Để người lao động không rút bảo hiểm một lần
Nêu ý kiến về bảo hiểm xã hội một lần quy định tại Điều 70, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk) đề nghị ban soạn thảo chọn phương án 2 được quy định trong dự thảo Luật này. Tuy nhiên, sau khi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi) có hiệu lực, đề nghị Chính phủ cần có các nhóm giải pháp đồng bộ để hỗ trợ cho người lao động trong giai đoạn khó khăn trước mắt, đồng thời có lộ trình áp dụng phù hợp để thực hiện phương án BHXH một lần.
ĐBQH Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) tán thành sự cần thiết phải sửa đổi quy định về bảo hiểm xã hội một lần trong dự thảo luật để đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.
Tuy nhiên, để có thể khắc phục được tình trạng số lượng người nhận bảo hiểm xã hội một lần tăng lên hàng năm như thời gian gần đây, ông cho rằng, cần phải phân tích, đánh giá kỹ lưỡng để xác định nguyên nhân cơ bản của tình trạng này, nhằm có giải pháp căn cơ và có chính sách đồng bộ về bảo hiểm xã hội.
Thảo luận về bảo hiểm xã hội một lần đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 93 năm 2015 để cho phép người lao động lựa chọn việc bảo lưu BHXH một lần. Đại biểu bày tỏ băn khoăn là tại sao một chính sách nhân văn như vậy nhưng lại không được người lao động đồng tình.
Vì vậy, đề nghị cần tiếp tục làm rõ, nó có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về mối quan hệ giữa lý luận khoa học pháp lý với tính thực tiễn về sự phù hợp giữa các quy định của pháp luật với thực tiễn cuộc sống.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) cho rằng cần có một giải pháp đồng bộ để bảo vệ người lao động và để người lao động không muốn rút bảo hiểm một lần.
Dự thảo Luật đề xuất 2 phương án, đại biểu cho rằng phương án linh hoạt nhất là không cấm người lao động rút BHXH một lần. Tuy nhiên, phải quy định hết sức chặt chẽ, khắt khe điều kiện được rút BHXH một lần. Do vậy, Luật có thể xem xét thiết kế thành các phương án để người lao động lựa chọn.
Liên quan đến nội dung này, ĐBQH Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) nêu quan điểm cần có giải pháp để hạn chế người lao động rút BHXH một lần nhưng vẫn đảm bảo để người lao động có thể ổn định đời sống sau khi ngừng làm việc.
"Vì vậy, đề nghị nên có phương án sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm xã hội để thành lập Quỹ cho vay đối với người lao động phải ngừng việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu", bà Kiều nói.
Lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp
Phát biểu tranh luận về bảo hiểm xã hội một lần quy định tại Điều 70, dự thảo luật nêu ra 2 phương án, ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang) bày tỏ thống nhất cao với quan điểm của cơ quan thẩm tra.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, nếu chọn phương án 1 sẽ không đảm bảo sự công bằng giữa những người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước và sau khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực. Bởi một trong những lý do chính khiến người lao động rút BHXH một lần trong thời gian qua là để bù đắp những khó khăn về mặt kinh tế để lo cho cuộc sống trước mắt.
Quy định như phương án 1 dễ dẫn tới nguy cơ sẽ không động viên được người lao động trẻ, người lao động mới tham gia bảo hiểm xã hội khi tích lũy từ tiền lương và thu nhập của người lao động còn rất thấp.
Do vậy, việc rút BHXH một lần trong nhiều trường hợp là nguồn tài chính vô cùng cần thiết để người lao động duy trì bảo đảm được phần nào cuộc sống trước mắt của họ.
Như vậy, vô hình chung sẽ không tạo động lực để người lao động trẻ, lao động mới tham gia bảo hiểm xã hội, không thực hiện được nguyên tắc công bằng, bình đẳng của Bảo hiểm xã hội như quan điểm xây dựng luật đã nêu, khiến cho mục tiêu ý nghĩa của chính sách về bảo hiểm xã hội không đạt được như Nghị quyết 28 của Trung ương đề ra.
