Không chỉ có ở dãy Himalaya vời vợi, theo các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, đông trùng hạ thảo là loài nấm quý cũng có mặt tại Việt Nam. Hiện, loài nấm này được ghi nhận phân bố ở rừng nhiệt đới lá rộng thường xanh, ở độ cao 800-1.000m so với mặt nước biển tại Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội), Vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và một số tỉnh thuộc Tây Nguyên. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, đông trùng hạ thảo được đồn đại là một trong những loài thuốc quý có thể “cải lão hoàn đồng” nên loại nấm này đã trở thành một mặt hàng được săn lùng ở nhiều địa phương.
Mô hình nuôi trồng và sản xuất đông trùng hạ thảo ở Lâm Đồng - Việt Nam
“Sâu - cây” - “đệ nhất thần dược”
Đông trùng hạ thảo được quảng cáo rầm rộ như một loại thuốc chữa bách bệnh nên giá của loại nấm này được đẩy lên với giá cao ngất ngưởng. Theo nghi nhận của phóng viên trên thị trường hiện nay, đông trùng hạ thảo được bán chủ yếu ở dạng hàng xách tay với nhiều chủng loại: Nước uống bổ dưỡng, dạng nước tinh chất, viên nén, viên nang… với giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Ngoài các loại thực phẩm, dược phẩm hạng sang như nhân sâm, bào ngư, vi cá, hải sâm, yến huyết, nhung quế…, ở một số địa điểm như chợ An Đông, chợ Bình Tây, trên đường Triệu Quang Phục và khu phố Đông y Hải Thượng Lãn ông (quận 5, TP.HCM) còn bày bán đông trùng hạ thảo như một đầu mối chính của cả nước.
Được một dân trong nghề chỉ dẫn, chúng tôi len lỏi vào các quầy thực phẩm cao cấp tại chợ An Đông ngỏ ý mua bọc đông trùng hạ thảo loại 100gam. Thấy khách lạ, các ông bà chủ tiệm mời chào rất nhiệt tình và không quên “chiêu” thách giá với khách hàng, có quầy chỉ dăm ba triệu đồng nhưng cũng có quầy lên đến chục triệu. Thắc mắc trước giá cả được đẩy lên trời của đông trùng hạ thảo, các chủ tiệm đã giải thích cặn kẽ như những chuyên gia trong ngành.
Chị L.T.H - chủ quầy thực phẩm tại chợ An Đông phân tích: “Đông trùng hạ thảo có tác dụng chống ung thư, chống viêm nhiễm, chống quá trình lão hóa và trấn tĩnh chống co giật. Thực ra, các nhà y học cổ truyền trong và ngoài nước đã nghiên cứu dùng đông trùng hạ thảo điều trị thành công khá nhiều chứng bệnh như rối loạn lipit máu, viêm phế quản mãn và hen phế quản, viêm thận mãn tính và suy thận, rối loạn nhịp tim, cao huyết áp, viêm mũi dị ứng, viêm gan B mãn tính, ung thư phổi. Ngoài ra, rất nhiều lương y nổi tiếng cũng đã dùng đông trùng hạ thảo điều trị cho các bệnh nhân bị liệt dương đạt kết quả khá tốt”.
Về phía người tiêu dùng, chỉ dựa vào một số căn cứ và mách nước của một số người, đông trùng hạ thảo đang trở thành một dược liệu được người dân “săn” tìm. Thế nhưng, công dụng của đông trùng hạ thảo không rộng rãi, phong phú như lời đồn đoán của nhiều người. Chị Phùng Thị Thuyết (nhà ở quận 9, TP.HCM) cho biết: “Nghe mấy chị em trong khu phố mách đông trùng hạ thảo dạng viên nang có tác dụng chữa nhức mỏi, trị thận hư, ho hen; đặc biệt đối với người gầy, ốm yếu dùng rất hiệu quả. Con gái tôi vốn dĩ đã gầy, lại kén ăn nên tôi đã mua hơn chục hộp về dự trữ để bồi bổ sức khỏe. Nhưng con tôi uống trong vòng 2 tháng liền mà chẳng cải thiện cân nào, mà chứng kén ăn vẫn không mất đi. Thấy vậy, tôi đành phải mua loại thuốc khác cho con gái”.
