Tôi vốn không đến nỗi yếu bóng vía, nhưng thấy cảnh cũng phải sởn da gà! Những sát thủ giết người trong nháy mắt đang được nhiều người mang đi bán dạo, không kèm theo điều kiện... bảo hiểm nào.
Bán từ siêu độc của rừng xanh
Chiều chiều, trên các đường Trần Phú, đường Hoàng Hoa Thám, đoạn qua công viên Bách Thảo (Hà Nội) thường thấy một hai người đàn ông đứng lẻ loi bên chiếc xe đạp cọc cạch, đèo theo sau cái giỏ ghi vỏn vẹn hai chữ: "Bán rắn". Lân la làm quen với một tay chuyên bán rắn dạo, nhà ở thôn Lệ Mật, Gia Lâm, anh giới thiệu tên Thăng "cụt" rồi giải thích cái biệt danh khó nghe ấy mà không chút giấu giếm: "Mọi ngày thì "xử" gọn đâu vào đấy. Hôm ấy trời xui đất khiến, không hiểu luống cuống thế nào mà bị "nó" đợp vào đầu ngón tay trỏ. Garô rồi mà ngón tay cứ tím tái dần. Thế là phải tháo khớp cả ngón". Thấy tôi rùng mình, Thăng tỉnh bơ: "Thế vẫn còn may chán, ai bị rắn hổ chúa đớp thì chỉ có nước chầu Diêm Vương".
Những người hành nghề bán rắn dạo như Thăng "cụt" giờ không còn nhiều. Hai ba năm nay, người ta không còn chuộng mốt ngâm rượu tam xà, ngũ xà như trước nữa. Thăng lấy que sắt gẩy gẩy mấy con rắn cuộn khoanh trong giỏ, nói: "Một số người đứng đường ế ẩm không có khách mua, phải đi bán dạo như bán xôi ấy". Trước đây, nếu đi bán dạo vào các ngõ ngách, thường thì những người như Thăng “Cụt” mang theo một con thỏ hoặc con gà con. Đến nhà nào thực sự muốn mua, muốn thử nghiệm xem rắn có độc thật hay không, người bán sẽ cho rắn đớp con vật xấu số, khiến nó chết lập tức. " Trò ấy tuy dã man nhưng đổi được lòng tin của khách", Thăng kể.
Đảo qua các đường Bưởi, đường Hoàng Quốc Việt ở gần đấy, không chỉ tai nghe, chúng tôi cũng bắt gặp các màn buôn rắn độc giữa thanh thiên bạch nhật. Tại ngã ba đường Nguyễn Phong Sắc, thay vì nhốt rắn độc trong những chiếc cũi bọc lưới mắt cáo được chất ở yên sau xe gắn máy như kiểu buôn truyền thống, người phụ nữ buôn "thú độc" khoảng 40 tuổi bày la liệt trên lối đi dành cho khách bộ hành gần chục chiếc túi lưới, bên trong đầy rắn độc cắn chết người. Thấy kẻ qua người lại chăm chú nhìn, chị ta liếng thoắng giới thiệu: "Mình tên Hà, dân Thạch Thất, trên đó gần núi Ba Vì tập trung nhiều rắn độc quý hiếm nên hàng của mình là hàng xịn, bắt tự nhiên chứ không phải hàng nuôi nhốt kém chất lượng".
Cứ như thế, như những gì chúng tôi mục kích thì người ta mua bán rắn độc cứ như mua bán rau. Để hớp hồn khách, các con buôn thường chọn các tuyến đường lưu thông một chiều, bày "hàng" ra sát mép đường vào giờ cao điểm. Khách mua rắn độc bên cạnh các ông máu me về cái món tráng dương bổ thận còn có những người bị ung thư hoặc có người thân mắc bệnh nan y cứ mua về uống theo lời đồn thổi. Không thể rùng mình khi chứng kiến cảnh giữa đường phố người ta cắt cổ mổ bụng rắn độc lấy máu mật uống tươi - nuốt trọn để mong thoát khỏi bạo bệnh.
