Mới đây, khi theo dõi tường thuật trực tiếp trận đấu giữa Việt Nam và Lào diễn ra vào tối 6/12, trên Youtube, nhiều khán giả bất ngờ thấy hiện dòng chữ “vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm”.
Sự việc này khiến nhiều người đặt câu hỏi, theo quy định hiện hành thì hành vi này có đúng luật?
Tại sao Next Media lại tắt tiếng Quốc ca?
Cùng trao đổi về lý do Next Media tắt tiếng Quốc ca, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law cho biết: Các đơn vị phát sóng trên Youtube thường được khai thác cả quảng cáo. Có thể do rút kinh nghiệm từ trường hợp của FPT bị mất tiền quảng cáo vì có việc phàn nàn về bản quyền từ youtube, tức là đơn vị này lo sợ việc sử dụng bản ghi âm Quốc ca của Việt Nam khi chưa được phép.
Luật sư Hà cho biết: "Họ có cài một ID trên Youtube, với ID trí tuệ nhân tạọ, cứ cái nào thấy chưa mua bản quyền là “đánh gậy” bản quyền, có nghĩa là cứ có phàn nàn là nó cắt luôn quảng cáo".
“Thời điểm phát sóng trận đấu giữa Việt Nam và Lào diễn ra vào tối 6/12 trên Youtube, đơn vị phát sóng chương trình đó không biết Ban tổ chức có sử dụng bản ghi âm hợp pháp hay không, trong khi sợ mất quảng cáo nên họ cứ phòng trừ bằng cách tắt tiếng đoạn hát Quốc ca”, Luật sư Hà lý giải.
Theo quan điểm của Luật sư Hà, hành vi của đơn vị trên không đúng, nhưng hiện cũng chưa có quy định của Luật nên sau sự việc xảy ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thông báo là cung cấp bản ghi âm miễn phí ở trên website, các đơn vị như đơn vị Ban tổ chức sân có thể sử dụng bản ghi âm đó một cách hợp pháp.
Hiểu đúng về "bản ghi âm" của BH Media
Trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Trương Anh Tú – Chủ tịch TAT Law firm nêu quan điểm: Tiến quân ca là tác phẩm do nhạc sỹ Văn Cao sáng tác. Bài hát này có quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả. Trong quyền tác giả có quyền nhân thân và quyền tài sản, trong đó quyền nhân thân đối với tác phẩm này là quyền bất biến thuộc về nhạc sỹ Văn Cao.
Bên cạnh quyền tác giả là quyền liên quan đến quyền tác giả được gọi chung là quyền liên quan.
“Về nguyên tắc hướng tới bảo vệ những người có đóng góp vào việc thực hiện những loại sản phẩm trong đó có sử dụng tác phẩm nghệ thuật. Họ bao gồm người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng và chủ sở hữu tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá”, Chủ tịch TAT Law firm nói.
Luật sư Tú cho biết: Theo quy định này thì quyền liên quan đến quyền tác giả dành bảo vệ cho bốn loại đối tượng: cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình được phát sóng và tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.
Căn cứ theo khoản 3, Điều 4 Luật Sở hữu Trí tuệ, nếu Hồ Gươm Audio là nhà sản xuất bản ghi âm Tiến quân ca thì người được bảo hộ quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình là nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình đó, tức là Hồ Gươm Media. Việc Hồ Gươm Audio uỷ quyền cho BH Media đưa bản ghi này lên nền tảng Youtube, tại điều 30 Luật Sở hữu trí tuệ thì Hồ Gươm Media có quyền như sau:
Có quyền tài sản đối với bản ghi âm, ghi hình nhưng không có quyền nhân thân; các quyền tài sản đó bao gồm độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các hành vi sau: Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm ghi hình; Nhập khẩu, phân phối đến công chúng bản gốc bản sao bản ghi âm thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.
Theo quan điểm của Luật sư Trương Anh Tú, cũng cần lưu ý quyền của Hồ Gươm Media có đối tượng chính là bản ghi âm Tiến quân ca chứ không bao trùm nhiều loại đối tượng khác nhau như cuộc biểu diễn cũng như tác phẩm Tiến quân ca được sử dụng để tạo ra bản ghi âm đó hay những nội dung chứa đựng trong bản ghi âm Tiến quân ca này nói chung.
“Như vậy, cần tách bạch khái niệm Chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm Tiến quân ca với quyền sở hữu đối với bản ghi bài hát Tiến quân ca của Hồ Gươm Media. Chính vì sự nhầm lẫn này, đã nảy sinh thắc mắc, tranh cãi trong thời gian qua”, Luật sư Tú nói.
Có lẽ nhiều người cho rằng là bản thân tác phẩm Tiến quân ca đã quá nổi tiếng, ra đời từ rất lâu rồi, mọi bản ghi âm, ghi hình hay những bản hòa âm phối khí mới nào đó, chỉ là làm mới từ tác phẩm gốc đã phát từ năm 1944.
Tuy nhiên, mọi sự sáng tạo cần được pháp luật bảo hộ, trên tinh thần là tôn vinh, nâng niu và bảo vệ mọi sự sáng tạo phục vụ cho đời sống xã hội. Đây là tinh thần chung của mọi công ước quốc tế cũng như hệ thống pháp luật về sở trí tuệ ở Việt Nam.
Việc này có thể làm đảo lộn suy nghĩ của nhiều người, nhưng chúng ta cũng nên làm quen với tinh thần pháp luật về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, đối với tác phẩm Tiến quân ca lại là Quốc ca, các bên liên quan nên có ứng xử đặc biệt, hướng tới Tổ quốc.