Theo các chuyên gia ngành y, từ xa xưa, người ta đã xem đông trùng hạ thảo là vị một vị thuốc có nhiều tác dụng. Ngày nay, nó vẫn được xem là dược liệu quý và có giá trị y học cao vì nó chứa nhiều yếu tố vi lượng. Đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, đông trùng hạ thảo giúp bồi bổ cơ thể, tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, đông trùng hạ thảo không phải là một phương thuốc chữa bệnh mà chỉ là một loại thực phẩm chức năng được khuyến cáo chỉ sử dụng trong trường hợp cơ thể không khỏe. Trong cuộc sống có nhiều thứ để bồi bổ sức khỏe, không phải nhất thiết cứ ốm yếu hay bệnh tật là phải sử dụng đông trùng hạ thảo. Bất kì bệnh gì cũng phải thông qua sự chẩn đoán của y bác sĩ để đưa ra cách điều trị. Chỉ nên dùng đông trùng hạ thảo như một bài thuốc hỗ trợ quá trình điều trị để hỗ trợ sức khỏe chứ không phải là một loại “thần dược” trị bách bệnh như lời thổi phồng của một số người.
Phát hiện “sâu - cây” tự nhiên ở Việt Nam
Năm 2010, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam công bố về trường hợp phát hiện một loại nấm có tên Cordyceps takaomontana Yakushiji & Kumazawa (nấm đông trùng hạ thảo) – một loại nấm quý lần đầu tiên phát hiện ở Việt Nam.
Theo các nhà khoa học, đây là loại dược liệu quý, sản sinh ra hợp chất tác dụng điều trị bệnh ung thư và bệnh máu trắng ở người. Hiện, loài nấm này được ghi nhận phân bố ở rừng nhiệt đới lá rộng thường xanh, ở nhiệt độ cao từ 800 đến 1.000m so với mặt nước biển tại Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội) và Vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc).
Sau bốn năm nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng đã hoàn thiện quy trình nghiên cứu, sản xuất loại nấm đông trùng hạ thảo dâu tằm. Trung tâm đang sản xuất thử một số sản phẩm đông trùng hạ thảo (Paeclomyces tenuipes hay Cordyceps takaomontana) từ loại nấm trên như rượu, viên nang, viên nén. Đây là tín hiệu mới trong việc sản xuất dược liệu quý tại "thủ phủ dâu tằm" Bảo Lộc, Lâm Đồng.
Theo tiến sỹ Nguyễn Mẫu Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng, cho đến nay, chưa có cơ sở nào trong nước nghiên cứu và sản xuất thành công loại dược liệu quý này. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam hoàn tất quy trình hoàn chỉnh về sản xuất đông trùng hạ thảo trên con tằm, một loại côn trùng được người dân nuôi từ rất lâu đời và với quy trình này có thể sản xuất đại trà loại dược liệu quý này ngay trên đất Lâm Đồng.
Đông trùng hạ thảo hiện có ba loại khác nhau, gồm loại có sẵn trong tự nhiên, loại nuôi cấy bằng phương pháp lên men và loại nuôi cấy nhân tạo. Loại thứ nhất được thu hái trong tự nhiên hiện rất hiếm và có giá rất đắt (khoảng 1 tỷ đồng/kg). Loại thứ hai được nuôi trong phòng thí nghiệm với những thiết bị hiện đại. Còn loại thứ ba được nuôi cấy nhân tạo trong môi trường tự nhiên theo một quy trình riêng để có thể sản xuất đại trà.
