Thẳng thắn nhìn lại toàn cảnh câu chuyện bản quyền truyền hình, trong câu chuyện này không một nhà đài nào có lỗi và cũng chẳng có ai mua bản quyền để phát phi lợi nhuận. Đây là câu chuyện bánh ít trao đi, bánh quy đổi lại.
Vì sao tất cả các đài không thể mua bản quyền rồi cùng nhau chia sẻ để phát lại? Bản chất của Giải Ngoại hạng Anh (NHA) là một giải đấu thương mại, nó hoàn toàn khác với các giải đấu kiểu như World Cup, Euro, SEA Games,…Ngay từ gốc, bất cứ một đơn vị nào mua bản quyền NHA cũng phải cam kết với ban tổ chức chia thành các gói độc quyền để bán. Nếu nhà phân phối nào phá vỡ cam kết này thì bản quyền sẽ bị thu hồi để bán cho một nhà phân phối khác.
Cũng phải nhìn nhận một sự thật rằng tất cả các nhà đài Việt Nam sẽ không bao giờ thắng thầu ở vòng đấu tiên. Phần thắng sẽ luôn thuộc về một nhà phân phối, và nhiệm vụ của họ là quản lý việc phân phối giải đấu đến từng nhà đài ở một quốc gia một cách hiệu quả nhất cả về chi phí và quảng bá cho giải đấu.
Trong trường hợp K+ không phải là đơn vị trúng thầu hai gói 1 và 2. Hai gói này cũng sẽ được bán cho một nhà cung cấp x nào đó để đảm bảo tiêu chí của ban tổ chức giải NHA. Việc K+ mua gói 1 và 2 mặc dù gây ra nhiều tranh cãi nhưng cái giá “rất rẻ” mà các nhà đài trong nước phải bỏ ra để mua gói 3 sẽ không bao giờ xảy ra nếu như gói 1 và gói 2 chưa bán được cho K+ hay một nhà đài nào đó trước.
Thêm vào đó, cũng nên sòng phẳng công nhận rằng, một số đài trong nước mua gói 3 không hoàn toàn là phi lợi nhuận. Với chi phí đầu tư “rất rẻ” như họ công bố, một loạt chương trình đồng hành được tài trợ hàng tỷ đồng, một loạt các quảng cáo vào giờ vàng là một nguồn thu không nhỏ cho các đài. Tất cả các khoản chi phí tài trợ và quảng cáo đó sẽ được cộng vào giá của sản phẩm mà người mua nó sẽ phải trả cuối cùng. Vậy nên, không có gì là miễn phí.
Nhìn lại những câu chuyện bản quyền truyền hình NHA ba mùa trước nữa. Không thể nói K+ đã tạo ra tiền lệ xấu của độc quyền vì đã có những đài truyền hình trong nước từng độc quyền toàn bộ giải đấu này (độc quyền 100%) trong khi số lượng trận đấu mà K+ độc quyền chỉ dưới 30%.
Cũng phải đề cập đến một số ưu điểm mà từ trước đến nay chỉ có K+ mới làm được đó là giữ vững lập trường truyền hình sóng “sạch”. Còn nhớ không lâu trước, khán giả lên án việc phát quảng cáo một số sản phẩm không được tế nhị vào giờ cơm tối dẫn đến việc ra đời quy định cấm phát một số quảng cáo vào những giờ nhất định. Hay một nhãn hàng máy nước lọc khiến khán giả “phát khóc” với mẫu quảng cáo trời ơi.
Trung bình, mỗi đúp quảng cáo 30 giây vào các giờ vàng chi phí dao động từ 30 triệu đồng đến cả trăm triệu đồng. Riêng với những chương trình ăn khách như bóng đá, khách hàng có khi phải tranh nhau mua vị trí trước cả tháng trời. Chỉ cần làm một phép tính nhẩm, có thể thấy số tiền thu về từ quảng cáo không hề nhỏ. Thế nên, nếu K+ không bán quảng cáo chấp nhận bỏ một nguồn thu khổng lồ thì có thể đây là một sự hy sinh vì khán giả.
Cũng chính vì giữ sóng “sạch”, nói không với quảng cáo, điều này cũng dấy lên một sự hồ nghi của không ít người về việc K+ sẽ tăng giá đầu thu. Nhưng mới đây K+ đã giảm giá đầu thu để hỗ trợ khách hàng vào đầu mùa giải mới. Mức giảm 550.000 đồng/đầu thu tương đương với hơn 30% giá trị bộ thiết bị đã phá tan những nghi ngờ kia.
Cho đến thời điểm này, một cái kết sòng phẳng đã diễn ra theo đúng quy luật thị trường. Lựa chọn dịch vụ nào thuộc về người tiêu dùng và họ cũng nên được biết rằng không có gì là miễn phí.
Theo Dân trí