Đồng bào nghèo “gánh” điện giá cao
Lâm Phú là một xã vùng sâu của huyện Lang Chánh, cách trung tâm huyện khoảng 30km đường rừng. Nà Đang lại là bản xa nhất của Lâm Phú, cách trung tâm xã gần 20km, muốn vào đây chỉ có một con đường độc đạo đi men theo một bên là sườn núi một bên là vực thẳm. Bản có 56 hộ dân (24 hộ nghèo, 23 hộ cận nghèo), 100% là đồng bào dân tộc Thái. Thu nhập chủ yếu của người dân là dựa vào nương rẫy nên đời sống đang rất khó khăn.
Năm 2016, sau quá trình đầu tư xây dựng, công trình đường điện dài 12km từ trung tâm xã Lâm Phú tới bản Nà Đang được hoàn thành và đóng điện. Nhiều năm sống trong bóng tối, khi lưới điện Quốc gia về bản, đồng bào vui mừng khôn xiết, mổ lợn, mổ trâu ăn mừng.
Ông Phạm Văn Nhị, Chủ tịch UBND xã Phú Lâm cho hay, dù dự án đường điện hạ thế cung cấp điện cho Nà Đang đã hoàn thành và đóng điện 7 năm nay, nhưng điện lực huyện Quan Sơn vẫn chưa nhận bàn giao. Điện lực bán điện tại công tơ tổng cho một người nhận dân, người này lại đứng ra bán lại cho các hộ dân với mức giá cố định 2.500 đồng/Kw (không tính giá bậc thang theo quy định).
Thấy PV ngơ ngác, ông Nhị lý giải, Nà Đang là bản xa nhất của Lâm Phú nằm ở thung lũng tiếp giáp với huyện Quan Sơn. Để kéo được điện vào Nà Đang thì phải đi qua rừng phòng hộ do BQL rừng phòng hộ Quan Sơn quản lý. Dù Lâm Phú thuộc địa giới xã hành chính của huyện Lang Chánh, nhưng hệ thống điện thì đấu nối với Quan Sơn và do điện lực huyện Quan Sơn quản lý.
Quá trình triển khai dự án, dựa vào thiết kế được phê duyệt, Nhà nước đã cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng 11ha rừng phòng hộ, đất rừng… Lúc dự án hoàn thành, triển khai xong, đấu nối điện thì chính quyền và người dân ngã ngửa khi không được điện lực huyện Quan Sơn tiếp nhận, quản lý.
Theo ông Nhị, lý do mà điện lực huyện Quan Sơn đưa ra là hai bên đường dây còn có khoảng 72 cây gỗ tạp, có nguy cơ gãy đổ xuống, đe dọa an toàn lưới điện nên không nhận bàn giao. Số cây gỗ này thuộc chủ rừng là BQL rừng phòng hộ Quan Sơn nên chính quyền hay người dân cũng không dám chặt hạ. 72 cây gỗ tạp trong hành lang đường điện khiến cho bản Nà Đang nhiều năm nay không được nhà nước bán điện tận hộ, phải mua lại của một hộ kinh doanh giá cao. Ngoài số tiền 2.500 đồng/Kw, mỗi hộ sử dụng điện phải “gánh” 20.000 đồng tiền hao phí đường dây/ tháng.
Huyện Lang Chánh đã làm văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa xin phép được chặt hạ số cây trên để đảm bảo hành lang lưới điện lên bản Nà Đang.
Ngày 6/12/2021, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo: “Không khai thác, chặt hạ cây rừng tự nhiên nằm sát hành lang lưới điện 35KVA bản Nà Đang. Chỉ cắt, tỉa cành, nhánh để đảm bảo an toàn cho hành lang đường dây tải điện theo quy định. Sản phẩm cành, nhánh sau khi cắt tỉa được thu gom, dọn dẹp đảm bảo an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy rừng. Chỉ được sử dụng tại chỗ và nghiêm cấm vận chuyển buôn bán, tiêu thụ hay lợi dụng việc cắt tỉa để khai thác lâm sản trái pháp luật”.
Dù đã thực hiện cắt tỉa cành theo chỉ đạo của tỉnh Thanh Hóa, kiểm tra điện lực huyện Quan Sơn vẫn không chịu tiếp nhận lưới điện vào Nà Đang vì “chưa đảm bảo an toàn”?
Giải phóng hành lang đường điện, 3 người dân bị xử phạt
Vượt qua 100km đường núi, với mong muốn mục sở thị cuộc sống của đồng bào nơi đây, PV đã băng rừng đến với Nà Đang. Dù đường vào bản đã được bê tông hóa, nhưng uốn lượn, nằm chênh vênh trên sườn núi, một bên là vực thẳm, rộng chỉ đủ cho một làn xe ô tô di chuyển. Dù trời hửng nắng, nhưng giữa trưa Nà Đang vẫn chìm trong sương mù bao phủ.
