Nghệ sĩ quay lưng với nhà phát hành trong nước
Trong những năm qua, cơn bão mang tên “dịch vụ nghe nhạc trực tuyến” (streaming) ngày càng bùng nổ và làm thay đổi thói quen của người nghe nhạc lẫn người tạo ra các sản phẩm âm nhạc. Từ đó, công tác bảo vệ bản quyền âm nhạc trực tuyến cũng được đặt ra.
Làm thế nào và mất bao lâu để tạo dựng thói quen sử dụng nhạc trực tuyến có trả phí là câu hỏi mà tất cả các nghệ sĩ lẫn nhà sản xuất, phát hành đều đang tìm lời giải đáp. Từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018, hầu hết các nghệ sĩ khi ra mắt sản phẩm âm nhạc đều đã nhấn mạnh chiến lược phát hành của mình. Khi phát hành CD Phố à phố ơi vào tháng 12 năm ngoái, diva Hồng Nhung đã e dè với tình hình bản quyền âm nhạc trực tuyến trong nước.
Đại diện của diva Hồng Nhung cho hay: “Sau khi phát hành bằng CD, toàn bộ album sẽ được phát hành trên iTunes và 36 trang âm nhạc toàn thế giới để khán giả có thể đăng kí, mua về. Bản quyền âm nhạc tại Việt Nam đang rất có vấn đề. Vì thế, chúng tôi chưa có ý định phát hành album lên các trang âm nhạc trực tuyến trong nước”.
Cùng suy nghĩ với đàn chị, trong buổi ra mắt album 36 – Tuấn hát Quỳnh vừa qua, nam ca sĩ Đức Tuấn cũng chia sẻ: “Tôi sẽ không đưa album của mình lên các trang âm nhạc trực tuyến miễn phí. Và không chỉ tôi, rất nhiều ca sĩ ở Việt Nam cũng đã làm như thế. Tôi không đơn độc và tin rằng những trang nhạc miễn phí sẽ dần dần mất đi tại Việt Nam. Bắt đầu từ sản phẩm này, tôi chỉ phát hành trên các hệ thống của nước ngoài như Apple Music, iTunes và sắp tới là Spotify”.
Nhạc sĩ Trần Thanh Hậu cũng cho hay: “Trước giờ, sáng tác của mình được ai hát, ai sử dụng bản thu âm để kinh doanh rồi lượt nghe, lượt tải bao nhiêu chúng tôi không kiểm soát được. Vậy, đòi tiền tác quyền bằng cách nào. Thậm chí, tiền công mà nhạc sĩ đi đòi còn nhiều hơn cả tiền tác quyền được nhận về”.
Khi những yếu tố khách quan như cổng thanh toán, hình thức thanh toán, thỏa thuận pháp lý, giám sát lượt nghe/tải,... vẫn chưa minh bạch thì việc các nghệ sĩ quay lưng với hệ thống phát hành âm nhạc trực tuyến trong nước cũng là điều dễ hiểu.
Phải minh bạch chính mình để tạo nên uy tín
Trước tình hình đó, các nhà phát hành đã thay đổi mình nhằm tìm được tiếng nói chung với các nghệ sĩ. Theo đó, các trang nghe nhạc trực tuyến như nhacso.net, nhacvui.vn, nhaccuatui.com,… đã bắt tay liên kết với Sky Music.
Điều này đã tạo nên cuộc so kè trên thị trường nhạc trực tuyến, đối trọng với Zing Music. Nếu như Zing Music của tập đoàn VNG chiếm khoảng chiếm khoảng 50% thị phần nghe nhạc trực tuyến thì 2 trang nhaccuatui.com và nhacso.net với sự hợp tác cùng Sky Music cũng sẽ chiếm 40%.
Dù chậm chân hơn đối thủ nhưng Sky Music lại có ưu thế hơn trong công tác pháp lý đối với bản quyền khi nhanh chóng ký kết quyền tác giả, quyền liên quan các sản phẩm Audio, MV với hầu hết các ca sĩ, nhạc sĩ Việt Nam, trong đó có nhiều tên tuổi uy tín như Phú Quang, Quốc Bảo…
Tính đến cuối năm 2017, đơn vị này nắm giữ 60.850 bản ghi có đầy đủ các quyền và hơn 2.000 hợp đồng ký kết với nghệ sĩ, đối tác khác. Ông Phạm Hà Anh Thủy, CEO của Sky Music, chia sẻ: “Tâm lý lo ngại nhất của nghệ sĩ khi hợp tác phát hành với các trang âm nhạc trực tuyến trong nước chính là sự minh bạch đo đếm lượt nghe/tải”.
