Khách hàng bị bỏ rơi
Theo phản ánh của anh Nguyễn Mạnh Thắng (Tổ 17A, Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội), ngày 19/7/2013, khi đi mua hàng tại siêu thị BigC Thăng Long, anh có mua chiếc điện thoại Nokia K83 (Serial 102866) có giá 399.000 đồng tại showroom số 1 nằm trong siêu thị BigC Thăng Long của công ty CP Công nghệ số Bách Khoa BKC (trụ sở chính tại Số 159 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội). Khi mua, anh được nhân viên bán hàng tại showroom này cam kết đây là sản phẩm chính hãng, có đầy đủ tem và phiếu bảo hành của Bách Khoa BKC. Sau đó, nhân viên này lắp sim, thẻ nhớ, khởi động máy bình thường và giao cho khách hàng.
“Chỉ một thời gian ngắn sau khi dùng, chiếc điện thoại này bị tình trạng tự nóng dần lên, nhất là khi cắm sạc pin thì điện thoại trở nên nóng ran”, anh Thắng cho hay.
Ngay sau đó, anh Thắng đã mang điện thoại đến Trung tâm bảo hành của Công ty CP Công nghệ số Bách Khoa BKC và đề nghị được đổi sản phẩm. Tại đây, anh Thắng được nhân viên giải thích sở dĩ có tình trạng trên là do máy bị lỗi pin, nhưng kể cả khi đã được đổi pin khác thì chiếc điện thoại vẫn trong tình trạng nóng ran và không dùng được. Điều càng làm anh bức xúc hơn là khi phản ánh về hiện tượng này thì nhân viên bán hàng của công ty thản nhiên khẳng định: “Tiền nào… của đấy” (!?).
“Tôi cảm thấy rất bất bình và thất vọng trước thái độ “bỏ rơi” khách hàng của nhân viên công ty. Tôi biết BKC là công ty lớn và uy tín vậy mà lại đối xử với khách hàng như vậy”, anh Thắng nói.
Chiếc Nokia anh Thắng mua tại công ty Bách Khoa BKC chỉ là hàng rởm
Anh Thắng cũng cho biết, sau khi nhân viên của Công ty CP Công nghệ số Bách Khoa BKC “bỏ rơi”, anh đã tìm hiểu thông tin về sản phẩm và rất ngạc nhiên vì hãng Nokia chưa từng sản xuất dòng điện thoại K83 (2 sim 2 sóng) như sản phẩm anh đã mua. Thực chất, chiếc Nokia K83 này là dòng điện thoại có nguồn gốc Trung Quốc, được dán nhãn “Nokia chính hãng” để “lòe” khách hàng. Tìm hiểu thêm thông tin trên mạng, hóa ra không phải chỉ mình anh Thắng mua phải chiếc điện thoại “rởm” này.
“Không hiểu lô hàng điện thoại này được Công ty Bách Khoa BKC nhập về từ đâu? Có phải đơn vị này đã cố tình bán hàng giả ra thị trường, xem thường quyền lợi người tiêu dùng? Đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, làm rõ hành vi buôn bán hàng giả này, để người tiêu dùng không bị lừa đảo như trong trường hợp của tôi”, anh Thắng bức xúc.
Do quản lí lỏng lẻo?
Sau khi nhận được phản ánh từ anh Thắng, PV đã có buổi làm việc với đại diện công ty BKC. Bà Nguyên Thị Thủy, phụ trách truyền thông, Công ty CP Công nghệ số Bách Khoa BKC cho biết: “Phản ánh của khách hàng về việc Công ty bán ra thị trường sản phẩm điện thoại Tàu nhưng lại mang nhãn hiệu Nokia phía chúng tôi đã tiếp nhận thông tin, qua kiểm tra thì xác nhận đây là sự việc có thật. Chúng tôi đã tiến hành làm rõ và xác định đây là hành vi sai trái của cá nhân trưởng ca Vương Minh Quang tại showroom. Anh Quang đã có hành vi nhập một số lượng điện thoại trôi nổi, không rõ nguồn gốc về bán tại cửa hàng của Công ty trong Siêu thị BigC Thăng Long”.
Về việc tem bảo hành của công ty được dán trên sản phẩm điện thoại Nokia k83, bà Thủy cho rằng, do số lượng tem, giấy bảo hành của công ty thường cung cấp luôn cho các cửa hàng, chi nhánh bán lẻ để tiện trong quá trình mua bán sản phẩm nên công ty không quản lí được số tem bảo hành này, chính vì vậy đã tạo kẽ hở cho nhân viên Quang lừa khách hàng.
Theo khẳng định của đại diện BKC thì chiếc điện thoại rởm anh Thắng mua phải là do nhân viên công ty tự ý tuồn hàng vào chứ không phải hàng của công ty.
“Phía công ty chúng tôi cũng cảm thấy rất đáng tiếc về thái độ làm việc của nhân viên chăm sóc khách hàng vì thiếu chuyên nghiệp, có thái độ không chuẩn mực khi tiếp xúc, hướng dẫn cho khách hàng mà làm phiền lòng khách. Hiện chúng tôi đã xử lý kỷ luật, buộc thôi việc hai nhân viên liên quan đến sự việc này. ”, bà Thủy cho biết thêm.
Trong bản tường trình của trưởng ca Vương Minh Quang cũng viết: “Vào giữa tháng 7, khi tôi đang làm việc ở cửa hàng thì có một khách hàng hỏi mua hàng, sau một hồi nói chuyện thì cậu này cho tôi xem 5 chiếc điện thoại Trung Quốc, và nói bán với giá thanh lí để lấy tiền về quê. Tôi đã đồng ý bỏ tiền ra mua với giá 950.000 đồng/5 chiếc… Sau đó dựa vào uy tín, tôi đã dùng quầy hàng của BKC để bày bán 5 chiếc điện thoại do cá nhân tôi tự nhập. Để tăng niềm tin với khách hàng, tôi đã dùng tem, giấy bảo hành của công ty giao cho khách”.
Tuy nhiên, điều kỳ lạ là theo như bản tường trình do nhân viên Vương Minh Quang, hành vi trà trộn “tuồn” hàng ngoài vào và ngang nhiên bày bán tại cửa hàng của BKC đã diễn ra từ giữa tháng 7/2013, thế nhưng đến tận cuối tháng 9/2013, khi có khách hàng phản ánh về sự gian lận này và cơ quan báo chí vào cuộc thì phía lãnh đạo Công ty mới nắm được thông tin sự việc (?), tr
Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi liệu đây đơn thuần có phải chỉ là do quá tin tưởng cấp dưới, quản lí còn lỏng lẻo mà tạo kẽ hở cho nhân viên có thời cơ tự ý “tuồn” hàng ngoài vào bày bán trong showroom, hay đây chỉ là phương án “thí tốt” của Công ty CP Công nghệ số Bách Khoa BKC? .
Ngọc Phạm