Ngày 27/10/2022, tại Toà án Nhân dân huyện Thống Nhất (Đồng Nai) mở một phiên toà xét xử vụ án “cố ý gây thương tích”, tôi thực sự cảm thấy buồn và xót thương cho cả người bị hại và bị cáo khi biết lý do của vụ án.
Câu chuyện bắt đầu tưởng như chẳng có gì to tát. Gia đình bị cáo (tạm gọi anh A) sinh con một bề. Mỗi lần trong xóm tụ tập liên hoan, anh luôn là đề tài để mấy ông bạn nhậu trong xóm công kích bằng giọng nửa đùa, nửa thật.
Anh A là người vốn vui vẻ, hoà đồng, ít để ý, nhưng lần nào cũng thế, anh qua ngồi chung bàn, y như rằng bị dè bỉu, giễu cợt bằng những câu: “Tính ra chú mày không ngon lắm, lấy vợ chỉ biết sinh toàn vịt giời”; “Ôi, đi làm vất vả cũng chỉ lấy tiền nuôi gái”; nào thì: “Chú mày sao lại ngồi đây, xuống ngồi mâm với mấy con mụ đàn bà kìa, chỗ đó mới là chỗ của chú”. Bình thường anh đều nhịn cho qua. Vài lần anh phản ứng mạnh bằng cách bỏ về không tham gia nữa thì càng bị chọc nhiều hơn như là: “Tính đàn bà, động tý là hờn với chả dỗi”...
Câu chuyện càng ngày càng đi quá xa khi ông hàng xóm thân thiết luôn là người khơi mào châm chọc đầu tiên. Bất cứ chỗ nào, dù lạ hay quen ông lấy chuyện anh đẻ con một bề ra để “ghẹo cho vui.
Hôm anh A mừng được lên làm quản lý, đang nhậu vui với đồng nghiệp ở quán, xui rủi gặp ông hàng xóm đi nhậu với bạn, có chút men, gặp ông lại ghẹo không đúng lúc, đúng nơi. Thêm những người đồng nghiệp của anh A ở bên cạnh khích để anh đánh cho ông hàng xóm một trận cho chừa cái tật nhiều chuyện. Sẵn chút men trong người, anh đã đánh ông đến nỗi bị thương gục ngay tại quán. Thế là vốn là hàng xóm thân thiết nay đường ai nấy đi.
Kết thúc phiên toà, bị cáo bị mức án phạt cải tạo không giam giữ 01 năm, bị phạt bổ sung 30 triệu đồng. Nhưng nỗi đau lớn hơn cả, đó là tình cảm hàng xóm láng giềng mấy chục năm tan thành mây khói. Từ chỗ láng giềng thân thiết, nay chẳng thể nhìn nổi mặt nhau.
Thực tình, việc khích bác nhau thường xảy ra trên bàn nhậu. Tôi từng chứng kiến một câu chuyện đau lòng vì hơn thua nhau chén rượu, mà người thì sống trong nỗi ám ảnh, day dứt. Người thì mãi mãi ra đi ở tuổi trẻ đẹp nhất. Trong nhóm có một anh nhậu rất giỏi. Anh ấy luôn tự tin mình là “đô bất tử”, thế nên gặp ai anh cũng ép.
Lúc nào trên bàn nhậu anh cũng dùng chiêu khích để bắt ép mọi người phải uống. Uống đến khi nôn thốc nôn tháo, uống cho mềm nhũn người ra. Anh ta mới thoả mãn đứng cười khà khà: “Tướng to con thế mà yếu”; “Yếu lần sau đừng ra gió”. Nếu ai không chịu uống, kể cả phụ nữ, mà nhất cấp dưới của anh phải nghe mấy lời châm chích kiểu: “anh quý em anh mới mời, em không uống là em khinh anh à”, rồi kiểu: “tình cảm đến đâu, uống tới đó, em uống kiểu đó ý là em ghét anh à”…
Cho đến một lần, tan nhậu. Một anh vốn dĩ không biết uống, cũng chỉ vì nể uống hai ba ly mà chếnh choáng. Khi ra về bị tai nạn giao thông và ra đi mãi mãi, mọi người mới bàng hoàng…Người hay ép uống sống trong nỗi đau, sự day dứt, giày vò. Lúc nào câu cửa miệng của anh ấy cũng có hai từ “giá như…”. Nhưng cuộc đời này đâu cho ai dùng hai từ ấy.
Nhiều gia đình đang yên ấm, chỉ vì đôi ba lời khích bác của bạn bè, hàng xóm mà đứng trước sự đổ vỡ không thể cứu vãn. Nào thì “Em là đứa sợ vợ”; “Vợ em chẳng khác gì con sư tử Hà Đông”; “Đàn ông phải biết dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về”…Người bản lĩnh nghe để đó, cười xưề xoà cho qua. Người sĩ diện về thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với vợ. Gia đình đang yên ấm, bỗng trở nên cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt.
Tôi rất thích câu nói: yêu nhau bởi lời nói, mến nhau bởi nụ cười. Thực sự chúng ta hãy trao cho nhau những lời nói chân thành và truyền đi những năng lượng tích cực nhất có thể. Đừng xát muối vào lòng người khác bằng những câu nói khó nghe, những lời châm chích không hay….Có thể với bạn, chỉ là mục đích “ghẹo cho vui”, nhưng người nghe thì lại là cơn bão lòng và hậu quả vô cùng tai hại.
Nguyên Minh
Nghị định 117/2020/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế:
Điều 30. Vi phạm các quy định về uống rượu, bia và địa điểm không uống rượu, bia (trích): Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi "Xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia" và "Ép buộc người khác uống rượu bia".
Điều 101. Vi phạm các quy định về cưỡng bức thực hiện kế hoạch hóa gia đình (trích): Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi "Có lời nói hoặc hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm người sử dụng biện pháp tránh thai, người sinh toàn con trai hoặc sinh toàn con gái"