Bán hàng phân khúc thấp, Unicharm đang thất thế ở châu Á

Bán hàng phân khúc thấp, Unicharm đang thất thế ở châu Á

Võ Tá Quỳnh

Võ Tá Quỳnh

Thứ 4, 15/02/2017 09:49

Chiến lược sản xuất hàng giá rẻ của Unicharm đang khiến công ty này mất dần thị phần vào tay các đối thủ.

Tiêu dùng & Dư luận - Bán hàng phân khúc thấp, Unicharm đang thất thế ở châu Á

 Unicharm được người tiêu dùng Việt biết đến với các thương hiệu Bobby, Diana...

9 tháng đầu năm 2016, Unicharm đạt doanh thu ròng 511 tỷ Yên (4,5 tỷ USD), giảm 4% so với năm 2015. Tổng tài sản tính tới cuối tháng 9/2016 đạt 632 tỷ Yên, chỉ bằng 90% so với cùng kỳ 2015.

“Unicharm đang gặp khó khăn là điều có thể dự đoán từ trước, song mức độ suy giảm mạnh trong quý III vẫn khiến chúng tôi bất ngờ”, Nikkei dẫn lời ông Masaghi Mori, chuyên gia phân tích tại Credit Suisse Securities (Nhật Bản).

Được thành lập tại Tokyo, Nhật Bản năm 1961, Unicharm là một trong những nhà sản xuất sản phẩm vệ sinh hàng đầu châu Á. Công ty này bước chân vào thị trường Việt Nam từ cuối những năm 2000, và bắt đầu được biết đến rộng rãi sau thương vụ thâu tóm 95% cổ phần Công ty CP Diana Việt Nam năm 2011. Tại Việt Nam, Unicharm gắn liền với các sản phẩm tã giấy trẻ em như Bobby, MamyPoko, băng vệ sinh Diana, Sofy dành cho phụ nữ, các loại khăn vệ sinh Fressi, E’mos.

Theo Nikkei, doanh thu của Unicharm bị ảnh hưởng mạnh từ sự đi xuống của ngành kinh doanh tã giấy ở các thị trường ngoài Nhật Bản. Tại Trung Quốc, công ty này tiếp tục phải gánh chịu thua lỗ với sự cạnh tranh gay gắt đến từ các đối thủ Mỹ và ngay cả với công ty đồng hương Kao. Thị phần của Unicharm tại Trung Quốc giờ chỉ còn 8%, bằng một nửa so với cách đây 3 năm.

Tại Indonesia, tình hình cũng không khá khẩm hơn khi chi phí quảng cáo và hàng tồn kho tăng cao đang khiến hoạt động kinh doanh tã giấy của công ty Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng nề.

Lý do chính khiến Unicharm vẫn duy trì được lợi nhuận dương trong 3 quý đầu năm 2016 là doanh thu nội địa được duy trì, với đặc tính trung thành, ít thay đổi của người dân Nhật Bản. Tuy nhiên việc thị phần của Unicharm đang bị thu hẹp ở một loạt thị trường đang phát triển đặt ra dấu hỏi sống còn đối với doanh nghiệp này.

Thu nhập tăng lên nhanh chóng khiến người tiêu dùng ở các quốc gia châu Á đang ngày càng ưa chuộng sản phẩm giấy vệ sinh, tã giấy có chất lượng cao hơn. Những đối thủ của Unicharm như Kao, Daio Paper (Nhật Bản) hay Procter & Gamble (Mỹ) đã dự đoán rất tốt và đang chiếm lĩnh phân khúc khách hàng này.

Còn đối với Unicharm, chiến lược hàng giá rẻ từng đưa đến thành công giờ đang tác động ngược lại theo chiều hướng tiêu cực, khiến thị phần của công ty Nhật Bản ngày một co hẹp. Unicharm giờ đây phải đối mặt với hai lựa chọn, và không có phương án nào trong số đó là dễ dàng.

Nếu muốn nhanh chóng thanh lý lượng hàng tồn kho, Unicharm buộc phải gia tăng chi phí quảng cáo, marketing. Tuy nhiên để lấy lại thị phần trong dài hạn, Unicharm không có cách nào khác là phải đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặc dù vậy, để làm được điều này, chưa kể phải thay đổi dây chuyền công nghệ, việc một lượng lớn sản phẩm thế hệ cũ phải thu hồi và tiêu hủy cũng sẽ đe dọa ảnh hưởng tới danh tiếng, doanh thu và lợi nhuận của Unicharm, ít nhất là trong ngắn hạn.

Tỷ lệ lợi nhuận biên của Unicharm tại thị trường châu Á đã rơi từ 2 con số những năm trước đây xuống còn 6% trong 9 tháng đầu năm 2016. Mặc dù kết quả kinh doanh không mấy khả quan, song Unicharm vẫn giữ nguyên dự báo lợi nhuận tăng trưởng 4% trong năm nay, bằng cách đẩy mạnh hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó có kênh phân phối online.

Tại Indonesia, Unicharm đang chuyển hướng sang phân khúc khách hàng trung và cao cấp. Ngoài ra, công ty này cũng đang triển khai các kế hoạch bán hàng tại Ấn Độ, Trung Đông và cả châu Phi, những nơi mà nhu cầu về sản phẩm giấy vệ sinh và tã giấy giá rẻ vẫn còn lớn.

Kết thúc 3 quý đầu năm, Unicharm mới chỉ hoàn thành 62% kế hoạch năm. Theo Nikkei, rất khó để công ty đặt trụ sở tại Tokyo đạt mục tiêu lợi nhuận trong năm nay. Chỉ tiêu này thậm chí còn có thể suy giảm, lần đầu tiên kể từ năm 2005. Giá cổ phiếu Unicharm hiện ở mức 2.580 Yên/ CP, “bốc hơi” 24% so với mức đỉnh 3.375 Yên tháng 3/2015.

Nghi Điền

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.