Xã Vạn Mai (Mai Châu, Hòa Bình) có 7 bản, trong đó 4 bản nuôi cá rầm xanh (loài quý hiếm từng được sử sách ghi là để tiến vua) gồm: Nghẹ, Củm, Lọng, Khán. Ở đây cứ có ao là người Thái nuôi rầm xanh, riêng bản Củm 93 hộ đã có hàng trăm cái ao nuôi bởi nguồn nước chảy cá lớn nhanh hơn các bản khác.
Người Thái ở Vạn Mai từ đời cụ, kỵ, ông bà cho đến nay đã truyền nghề nuôi cá rầm xanh, hồi môn cho nhau những ao cá quý. Cữ tháng hai, tháng ba âm lịch người ta đổ ra sông Mã xúc cá bột bằng một loại vợt dày mắt, vớt được cả những con chỉ nhỏ bằng sợi tóc. “Sợi tóc” ấy không phân biệt được cá gì, phải gột chừng một năm, khi rầm xanh đã lớn bằng ngón tay mới được nhận diện.
Ao nuôi cá rầm xanh. |
Ở suối Sia, đoạn chảy qua Mai Châu có hai “mỏ cá” rầm xanh, là quà tặng của ông trời cho dân bản. Mùa tháng sáu tháng bảy, rầm xanh từ sông Mã ngược dòng Nậm Sia. Người già bảo đó là cá đi thăm quê, dân túa ra vớt có lúc được cả tấn. Người dân không bắt rầm xanh theo kiểu tận diệt mà mỗi mùa họ làm một con mương nhỏ để cá ngược dòng qua Nậm Sia duy trì nòi giống.
Giờ giống rầm xanh chủ yếu được cung cấp từ sông Mã bởi vạn chài mạn huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa (giáp ranh với Mai Châu). Mỗi con cá cỡ bằng ngón tay giá bán 10.000-15.000 đồng, mua số lượng cả nghìn một lúc cũng có. Lúc nhỏ cá được thả trong những ao con, ăn rêu đá, cỏ, lá sắn, cám gạo đến khi 2-3 lạng mới thả sang ao to.
Loại cá tiến vua này đặc biệt khoái khẩu thức ăn tanh như lòng bò, trâu, gà, vịt. Trong một lần anh Hà Công Linh, cán bộ địa chính xã Vạn Mai làm gà vịt ở dưới cầu ao, sơ sảy cái bị đàn rầm xanh xúm lại lôi tuột cả lòng lẫn thịt khiến cho phải nhảy ùm xuống mà kịp với theo cái thân còn bộ lòng đã tan biến vào trong… ruột cá.
Rầm xanh nổi tiếng ăn tạp, ngoài chất tanh chúng cũng rất thích xơi quả sung chín, lá chuối thậm chí cơm thừa, canh cặn, xương xẩu cũng ngốn hết. Hằng ngày tiếng băm thức ăn bằm bặp trên thớt như phản xạ có điều kiện khiến cả đàn kéo đến chầu mồi lắm khi còn sờ được vào lưng. Mùa đẻ trứng của rầm xanh vào tháng hai, tháng ba âm lịch. Cả đàn quần nhau, đẻ những dây trứng dài như cái xúc xích màu đỏ tươi lểu bểu bám bờ ao, cành mục cuối cùng bị cá ăn hết.
Ở Vạn Mai, nuôi rầm xanh quy mô phải kể đến ông Hà Công Nghị, Khà Văn Xuôi, Khà Văn Dành… lúc nào trong ao cũng ngót nghét cả tấn cá trong đó con lớn tới 4-5 kg. Rầm xanh nhanh và láu cá nhất hạng. Quăng chài bên trái chúng lườn sang bên phải. Quăng chài phía trước chúng lườn ra phía sau. Quăng đúng chỗ rồi lắm lúc chúng nhảy vọt lên cao mà trốn thoát trong tích tắc.
