Về vấn đề quản lý dân cư tại Hà Nội, có hai luồng ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, để góp phần hạn chế tình trạng quá tải, tăng dân số cơ học ở nội thành, cần áp dụng một số biện pháp hành chính về đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội chặt chẽ hơn so với Luật cư trú hiện hành. Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định hạn chế nhập cư này vì có thể ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú của công dân.
Phân giải việc này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhận định, để kiểm soát dân cư trong nội thành Hà Nội một cách phù hợp, cần phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là các giải pháp về kinh tế - xã hội, quy hoạch. Kiểm soát dân cư ở nội thành bằng biện pháp hành chính tuy chưa phải giải pháp tối ưu, nhưng cần thiết để bảo đảm quy mô, mật độ dân cư theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Ông Phan Trung Lý - chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
Bên lề hành lang kỳ họp, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết: "Việc siết điều kiện nhập cư là giải pháp cần thiết nhằm giãn bớt số lượng dân cư thường trú trong nội thành Hà Nội". Tuy nhiên, theo nhận định của các luật sư, dự thảo Luật Thủ đô có những quy định giới hạn một số quyền cơ bản của công dân, quyền tự do cư trú và quyền tự do lao động, một cách thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn.
Theo quy định của dự thảo, ngoài các điều kiện đã được pháp luật về cư trú quy định, công dân muốn đăng ký thường trú ở Thủ đô phái đáp ứng các yêu cầu: chỗ ở do thuê thì phải thuê của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở; tăng thời gian tạm trú từ 1 năm lên 3 năm và bổ sung quy định nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.
Theo LS.Lã Khánh Tùng (Đại học Quốc gia Hà Nội), việc tiếp tục yêu cầu công dân phải đăng ký nơi thường trú bằng chế độ hộ khẩu như hiện nay chỉ nên coi là biện pháp trong thời gian quá độ. Hiện chỉ có 4 quốc gia trên thế giới còn sử dụng chế độ hộ khẩu (Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Nhật Bản). Nói cách khác, việc quản lý về nơi cư trú của công dân không phải là phương thức được nhiều xã hội văn minh áp dụng. Hàn Quốc đã bỏ chế độ hộ khẩu từ ngày 1/1/2008, chế độ hộ khẩu ở Trung Quốc đang được nới lỏng dần.
Theo nhận định của các luật sư, quyền tự do cư trú gắn liền với quyền tự do đi lại. đây là hai quyền rất quan trọng cho việc phát triển cá nhân, cũng là tiền đề cho phát triển xã hội. Chính vì tầm quan trọng của nó mà pháp luật quốc tế cũng như Hiến pháp mọi quốc gia đều ghi nhận và bảo vệ. Điều 13 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (1948) khẳng định "mọi người đều có quyền tự do đi lại và tự do cư trú trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia".
"Quyền tự do đi lại và cư trú không phải là quyền tuyệt đối, nó có thể bị hạn chế, nhưng để tránh sự tùy tiện của các chính quyền, khoản 3, điều 12, Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự (năm 1966) thì chỉ được hạn chế quyền này khi cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội hoặc các quyền tự do của người khác và phải phù hợp với những quyền khác được Công ước công nhận", LS. Tùng dẫn chứng.
Theo LS. Phạm Văn Phất (Đoàn Luật sư Hà Nội), về vấn đề quản lý dân cư, tại khoản 4 Điều 19 của dự thảo Luật quy định điều kiện đăng ký thường trú vào nội thành Hà Nội chặt hơn so với quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật cư trú và có quy định hai phương án, rõ ràng là giới hạn quyền của công dân mức độ cao hơn. Các nhà soạn thảo luật không thể có cơ sở để cho rằng việc hạn chế này là vì lý do trật tự công cộng. Thực tế, không phải người tạm trú nào cũng vi phạm pháp luật. Nếu người nào có hành vi vi phạm pháp luật thì về nguyên tắc bình đẳng cũng cần xử lý như mọi công dân khác. |
Giang - Phương