Bảo Lộc là "thủ phủ" của ngành sản xuất dâu tằm phía Nam. Nhiệt độ trung bình ở đây là 23-25 độ C nên rất thuận lợi cho việc sử dụng nhộng và dâu tằm để nuôi cấy thành sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo. Giá trị kinh tế từ đông trùng hạ thảo cũng được đánh giá là cao hơn gấp nhiều lần so với trồng dâu tằm truyền thống. Ngoài giá trị kinh tế, đông trùng hạ thảo còn là loại dược liệu có tính năng giúp bồi dưỡng cơ thể, tăng cường thể lực, giảm đau lưng, mỏi gối… nên được dùng để sản xuất nước uống tăng lực, ngâm rượu thuốc. Hiện tại, Tiến sĩ Nguyễn Mậu Tuấn đã phối hợp với Công ty dược vật tư Y tế Lâm Đồng sản xuất thử nghiệm hai loại viên nhộng và viên nén đông trùng hạ thảo.
Theo tài liệu y học, nấm đông trùng hạ thảo có màu vàng chanh nhạt, cuống nấm hình trụ, kích thước chiều dài từ 10 đến 45mm, đường kính cuống nấm 1,5 đến 2mm. Thể quả có hình dạng bình nổi trên bề mặt của phần chóp nấm. Cordyceps takaomontana Yakushiji & Kumazawa là loại nấm ưa ẩm, phân bố dọc theo khe cạn, nấm hình thành thể quả trong điều kiện có ánh sáng tán xạ yếu, độ tàn che thích hợp từ 0,7 đến 0,8. Màu sắc và kích thước của thể quả thay đổi nhỏ theo độ che phủ của rừng. Nấm thường mọc đơn lẻ hoặc thành cụm, chùm, sống ký sinh trên nhộng thuộc bộ Cánh vẩy (Lepidoptera). Đây loại dược liệu quý, vốn được nuôi trồng và sử dụng ở Hàn Quốc đã lâu, nhưng nay mới được phát hiện và mô tả lần đầu tại Việt Nam.
Đông trùng hạ thảo được xem là nấm thuốc và được sử dụng làm vị thuốc chữa bệnh từ hàng ngàn năm ở Trung Quốc. Đông trùng hạ thảo thường sinh sống dưới lòng, đất tại các vùng đồi cỏ ở miền núi cao và các vùng đất nhiều cây bụi trên cao nguyên Tây Tạng và dãy núi Himalaya ở độ cao từ 3.000 đến 5.000m. Loài nấm này sống âm ỉ trong lòng đất hơn 5 năm trước khi trồi lên khỏi mặt đất. Phần “trái nấm” hay tai nấm thường trồi lên mặt đất vào mùa xuân hoặc đầu mùa hè, luôn luôn lộ ra đầu của nấm. Tai nấm cao từ 5 - 15 cm bên trên bề mặt đất và giải phóng các bào tử nấm. Ở Nê-pan, Đông trùng hạ thảo thường được tìm thấy tại các vùng đồng cỏ gần các ngọn núi cao ở Dolpo thuộc vùng Karnali.
Loài nấm Cordyceps sinensis được ghi nhận lần đầu tiên trong văn hóa y học cổ truyền của Trung Quốc trong bản Trích yếu về y dược của Wang Ang vào năm 1694. Vào thế kỷ XVIII, nấm Đông trùng hạ thảo được ghi nhận trong tài liệu y học mới của Wu Yiluo. Toàn bộ cây nấm này đều được sử dụng làm thuốc.
Trong văn hóa y học cổ truyền Tây Tạng thì đông trùng hạ thảo là một vị thuốc được đánh giá rất cao, y học Trung Quốc gọi nó là vị thuốc kích thích tình ái và có công dụng trong việc điều trị nhiều chứng bệnh khác nhau từ suy nhược đến ung thư. Đông trùng hạ thảo còn được xem là có tác dụng cân bằng Âm - Dương. Ngoài ra, chất độc của đông trùng hạ thảo là nguyên nhân gây nên chứng táo bón, trướng bụng và làm giảm nhu động.
Quyên Triệu - Khánh Nguyên