Đã có hẹn từ trước, anh Hà Văn Chuẩn, Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Nà Đang tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn đặc trưng của đồng bào Thái.
Theo trưởng bản Hà Văn Chuẩn, do phụ thuộc vào nương rẫy nên đời sống của dân bản còn rất khó khăn, phần lớn là hộ nghèo và cận nghèo. Chưa được điện lực nhận bàn giao nên từ khi đóng điện cho tới nay, dân bản phải mua lại điện của một người đứng ra kinh doanh với giá 2.500 đồng/Kw.
Dù số tiền điện hàng tháng của mỗi hộ dân Nà Đang trung bình khoảng 100.000 -300.000 đồng, không cao như ở thành phố thị xã, nhưng nó cũng không phải nhỏ với thu nhập của đồng bào nơi đây. Ông Chuẩn mong muốn chính quyền sớm có giải pháp, xử lý vấn đề hành lang lưới điện để dân bản được hướng chính sách giá điện của nhà nước.
Trước Tết Nguyên đán Quý Mão, trưởng bản Chuẩn huy động trai tráng trong bản cùng với ngành điện và chính quyền địa phương đi sẻ phát hàng lang để đảm bảo an toàn cấp điện cho dịp Tết.
Do sơ suất, chủ quan, thiếu hiểu biết nên một số người dân đã chặt hạ một số cây gỗ tạp trong hành lang lưới điện thuộc sự quản lý của BQL rừng phòng hộ Quan Sơn.
“Chúng tôi chia ra nhiều nhóm để sẻ phát, tôi chỉ huy nhóm khác ở trên núi, anh em không biết cứ nghĩ hành lang nên chặt hạ một số cây gỗ tạp không có giá trị sử dụng của BQL rừng phòng hộ Quan Sơn quản lý”, ông Chuẩn nói.
Theo ông Chuẩn, việc chặt hạ gỗ nhằm mục đích đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, gỗ vẫn hạ tại chỗ, không ai lấy chúng đi, hoàn toàn không có việc lợi dụng để phá rừng trục lợi. Các cơ quan chức năng cũng xác định như vậy. Tuy nhiên, nhưng người tham gia chặt gỗ bị Hạt Kiểm lâm Lang Chánh xử phạt hành chính hành vi phá rừng.
Ông Chuẩn đại diện cho Ban công tác mặt trận bản Nà Đang xin UBND xã Lâm Phú ứng tiền bảo vệ rừng của cộng đồng bản đóng phạt thay cho người vi phạm với nhà nước. Việc này được người dân Nà Đang đồng tình, ủng hộ.
Ông Nguyễn Ngọc Thảo, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Lang Chánh cho biết, một phần diện tích rừng do BQL rừng phòng hộ Quan Sơn quản lý nằm trên địa giới hành chính của huyện Lang Chánh. Sau khi phát hiện việc người dân sẻ phát hành lang đường điện chặt phải gỗ rừng, chủ rừng đã bàn giao toàn bộ hồ sơ và tang vật cho đơn vị xử lý.
Hạt kiểm lâm huyện Lang Chánh đã xử phạt hành chính 3 cá nhân trú tại bản Nà Đang số tiền 41 triệu động hành vi phá rừng.
Theo ông Thảo, Hạt kiểm lâm xác định, người dân chặt hạ số cây gỗ trong hành lang đường điện nhưng trái quy định về pháp luật về bảo vệ rừng nên buộc đơn vị phải ra quyết định xử phạt hành chính.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc điện lực Quan Sơn cho biết, do hành lang lưới điện chưa đảm bảo nên đơn vị chưa nhận bàn giao công trình để quản lý vận hành. Năm 2016, Điện lực Quan Sơn đã phát hiện nhiều cây rừng nằm trong hành lang, có nguy cơ gãy đổ lên lưới điện, nhưng do mong muốn của người dân có điện dùng và áp lực từ nhiều phía nên đơn vị "linh động" đóng điện.
Hiện tại, ông Phạm Văn Nhị, Chủ tịch UBND xã Lâm Phú là người đại diện cho các hộ dân ký hợp đồng mua điện tại công tơ tổng với điện lực. Điện lực cũng đề nghị bán điện cho dân theo giá nhà nước, nhưng do hao phí đường dây và chi phí quản lý nên xã tính toán và cần đối mức thu 2.500 đồng/Kw.