Không chi quá nhiều tiền cho nhà ở
Lý do khiến lời khuyên này bị nhiều người “kỳ thị” vì ai cũng mong được sống trong không gian lý tưởng, tiện nghi. Tuy nhiên nếu dành quá nhiều chi phí cho nhà ở mỗi tháng, bạn sẽ không thể tiết kiệm được nhiều tiền. Tiền chi tiêu cũng bị thu hẹp và tiền đầu tư cho tương lai lại càng không có.
Lời khuyên của các chuyên gia là hãy cố gắng chi tiêu không quá 30% thu nhập hàng tháng cho nhà ở, đã bao gồm tất cả các chi phí như thuế và bảo hiểm.
Học cách tự chủ
Nguyên tắc này giúp bạn chi tiêu hợp lí, không lãng phí hoặc bội chi trong thời gian dài dẫn tới nợ nần. Thay vì quẹt thẻ tín dụng để mua tất cả những món đồ bạn thích hãy cố gắng thay đổi suy nghĩ này, chờ đến khi bạn tiết kiệm đủ tiền hãy mua chúng.
Không nợ thẻ tín dụng
Lãi suất nợ thẻ tín dụng là một trong những khoản chi phí đắt đỏ không đáng nhất. Nó không chỉ khiến bạn lãng phí tiền mà còn ảnh hưởng đến điểm tín dụng, gây ra những hậu quả lâu dài. Do đó nếu sử dụng thẻ tín dụng hãy nhớ thanh toán đúng hạn dư nợ hàng tháng để tránh “mất tiền oan”.
Không chi tiêu quá mức cho việc ăn hàng
Lời khuyên tiết kiệm này không được nhiều người ủng hộ vì những lợi ích mà việc ăn ngoài mang lại như bạn không phải nấu nướng, dọn dẹp, được thưởng thức nhiều món ăn ngon và cảm giác được phục vụ. Tuy nhiên kèm theo đó nó cũng khiến cho tiền trong ví của bạn vơi nhanh hơn.
Đừng chi tiền để “theo kịp” người khác
Rất nhiều người đã chi tiền mua điện thoại, ô tô,… vì không muốn bị “thua bạn kém bè”, cho dù những khoản mua sắm ấy là quá sức với họ. Hành động này sẽ tàn phá tài chính của mỗi người. Những khoản chi cho các kỳ nghỉ, quần áo, ăn ngoài đến mua xe, mua nhà, để theo kịp người khác trong khi khả năng chưa cho phép thì hệ quả tất yếu sẽ là mắc nợ.
Việc chi tiền để không thua kém người khác chỉ mang lại cho bạn sự thỏa mãn trong thời gian ngắn nhưng rồi sẽ nhanh chóng đẩy bạn vào tình cảnh phá sản.
Biết tiền đang được chi vào đâu
Nếu có kiến thức cơ bản về tài chính cá nhân, bạn sẽ nhận ra tầm quan trọng của việc đảm bảo chi tiêu không vượt quá thu nhập. Cách tốt nhất để làm điều này là bắt đầu lập kế hoạch ngân sách.
Theo thời gian, bạn sẽ nhận ra việc thực hiện các thay đổi nhỏ như quản lý chi phí mua hàng tạp hóa cũng ảnh hưởng tích cực đến tình hình tài chính cá nhân nói chung. Ngoài ra, giữ cho chi phí cố định hàng tháng càng thấp càng tốt sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều tiền hơn.
Bắt đầu tiết kiệm cho nghỉ hưu
Thực tế cho thấy nhiều bạn trẻ hiện nay ưa chuộng lối sống YOLO (You only live once) sẵn sàng tiêu hết lương tháng cho mua sắm, du lịch, ăn uống, trải nghiệm từ trung đến cao cấp nhưng lại bỏ ngỏ việc dự phòng tài chính với tài khoản tiết kiệm gần như không có. Lúc trẻ ít nghĩ đến chuyện về hưu vì cho rằng còn xa lắm nhưng quay đi quay lại nhiều khi chưa giàu mà đã già.
Theo các chuyên gia bạn càng bắt đầu tiết kiệm sớm cho kế hoạch nghỉ hưu của mình, bạn sẽ càng ít phải lo lắng về tương lai sau khi không còn làm việc nữa. Đừng coi khoản tiết kiệm cho nghỉ hưu là một kế hoạch tài chính "tùy chọn", bạn hãy mặc định đó là một sự cần thiết, bắt buộc phải làm.
Bảo vệ sức khỏe
Bởi vì bạn còn trẻ, công việc có thể chưa ổn định hoặc thậm chí tệ hơn là chưa có công việc toàn thời gian dẫn tới vấn đề với bảo hiểm y tế, xã hội cũng chưa được đảm bảo nên bạn cần chú ý nhiều hơn đến sức khỏe. Hãy thử tưởng tượng nếu phải nhập viện thì số tiền bạn phải bỏ ra là không hề ít.
Nếu có thể hãy mua bảo hiểm, lựa chọn gói dịch vụ phù hợp nhất với khả năng tài chính của bản thân. Ngoài ra, bạn cũng có thể tự chủ động rèn luyện sức khỏe như ăn nhiều trái cây, rau quả, duy trì cân nặng cân đối, tập thể dục, không hút thuốc, không uống rượu.
Minh Hoa (t/h)