứng cứ ngoại phạm bị bỏ qua

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.