Đặc sản giống như sản phẩm do AI tạo ra
Trên thế giới có rất nhiều đặc sản thú vị mà nếu chưa từng nhìn thấy, chắc chắn bạn sẽ nghĩ rằng chúng chỉ là sản phẩm do AI tạo ra. Những hạt lạc (đậu phộng) nhiều màu dưới đây chính là một ví dụ điển hình.
Những hạt lạc này có phần vỏ vô cùng khác lạ, có màu tím, đỏ, vàng, nâu xếp xen kẽ với nhau, giống như hoa văn trên cơ thể báo đốm. Không hề giống với loại lạc vỏ nâu đỏ mà chúng ta thường thấy.
Đây vốn là đặc sản của một khu tự trị nơi người dân tộc Đại ở Vân Nam (Trung Quốc) sinh sống. Trong tiếng địa phương, nó được gọi là “Doupake”.
Một cô gái có tên Lưu Lệ Tinh sau khi đến đây du lịch đã phát hiện ra đặc sản này và đã tìm được cơ hội đổi đời nhờ nó.
Lần đầu tiên nếm thử loại lạc này, Lệ Tinh đã bất ngờ khi nó rất ngọt và mềm, gần như tan chảy ngay trong miệng. Hậu vị thoang thoảng mùi thơm của sữa vô cùng đặc biệt. Có thể nói, đó là loại lạc ngon nhất mà cô từng ăn.
Sau khi trở lại nơi làm việc ở Quảng Châu, Lệ Tinh vẫn nhung nhớ hương vị khó quên của những hạt lạc nhiều màu. Sau đó, cô đã ấp ủ một ý tưởng kinh doanh sáng tạo: Loại lạc “đột biến” này tuy ít được biết đến nhưng chắc chắn sẽ thu hút một lượng lớn khách hàng GenZ - thế hệ luôn theo đuổi và tìm kiếm những điều mới mẻ, thú vị trong cuộc sống.
Vì vậy, Lệ Tinh bắt đầu tìm kiếm những thông tin liên quan về lạc nhiều màu, đồng thời tiến hành nghiên cứu và phân tích thị trường. Kết quả cho thấy, mức tiêu thụ lạc hàng năm trên toàn Trung Quốc lên tới 150 tỷ NDT, trong đó thị phần lạc ăn trực tiếp là hơn 50 tỷ NDT. Điều này cho thấy thị trường tiêu thụ lạc như một món ăn nhẹ và làm quà tặng có tiềm năng khai thác lớn.
Ngoài ra, các sản phẩm đặc biệt như lạc nhiều màu sắc có thể dễ dàng trở nên nổi bật và chiếm được vị trí thích hợp trên thị trường.
Vào cuối năm 2013, Lệ Tinh đã quyết định nghỉ công việc ổn định trong ngành tài chính ở Quảng Châu, một mình đến thôn làng của dân tộc Đại để bắt đầu hành trình khởi nghiệp với lạc nhiều màu.
Hai lần “vạn sự khởi đầu nan”
Ban đầu, cô thuê vài mẫu đất, mua hạt giống và dụng cụ, đồng thời thuê dân làng giúp cô trồng lạc trên mảnh đất thử nghiệm đầu tiên. Tuy nhiên, chủng lạc đặc biệt này có năng suất rất thấp.
Vạn sự khởi đầu nan, Lệ Tinh tự tìm hiểu thêm thông tin, tham khảo ý kiến của các chuyên gia và học giả, tìm mọi cách để có thể nâng cao năng suất và chất lượng.
Năm 2014, với những nỗ lực tích cực của Lệ Tinh, các ban ngành liên quan của làng và chính quyền quận đã hỗ trợ cho dự án của cô. Nhờ đó, diện tích trồng lạc nhiều màu nhanh chóng được mở rộng lên 2.000 mẫu, số dân làng tham gia trồng tăng lên hàng trăm người.
Công việc kinh doanh của Lệ Tinh diễn ra suôn sẻ trong những ngày đầu kinh doanh, diện tích trồng lạc nhiều màu tiếp tục được mở rộng. Tuy nhiên, trận mưa lớn kéo dài vào năm 2014 đã khiến cô suýt phải trả giá đắt trong sự nghiệp.
