Liên quan đến vụ việc một đại gia gỗ Đồng Kỵ đã chính thức “rước” cây sưa 200 tuổi ở đình làng Đông Cốc (xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) về nhà sau khi chi 26 tỷ đồng (24,5 tỷ đấu giá và 1,5 tỷ hỗ trợ nhân dân địa phương), số tiền bán sưa đã được chia cho dân làng theo từng khẩu, mỗi khẩu 10 triệu đồng, con gái lấy chồng 5 triệu đồng/người.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến thắc mắc rằng việc chia tiền cho người dân là chưa hợp lý. Cùng với đó, việc đóng thuế khi bán cây sưa như thế nào cũng được nhiều người đặt dấu hỏi.
Nhằm làm sáng tỏ vấn đề này, sáng 27/3, PV đã liên hệ với lãnh đạo UBND xã Hà Mãn (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) cùng các luật sư, chuyên gia về luật.
Trả lời PV, Chủ tịch UBND xã Hà Mãn - ông Nguyễn Văn Hiến cho biết: "Số tiền bán sưa là 24,5 tỷ đồng (không có thuế GTGT)".
Theo ông Hiến, với mong muốn của người dân, các cụ trong thôn đã đề nghị cây này là cây phân tán nên xin số tiền bán được để hỗ trợ xây dựng quê hương và xóa đói giảm nghèo cho nhân dân. Hơn nữa, sở NN&PTNT và sở Lâm nghiệp đã xác định đây là cây phân tán, không nằm trong mục thống kê di tích.
“Các cuộc họp ở thôn, rồi xã cũng có văn bản đề nghị chia cho nhân dân... "Trên" cũng đồng ý bằng miệng và cũng có văn bản là chia thì rà soát đúng đối tượng, không để xảy ra khiếu kiện“, ông Hiến chia sẻ.
Trước đó, lãnh đạo UBND xã Hà Mãn cho biết: “Sau khi trúng đấu giá, số tiền 24,5 tỷ đó đã được người mua chuyển cho công ty đấu giá (công ty CP Đấu giá Việt Nam – PV) làm trung gian".
Theo ông Hiến, thời điểm trước Tết, công ty đấu giá đã chuyển số tiền là 15,5 tỷ đồng và sau Tết chuyển thêm 500 triệu đồng, tổng cộng là 16 tỷ đồng. Số tiền này được đưa cho nhân dân giữ lại và chia cho từng nhân khẩu trong thôn Đông Cốc.
Việc chia tiền đã được ban Cộng đồng dân cư do người dân bầu lên thực hiện từ trong Tết. Theo đó, tiền được chia cho từng nhân khẩu trong thôn Đông Cốc, mỗi nhân khẩu là 10 triệu đồng. Ngoài ra, những người con của quê hương như con gái trong thôn đã đi lấy chồng hay người chuyển đi thì được nhận số tiền là 5 triệu đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh – ông Nguyễn Tử Quỳnh cho biết: "Đây là tài sản cộng đồng và rõ nguồn gốc, các thủ tục được làm khá kỹ. Việc chặt cây là do xã, huyện thực hiện".
Luật sư Trần Hữu Năng – Trưởng văn phòng luật sư Đức Năng (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhận định: "Về nguyên tắc, tài sản cộng đồng là tài sản chung có thể được chia, tuy nhiên việc chia này có thể dẫn đến nhiều vấn đề không công bằng như người rời quê đi thì có được không, người sinh năm nào thì được chia...?".
Theo luật sư Năng, nguyên tắc cao nhất là khi xin phép chặt hạ cây sưa này nhằm mục đích gì thì phải bám vào đó. Thông thường, số tiền này được sử dụng vào mục đích sản xuất chứ không dùng để chia.
“Nếu người dân thống nhất chia mà được cấp trên cho phép thì việc chia là hợp pháp. Tuy nhiên, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước là hỗ trợ sản xuất bằng phương thức kinh doanh và mô hình cải tiến nông nghiệp chứ không hỗ trợ tiền không hiệu quả. Tôi ủng hộ phương án sử dụng hiệu quả để ổn định tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Cho nhau cái cần chứ không nên cho nhau con cá”, luật sư Năng phân tích.
Luật sư Năng cũng khẳng định, trường hợp mua bán cây sưa này là trường hợp phải nộp thuế GTGT bình thường. "Nếu trường hợp chưa có thỏa thuận về thuế trong hợp đồng mua bán thì phải thương thảo lại xem ai chịu thuế. Tuy nhiên, việc hiện nay số tiền bán sưa đã được chia cho dân mà không nộp thuế là hoạt động phạm pháp", luật sư Năng nói.
Nhất Nam