Đại biểu Cầm cho biết thêm, nếu chọn phương án 2 người lao động vẫn có thể rút BHXH một lần như hiện nay nhưng mức rút chỉ là 50% trên tổng tích lũy của họ trước đó là không hợp lý, vì số tiền người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động cũng là tiền của người lao động.
Bên cạnh đó, việc chỉ được rút 50% chưa phải là một phương án tốt hỗ trợ cho người lao động khi họ đang phải đương đầu với những khó khăn ngay trước mắt của cuộc sống.
Đặc biệt hơn khi người lao động giúp bảo hiểm xã hội một lần lại là phụ nữ thì việc sử dụng những khoản tiền này chủ yếu dành cho những nhu cầu thiết yếu của gia đình.
"Phương án này cũng sẽ tạo ra sự khác biệt khá lớn về số tiền hưởng bảo hiểm xã hội một lần của những người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần trước và sau khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực", bà Cầm nói và cho biết chính sách cũng không thực hiện được mục tiêu xây dựng luật là mở rộng gia tăng quyền lợi ích tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
Vì các lý do nêu trên, nữ đại biểu kiến nghị ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu và lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp, có xem xét dưới góc độ giới để có được một phương án thấu đáo, đáp ứng được quyền lợi thực chất và nguyện vọng của người lao động về việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Đại biểu ủng hộ phương án người lao động vẫn được rút BHXH một lần và được rút một cách thỏa đáng nhất có thể.
Ngoài ra, cần có các hình thức hỗ trợ song song như tín dụng vốn vay ưu đãi cho người lao động kèm theo công tác vận động truyền thông để thay đổi nhận thức, hành vi giúp mọi người nhận diện được lợi ích lâu dài của việc tham gia bảo hiểm xã hội, từ đó tự nguyện cam kết thực hiện.
Phát biểu tranh luận về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) nêu quan điểm, Nhà nước làm luật thì nên đặt mình vào cương vị của người lao động.
Với tinh thần đó, đại biểu cho rằng, các nội dung cơ bản của Nghị quyết 93 năm 2015 cần được tiếp tục gìn giữ nhưng cần gia cố thêm những chính sách để giữ chân người lao động, quan điểm là Nhà nước chỉ nên giữ chân người lao động bằng các lợi ích chứ không nên đặt ra bằng các hạn chế.
Do đó, đại biểu Thịnh đề xuất giải pháp theo hướng: Nên cho phép người lao động rút BHXH một lần nhưng cần có phương án trung gian. Đó là khi người lao động có nhu cầu rút BHXH một lần, trước mắt sẽ được dùng sổ bảo hiểm, xác định được số tiền rút một lần chuyển sang cơ quan Ngân hàng Chính sách thì sẽ được rút số tiền đó từ ngân hàng. Chi phí đó thì người lao động chịu mức lãi suất chính sách dưới 5%/năm. Khi nào người lao động quay trở lại thì sẽ phải đóng bổ sung số lãi đó và tiếp tục được tham gia BHXH.
"Nên có giải pháp trung gian như vậy, cùng với các chính sách khác, sẽ hấp dẫn được người lao động bằng các lợi ích chứ không nên giữ chân người lao động tham gia BHXH bằng các hạn chế", đại biểu Thịnh nêu ý kiến.
Trước đó, ngày 2/11 Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa ủy quyền của Thủ tướng đã trình tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi với Quốc hội.
Về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo luật đề xuất 2 phương án.
Phương án 1: Quy định việc hưởng một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau.
Nhóm 1, đối với người lao động đã tham gia trước khi luật sửa đổi có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng có nhu cầu thì được nhận một lần.
Nhóm 2, đối với người lao động bắt đầu tham gia từ ngày luật sửa đổi có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận một lần.
Chỉ giải quyết hưởng một lần trong các trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Đây là vấn đề lớn, hết sức nhạy cảm, phức tạp nên theo ông Dung, Chính phủ báo cáo xin ý kiến Quốc hội đối với 2 phương án nêu trên.