Loài cá tiến vua này là vận động viên nhảy cao thuộc vào hàng cự phách. Ao ở ven suối, cá nghe bên ngoài mới mưa, nước róc rách chảy là nhảy vọt qua rào mà đi. Ao nhà dưới nhà trên rầm xanh cũng nhảy qua “giao lưu” không hề phân cách. Những hàng rào cao trên một mét không mùi mẽ gì với loài cá quý này nên những buổi mưa đi trên đường bản thỉnh thoảng vẫn vấp phải những con cá đang còn giãy đành đạch, mải miết trườn.
Rầm xanh ưa nguồn nước chảy, tắc nước là ngoi lên. Đây cũng là nguyên nhân làm cho hơn một yến cá quý trong ao nhà ông chủ tịch xã vừa rồi nhất loạt bơi ngửa, nổi trắng mặt nước. Một hệ thống đường ống bương hàng vài cây số tinh vi và chằng chịt khắp bản ngày đêm cung cấp nước chảy vào hàng trăm cái ao.
Chủ tịch xã Hà Công Sang và con cá rầm xanh trong ao nhà. |
Có một thứ văn hóa tên gọi là rầm xanh bởi dân Mường Mùn nuôi cá trước tiên để “tiến” trong gia đình đặng mới nghĩ đến “tiến” cho thượng khách sành điệu. Giá bán cá luôn một mình một chiếu, không bao giờ rẻ, không bao giờ hạ mà chỉ có lên. Điều đặc biệt là mua một vài yến rầm xanh dân Vạn Mai mới bán còn mua 1-2 con ăn cho biết mùi cá vua thì xin lỗi không bán bởi đánh vậy rất hại cá.
Người Thái chỉ bán rầm xanh khi cần một món tiền to lo việc cho gia đình. Không như nhiều loại cá tầm thường khác chỉ ngon khi có kích cỡ lớn, thịt rầm xanh ngon, ngọt lừ từ lúc con cá mới như đầu ngón tay nấu với măng chua, ăn tê say cả một miền vị giác. Lễ cơm mới một năm hai vụ hay khách quý đến nhà là người ta quăng chài thết.
Ăn rầm xanh cứ phải từ một kg trở đi mới ngon. Loại cá này được nuôi đặc theo phong cách truyền thống, chậm lớn nhưng thịt chắc. Cũng đã có hộ thử nghiệm cho chúng ăn cám cò, rầm xanh lớn ầm ầm nhưng khi bán nhà hàng nhất loạt trả lại vì thịt nát, ăn không ngon bằng cả trôi, chép.
Một lần Chủ tịch UBND xã Vạn Mai, ông Hà Công Sang, dẫn con gái đi tham quan suối cá thần ở huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Đang say xe, mắt con bé bỗng sáng lên. Nó nhảy xuống chạy dọc suối mà reo to: “Bố ơi, cá của nhà mình đây này, nhiều lắm!”.
Theo ông Sang, cá ở suối thần mình dẹt, gầy hơn vì không ai chăm sóc, vì mật độ dầy đặc nhưng vẫn có những đặc điểm không lẫn được vào đâu của rầm xanh như: đầu bé, lưng xanh, mắt đỏ, má đỏ, vây đuôi hồng, vảy rất to. Rầm xanh khi nuôi đến trọng lượng một kg trở lên, má trổ đỏ hây hây đánh dấu sự trưởng thành. Riêng vảy cá có loại màu ánh xanh, loại lại màu hơi hồng.
Vạn Mai chưa ai thành công trong việc để giống loài cá tiến vua này. Mấy năm trước cũng có một dự án phi chính phủ đem mấy cặp cá rầm xuống Trung tâm Thủy sản tỉnh thử nghiệm sinh sản tự nhiên lẫn nhân tạo, tiêm hoóc môn kích thích đủ kiểu đều thất bại. |
Cá rầm xanh (tên khoa học là sinilabeo lemassoni) phân bố chủ yếu ở trung và thượng lưu hệ thống sông suối khu vực miền núi phía Bắc và được xếp vào dạng cá quý hiếm cùng với cá lăng (Hemibagrus guttatus), cá chiên (Bagarius yarelli), cá bỗng (Spinibarbus denticulatus) và cá anh vũ (Semilabeo obscorus). |
Theo Nông nghiệp Việt Nam