Đến thần chết sa mạc
Đang say sưa bù khú trong một quán nhậu, tất cả ẩm khách đều dựng tóc gáy khi nhìn thấy giỏ hàng khủng lổm ngổm những con bọ cạp đen sì! Người phụ nữ độ 50 tuổi, bình thản xách chiếc giỏ nhựa đi dọc các hàng ghế để giới thiệu thân thế, sự nghiệp của những chú (và cô) bọ cạp núi: "Đây là một loại thần dược độc ác liệt! Chữa đau lưng, nhức mỏi, tăng cường sinh lực tuyệt vời! Loại bọ cạp núi này được bắt ở Tây Ninh, mới được phân phối về! Giá rẻ bất ngờ, chỉ 8.000 đồng /cặp!"- người phụ nữ rôm rả giới thiệu. Khi có người cần mục sở thị, chị này lẹ làng vạch chiếc túi lưới chứa phải đến hàng trăm con bò cạp đang ngọ ngoạy, cấu nhau lạo xạo và con nào con nấy múp rụp đến nhức mắt! Thỉnh thoảng, có chú nào ngóc lên đòi ra, chị dùng bàn tay khá trắng trẻo gạt xuống.
Nhưng hãi nhất là đoạn chị tay không bắt từng con bọ cạp quá cỡ để giữa bàn tay, rồi bỏ vào túi nilon bán cho khách hàng! Một ông hỏi: "Nó nó cắn đau không?", chị cười: "Đau chớ, nhưng tui quen rồi, người khác mà bị cắn thì ngón tay thành cái chày!. Một số người hổng biết ra sao nhưng nghe bổ, rẻ bèn mua mấy cặp để lên bàn, làm mấy ông ngồi cùng dẫu đã ngà ngà nhưng vẫn chợn, đành kiếm chuyện rút lẹ!”
Coi chừng mang họa
"Rắn sổng bao gây náo loạn đường phố là chuyện thường ngày chú ơi!" - ông Nguyễn Văn Quyền, tài xế xe ôm trên đường Hoàng Hoa Thám tặc lưỡi nói. "Rắn hổ đất là giống cực độc, ai đó lỡ bị nó cắn nếu không được cứu chữa kịp thời là toi mạng ngay. Người ta tin rắn càng độc thì càng có dược tính nên họ mua ầm ầm. Có người mua rắn về làm thịt nhưng cũng có người nhờ mấy tay lái buôn trảm luôn giữa phố. Dù có thành thục, chuyên nghiệp cỡ nào đi nữa thì cũng có lúc "bác thợ" sơ sẩy để hung thần sổng tay. Có bận con rắn hổ chúa dài gần 2m giãy mạnh, vừa văng ra khỏi giọng tay của gã buôn, nó liền phành mang, thè lưỡi chờ ai đó sơ hở là lao vào đớp. May mà lúc đó tôi kịp lấy khúc cây phang mạnh làm nó gục tại chỗ, chứ không là có án mạng rồi", bác Quyền kể thêm.
Mặc cho những tai nạn chết người thỉnh thoảng vẫn xảy ra, lệnh cấm cứ cấm, việc mua bán rắn vẫn diễn ra rôm rả hàng ngày, ngay giữa Hà Nội. Một bác sĩ công tác tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai than thở, những ca rắn cắn đưa vào trung tâm này toàn trường hợp "chỉ mành treo chuông", thập tử nhất sinh. Thế nhưng đó vẫn chưa đủ trở thành bài học xương máu cho những người vẫn hàng ngày đùa với tử thần. Bên cạnh những tai họa bất ngờ khi rắn độc "sổng chuồng" cũng như thảm cảnh lâm nguy tính mạng không sớm thì muộn sẽ đến với những ai có thể chữa khỏi nếu tuân thủ theo phác đồ điều trị của bệnh viện lại mù quáng gửi hy vọng vào máu mật rắn độc.
Nguyên Thu