Có xử lý được tiếng gà gáy, chim hót?
Theo quy định tại dự thảo luât, Điều 60 nêu rõ về xử lý tiếng ồn từ chăn nuôi: Tiếng ồn từ chăn nuôi bao gồm tiếng ồn phát ra từ vật nuôi, thiết bị sử dụng trong chăn nuôi; tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải xử lý tiếng ồn phát ra từ các hoạt động chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn.
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, quy định như vậy là người chăn nuôi phải xử lý cả tiếng ồn phát ra từ vật nuôi và thiết bị sử dụng trong chăn nuôi. Nhưng ví dụ như nuôi chim yến, chúng bay trên không trung phát ra tiếng kêu thì người dẫn dụ chim yến không thể xử lý hành vi này được mà chỉ xử lý thiết bị tạo ra âm thanh dẫn dụ mà thôi. “Tôi đề nghị nghiên cứu quy định cho phù hợp”, ĐBQH Kim Bé nói.
ĐBQH Kim Bé cũng góp ý vào Điều 12 về 14 hành vi bị nghiêm cấm và nêu quan điểm, quy định các hành vi bị cấm trong nhập khẩu là chưa đầy đủ. Bà cho rằng, thời gian qua, Việt Nam nhập khẩu một số vật nuôi có tác hại đến môi trường sống, môi trường sản xuất như ốc bươu vàng. Hậu quả là nhiều nơi ốc bươu vàng phá hoại mùa màng, các cánh đồng sản xuất lúa. “Tôi đề nghị bổ sung nội dung cấm nhập khẩu vật nuôi có tác hại đến môi trường sản xuất, môi trường sống để quản lý chặt chẽ”, bà Bé nói.
Nhất trí với ĐBQH Kim Bé, ĐBQH Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) còn đề cập đến việc, hiện nay, các tỉnh, thành phố nhất là miền Trung và miền Nam như Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Kiên Giang, thậm chí cả các tỉnh Tây Nguyên đã có hàng vạn nhà yến, quy mô hàng triệu cá thể chim yến đang tồn tại trong khu vực nội thành các thành phố lớn, thị xã cũng như các khu dân cư cho thu nhập ít nhất vài chục triệu/tháng cho từng hộ gia đình.
Vì vậy, quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó, khoản 1, Điều 12 nêu “chăn nuôi trang trại trong khu dân cư; chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã trừ nuôi động vật cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm” đồng nghĩa với việc khi luật có hiệu lực, các địa phương buộc phải đóng cửa tất cả các nhà yến thì rất khó khả thi trong thực tế.
Do đó, ĐBQH này đề nghị nghiên cứu sửa đổi nội dung trong dự thảo luật cho phù hợp.
ĐBQH Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đề nghị bỏ Điều 60 nêu trên vì theo ông, nếu quy định như vậy thì đến lúc không còn được nghe cả tiếng gà gáy, tiếng chim hót.
Quy định rõ về quản lý chó, mèo
ĐBQH Mong Văn Tình (Nghệ An) cho rằng, thời gian qua, ngành Nông nghiệp còn tồn tại tình trạng phát triển thiếu bền vững, kiểm soát cung cầu chưa thật tốt. Do đó, dự thảo luật cần chi tiết hóa nội dung này để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.
Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi phù hợp từng vùng, từng địa phương để phát triển bền vững.
Cũng góp ý về Điều 12, dự thảo luật, ĐBQH Tình bày tỏ ngoài quy định về 14 hành vi bị nghiêm cấm, thì đề nghị cấm nhập gia súc gia cầm sống loại già, loại thải từ nước ngoài với mục đích giết mổ.
ĐBQH Tình cũng nêu thực tế, mặc dù đã có quy định cấm thả rông chó, mèo nhưng tình trạng thả rông chó mèo vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt ở nông thôn gây ra nhiều hệ lụy cho cộng đồng như chó cắn trẻ em gây tử vong, chó chạy ngang đường gây tai nạn giao thông. Trong khi đó, việc xử lý với chủ nuôi rất khó khăn và người bị tai nạn giao thông phải chi một khoản khá cho điều trị. Do đó, việc này cũng cần được quy định rõ hơn trong dự thảo luật, nhất là vấn đề bồi thường thiệt hại cho bên bị hại trong trường hợp chó mèo thả rông gây ra tai nạn giao thông.
ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cũng đưa ý kiến về việc quản lý nuôi chó mèo, ông đề nghị bổ sung quy định đăng ký nuôi chó mèo để đảm bảo mục tiêu khống chế thanh toán bệnh dại. Cụ thể, nuôi chó mèo phải thực hiện các yêu cầu đăng ký nuôi chó với cấp trưởng thôn hoặc UBND cấp xã đồng thời cam kết xích hoặc nuôi nhốt chó trong khuôn viên gia đình. Khi cho ra ngoài, chó phải được xích, rọ mõm để đảm bảo an toàn. “Cần thiết kê khai chăn nuôi chó mèo ở thôn, xã”, ông nói.
Tuy nhiên, ở nội dung này, một số ĐBQH lại cho rằng, nếu quy định như vậy sẽ tạo ra các thủ tục hành chính nhiêu khê, phiền phức không cần thiết.
ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho rằng, quy định tại Điều 4, dự thảo luật chưa bao quát hết các hoạt động, thiếu chính sách cho nông dân khởi nghiệp hoặc quy mô nhỏ lẻ. “Được mùa mất giá”, sản phẩm ế ẩm làm người dân điêu đứng đã đề cập nhiều kỳ họp nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để. Do vậy, ĐBQH đề nghị cần có chính sách phù hợp cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như về ngân sách, định hướng giảm thiểu tự phát, gắn kết từ sản xuất đến tiêu thụ…
Về các hành vi bị cấm, ĐBQH Hoa Ry đề nghị cần khái quát hơn vì khi liệt kê chi tiết quá dễ bỏ qua hành vi.
Theo dự kiến, luật Chăn nuôi sẽ được thông qua tại kỳ họp này.
D.Thu