Thu bộn tiền nhờ gấu bông và mỳ tôm
Vietjet công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 với những kết quả tăng trưởng mạnh so với năm trước, vượt hơn kế hoạch.
Doanh thu thuần của Vietjet Air đạt 53.577 tỉ đồng, tăng 27% so với năm trước. Trong cơ cấu doanh thu của Vietjet Air, doanh thu từ mảng bán tàu bay gần như không thay đổi, ở mức gần 20.000 tỉ đồng.
Như vậy, tăng trưởng của Vietjet đến từ mảng kinh doanh cốt lõi là vận tải hàng không lên tới gần 50%, đạt 33.779 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu vận tải nội địa tăng hơn 22%, doanh thu vận tải quốc tế tăng gần gấp đôi. Năm qua hãng đã chuyên chở hơn 23 triệu lượt khách và thực hiện 118.923 chuyến bay, tương ứng tăng trưởng 34% lượt khách so với năm 2017.
Cùng với doanh thu vận chuyển hành khách, Vietjet cho hay còn có đóng góp rất quan trọng từ doanh thu hoạt động phụ trợ, một mảng có biên lợi nhuận cao.
Theo đó, doanh thu phụ trợ đã tăng 10 lần trong vòng 5 năm. Cụ thể, doanh thu năm 2014 mới chỉ là 836 tỉ đồng thì đến năm 2018 vừa qua đã lên tới 8.410 tỉ đồng.
Trong đó, đóng góp lớn của doanh thu phụ trợ từ mạng bay quốc tế do doanh thu phụ trợ bình quân thu được từ một khách hàng cao hơn gấp 2 lần doanh thu phụ trợ thu từ khách trên mạng bay nội địa.
Trong cơ cấu tổng doanh thu từ vận tải hàng không, hoạt động phụ trợ đang chiếm tỷ trọng khoảng 25%.
Ngoài 2 trụ cột kinh doanh chính gồm vận tải hàng không, và bán máy bay của mình thì hoạt động phụ trợ hàng không (bao gồm bán hàng hóa và dịch vụ trên máy bay…) của Vietjet cũng đều đặn tăng trưởng và thu về hàng nghìn tỷ mỗi năm.
Trong hoạt động phụ trợ hàng không nói chung, hàng năm Vietjet đều thu về hàng trăm tỷ từ việc bán các hàng hóa trên máy bay bao gồm mỳ tôm, gấu bông hay quà lưu niệm…
Như năm 2014, thời điểm hãng mới bắt đầu khai thác bay thương mại, trong tổng doanh thu 8.100 tỷ đồng thì đã có gần 300 tỷ đồng doanh thu là đến từ bán mỳ tôm và gấu bông, quà lưu niệm trên máy bay.
Do nhân lực cũng như nguồn lực đầu tư không lớn nhưng lại rất hiệu quả, không có gì khó hiểu khi đây là mảng kinh doanh khiến CEO Lưu Đức Khánh hài lòng nhất.
Trong giai đoạn 2015-2018, mảng kinh doanh này không được Vietjet không thể hiện chi tiết nhưng được hạch toán vào khoản hoạt động phụ trợ hàng không trên báo cáo tài chính.
Và trong vòng 5 năm, nguồn thu này đã tăng tới 10 lần từ mức 836 tỷ đồng năm 2014 lên 8.410 tỷ đồng năm 2018 vừa qua.
Năm 2018, hãng hàng không này thu về 53.577 tỷ đồng doanh thu thuần, thì doanh thu từ hoạt động phụ trợ tăng trưởng tới 54% và chiếm tổng cộng gần 16% trong cơ cấu doanh thu.
Tại đại hội cổ đông hồi tháng 4 vừa qua, CEO Nguyễn Thị Phương Thảo tự hào cho biết Vietjet nằm trong top 5 hãng có doanh thu khác trên tổng doanh thu cao nhất thế giới.
"Với lượng khách phục vụ hiện nay, chỉ cần mỗi khách hàng chi thêm 1 USD cho các sản phẩm phụ trợ như mỳ tôm, gấu bông, doanh thu của Vietjet đã có thêm 25 triệu USD. Mục tiêu là thu được 10 USD mỗi người trong vài năm tới", CEO Vietjet Air cho biết.
Bà Thảo cũng lưu ý khoản doanh thu này mang lợi nhuận lớn, bởi hầu như không phát sinh thêm chi phí.
Dư địa rất lớn
Nhìn nhận về doanh thu phụ trợ của Vietjet Air thì thấy “mảnh đất” này còn nhiều dư địa để tăng trưởng mạnh trong thời gian tới khi số lượng khách chuyên chở tiếp tục tăng trưởng, nhu cầu phát sinh của khách hàng ngày càng đa dạng
Hiện nay, bên cạnh sự gia tăng của khách nội địa, thị trường quốc tế đang rộng mở. Doanh thu vận chuyển hành khách quốc tế của Vietjet hiện tăng theo cấp số nhân, năm 2018 cao gấp 2 lần năm 2017 và cao gấp 6 lần năm 2016.
Việc tăng chuyên chở khách quốc tế cũng giúp nâng doanh thu phụ trợ do túi tiền của họ rủng rỉnh hơn. Theo thống kê, doanh thu phụ trợ của các hãng hàng không sẽ cao hơn ở các nước có thu nhập bình quân đầu người cao hơn, do người dân ở các quốc gia đó sẽ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ đi kèm hơn.
Ngoài ra, sự phong phú và chất lượng dịch vụ phụ trợ cũng sẽ tăng doanh thu. Trong cơ cấu doanh thu phụ trợ hiện tại, các loại dịch vụ cơ bản bao gồm phí hành lý, hành lý quá cước, chỗ ngồi, phí hủy và thay đổi chuyến bay và các dịch vụ trên máy bay.
Dựa vào văn hóa và chiến lược khác nhau, các hãng hàng không có thể mở rộng các dịch vụ khác như vận chuyển trẻ em đi một mình hay thú nuôi...
Với hệ sinh thái khách hàng và nền tảng công nghệ, hãng sẽ không chỉ bán các sản phẩm liên quan đến chuyến bay mà còn bán cho khách hàng mua vé nhiều loại hình sản phẩm đa dạng khác như khách sạn, bảo hiểm, hàng tiêu dùng, dịch vụ tài chính.
Như vậy, nhìn nhận một cách khách quan thì khả năng cao trong thời gian tới, tình hình buôn bán gấu bông và mỳ tôm của Vietjet sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn nữa.
Lê Lan