Trận mưa kéo dài bảy ngày bảy đêm, hơn 100 tấn lạc đủ màu sắc chất đống trong kho bị mưa thấm và bắt đầu mốc meo, sau đó là hư hỏng hoàn toàn, không thể ăn được và cũng không thể bán được. Giá trị thị trường của lô hàng này vượt quá 3 triệu NDT (10,3 tỷ đồng). Thiệt hại kinh tế vô cùng lớn.
Nhưng thay vì bán rẻ số lạc hỏng này, Lệ Tinh chấp nhận chịu lỗ và lấy đó làm bài học để phòng ngừa rủi ro tương tự lặp lại.
Sau đó, cô đã cải tiến quy trình gieo trồng, bảo quản những hạt lạc nhiều màu để phù hợp hơn với khí hậu địa phương, chất lượng sản phẩm cũng được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm mới chỉ là bước đầu tiên. Lệ Tinh còn phải tìm cách gỡ “nút thắt” về kênh tiêu thụ. Ban đầu, cô thử bán chúng ở chợ địa phương cùng với lạc thông thường, nhưng lạc nhiều màu sắc có giá cao nên không được người tiêu dùng ưa chuộng.
Để mở rộng hoạt động bán hàng, Lệ Tinh đã đi khắp nơi và cuối cùng tìm được một cửa hàng bán đồ ăn nhẹ cao cấp theo lời giới thiệu của một người bạn.
Lệ Tinh nhận ra rằng, lạc nhiều màu sắc là một sản phẩm có đặc trưng riêng, rất thích hợp làm quà tặng cao cấp. Vì vậy, cô bắt đầu tối ưu việc phân loại và thiết kế bao bì của mặt hàng này.
Lệ Tinh đã chia lạc nhiều màu thành hai loại: loại đặc biệt và loại một, dựa trên đánh giá toàn diện về kích thước và hình thức bên ngoài. Lạc loại đặc biệt có kích thước đồng đều, màu sắc tươi sáng, lạc loại một thì sẽ nhỏ hơn một chút.
Bao bì và hộp quà được tạo ra bởi những nhà thiết kế chuyên nghiệp, phản ánh đặc tính tự nhiên của những hạt lạc nhiều màu sắc, đồng thời sử dụng các vật liệu tự nhiên thân thiện với môi trường.
Khi Lễ hội mùa xuân năm 2017 cận kề, Lệ Tinh đã chọn mùa bán hàng cao điểm này để sản xuất hàng loạt sản phẩm lạc nhiều màu đóng hộp. Đồng thời, cô cũng quảng bá mạnh mẽ trên mạng xã hội, đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa văn hóa của những hạt lạc nhiều màu sắc như một đặc sản địa phương. Từ đó biến chúng thành lựa chọn quà tặng ngày lễ tốt nhất, vừa truyền tải nét đẹp văn hóa dân tộc đồng thời còn mang ngụ ý may mắn tốt đẹp.
Chẳng bao lâu sau, nhờ hiệu ứng truyền miệng của người tiêu dùng, những hạt lạc nhiều màu đã thành công mở ra thị trường mới và được săn đón nhiệt tình. Kể từ đó, đặc sản này đã trở thành một dấu ấn văn hóa và sáng tạo của địa phương.
Năm 2017, nắm bắt được cơ hội trên thị trường TMĐT và livestream, Lệ Tinh thêm một lần nữa mở rộng thành công các kênh bán hàng. Những buổi livestream và video của Lệ Tinh không chỉ giới thiệu một cách sinh động về nguồn gốc của lạc nhiều màu mà còn chia sẻ về cách trồng trọt, dinh dưỡng và ý nghĩa văn hóa của đặc sản độc đáo này.
Đến năm 2020, những cây lạc đầy màu sắc do Lệ Tinh trồng đã bao phủ toàn bộ thung lũng, với diện tích trồng 10.000 mẫu. Bản thân Lệ Tinh cũng trở thành một doanh nhân giàu có. Một kg lạc nhiều màu có thể bán với giá lên đến 100 NDT (344.000đ)/kg.
Đồng thời, trang trại lạc nhiều màu không chỉ giúp hơn 4.000 dân làng địa phương thoát nghèo mà còn trở thành thắng cảnh địa phương tuyệt đẹp, thu hút vô số du khách đến thưởng ngoạn. Một nông dân địa phương chia sẻ, việc tham gia vào trang trại lạc của Lệ Tinh đã giúp người này kiếm được từ 10.000 - 20.000 NDT (34 - 69 triệu đồng)/tháng.
Hương Nguyễn (Theo baijiahao)