Chính vì thế, các đơn vị như công ty CP Giải pháp Công nghệ và Truyền thông AiBiz, trung tâm Ứng dụng công nghệ khai thác quyền sở hữu trí tuệ IPTA ,... đang đồng hành cùng các hệ thống kinh doanh bản quyền âm nhạc trực tuyến để đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch.
Ông Đặng Đình Long, Chủ tịch HĐQT Giải pháp Công nghệ và Truyền thông AiBiz, cho hay: “Dù còn nhiều phức tạp nhưng thị trường bản quyền âm nhạc đang có những chỉ dấu tốt hơn. Với sự hỗ trợ của công nghệ và số liệu minh bạch, công tác đảm bảo quyền lợi cho các bên sản xuất, phát hành lẫn sử dụng âm nhạc đang được cải thiện. Từ đó, không chỉ dân trí mà cả “quan trí” cũng được nâng cao”.
Ông Long cũng nhận định, chuyện nghe nhạc phải trả tiền cũng sẽ quen dần với công chúng. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới qua các hiệp định thương mại, thì việc trả tiền để sử dụng bản quyền âm nhạc của Việt Nam phải tuân thủ theo luật quốc tế.
Quyền lợi song hành cùng trách nhiệm với âm nhạc
Trước làn sóng đấu tranh cho nền âm nhạc trực tuyến để đảm bảo quyền lợi cho nghệ sĩ, nhạc sĩ Phú Quang đánh giá, đây là một nỗ lực đáng ghi nhận. Nhạc sĩ Phú Quang cho biết: “Chuyện này thì cả thế giới đã làm từ lâu rồi. Nhưng, Việt Nam chúng ta thì thà chậm còn hơn không. Nếu đảm bảo được nguyên tắc công bằng, minh bạch, thu đúng đối tượng và trả đúng, trả đủ cho nghệ sĩ, nhạc sĩ thì âm nhạc mới tiến lên thành nền công nghiệp được”.
Còn theo đánh giá của nhạc sĩ Quốc Bảo, việc các nghệ sĩ phản ứng với thói quen phát hành âm nhạc miễn phí là điều chắc chắn phải xảy ra. “Quyền lợi của người sản xuất ra âm nhạc đã bị ngó lơ quá lâu. Khi các hệ thống kinh doanh bản quyền đem lại quyền lợi cho nghệ sĩ ngày càng phát triển, chắc chắn thói quen nghe nhạc của công chúng phải thay đổi”, nhạc sĩ Quốc Bảo bày tỏ.
Ca sĩ Bảo Kun thì chia sẻ: “Đối với tôi, việc phát hành sản phẩm trên hệ thống có thu phí từ người nghe sẽ giúp tôi biết rõ khán giả nào thật sự yêu quý mình, bỏ tiền để nghe giọng hát của mình. Từ đó, trách nhiệm tạo ra âm nhạc chất lượng đối với nghệ sĩ sẽ nâng cao hơn. Vì, nếu bạn không làm ra nhạc có chất lượng, không có khán giả mua nhạc thì cũng không có nhà phát hành nào hợp tác với bạn nữa”.
Với góc nhìn quản lý nhà nước, Thứ trưởng bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên cho rằng, vấn đề bản quyền vẫn mới mẻ trong xã hội nên còn có những điều phức tạp.
“Hiện nay, chúng ta đã có luật Sở hữu trí tuệ, chuẩn bị có sửa đổi và sẽ quy định chi tiết hơn, hướng dẫn thực hiện. Với những động thái từ các đơn vị kinh doanh bản quyền âm nhạc đang làm, tôi nghĩ, nó sẽ góp phần làm trật tự hơn việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và quyền tác giả, tác phẩm hiện nay của thị trường âm nhạc”, Thứ Trưởng Vương Duy Biên nói.