Bà mất trong những cơn đau, trong khắc khoải không gặp được người con bất hạnh đang bị vướng vào vòng tù tội. Khi phiên tòa sơ thẩm chuẩn bị được mở, bất ngờ cơn bạo bệnh ập xuống cơ thể ốm yếu của bà, phải cấp cứu tại bệnh viện và truyền dịch do không ăn uống được. Vào làm việc trong Trại tạm giam, tôi không dám báo cho anh, vì sợ rằng tin tức bà bệnh nặng có thể làm trầm trọng hơn sự lo lắng vốn dĩ đã lấp đầy những tháng ngày đếm bước thời gian qua ánh sáng lọt qua khung cửa sắt.
Âm thầm làm đơn, chạy ngược chạy xuôi xin với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, rồi Tòa án cấp sơ thẩm, vào bệnh viện xin hồ sơ bệnh án, đến gặp cán bộ có trách nhiệm cả những ngày cuối tuần, nhưng rốt cuộc, anh vẫn không được ra gặp mặt mẹ tại bệnh viện. Hình ảnh người cha già nhăn nheo khô héo, đứng một mình với những giọt nước mắt như cạn kiệt xuất hiện trên truyền thông làm xúc động trái tim bao người. Ông đi thẳng từ phiên tòa sơ thẩm đến bệnh viện để cố xoa dịu những cơn đau của bà.
Ảnh minh họa. Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn
Ngày 6/12/2012, bà ra đi… Cả ngày hôm sau, đúng vào những giờ làm việc cuối tuần, Tòa soạn nơi anh tác nghiệp trước đây cùng gia đình và luật sư hối hả làm đơn, liên hệ Tòa phúc thẩm để xin cho anh được về chịu tang mẹ. Đã gần hết giờ làm việc, tôi cố gắng liên hệ khắp nơi, vẫn không có một tin tức gì hồi âm. Việc giải quyết cho bị can, bị cáo đang bị tạm giam được tại ngoại về chịu tang người thân thích trong gia đình là việc nhân đạo, thực tế các cơ quan tiến hành tố tụng trong một số trường hợp và hoàn cảnh cụ thể đã giải quyết, nhưng trong vụ án nhạy cảm như thế này, vẫn biết là khó khăn vô cùng. Khi tất cả đã tưởng chừng vô vọng, màn đêm bắt đầu buông xuống, linh cữu của bà đã được đưa từ bệnh viện về quê ở một tỉnh miền Trung, thì bất ngờ tôi nhận được tin báo là anh đang được xe ôm chở từ Trại tạm giam về nhà và sẽ ghé Văn phòng tôi trước khi về quê chịu tang mẹ. Ơn Trời, cuối cùng thì anh cũng đã được tại ngoại !
Vừa bước chân vào Văn phòng khi trời đã sập tối, anh ôm chầm lấy tôi mà khóc nức nở. Tấm thân gầy mỏng lẫm chẫm mồ hôi, bàn tay với những di chứng ghẻ lở, cùng với thứ mùi đặc trưng thường thấy từ trong khu giam giữ còn vương trên vai áo. Anh ngồi đó, bất động, ngỡ ngàng, rồi bảo với tôi, cả đêm hôm trước trằn trọc không ngủ được, linh tính mách bảo chuyện chẳng lành. Anh càng bất ngờ hơn, sau khi được ăn cơm chiều, lui vào một góc tối trong phòng, thì nghe tiếng quản giáo gọi vọng vào, bảo chuẩn bị đồ đạc. Ban đầu anh nghĩ là mình được chuyển phòng giam, nhưng đến khi ký nhận vào quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn, trong đó ghi rõ lý do “được tại ngoại về chịu tang mẹ”, anh bật khóc, tay vịn vào tường giam lạnh lẽo, gọi không thành lời hai tiếng “mẹ ơi…”.
Ngồi tâm sự với tôi, anh cũng hiểu, luật sư và người thân thích, bạn bè, đồng nghiệp đã cố gắng để xin phép cơ quan tố tụng cho anh ra gặp mặt mẹ tại bệnh viện nhưng bất thành. Sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, Hội nghề nghiệp cũng đã có văn bản đề nghị với Tòa phúc thẩm xem xét cho anh được tại ngoại để có thể về chăm sóc cho mẹ đang bệnh nặng. Quãng thời gian chờ đợi quá lâu, nay thì không kịp nữa rồi…
Ngay sau khi trở về từ Văn phòng luật sư, anh hối hả chỉ kịp thay bộ quần áo đang mặc, rồi cùng vợ và đứa con trai đầu lòng thuê một chuyến xe đi xuyên đêm. Xe chạy chậm, như lòng người đang trùng xuống, người mệt mỏi rã rời nhưng anh không làm sao chợp mắt được. Mãi đến gần trưa xe mới về đến nhà. Còn bao nhiêu sức lực, anh lao vào nhà ôm lấy di hài của mẹ, khóc ngất đi. Những người thân thích và bạn bè nhìn anh mà không cầm được nước mắt. Bây giờ, mẹ đi rồi, còn gì để lưu giữ nữa, ngoài một bàn tay ? Vẫn biết quy luật của tự nhiên sinh lão bệnh tử, người già đến tuổi như chuối chín cây, lá úa lìa cành…
Vậy mà anh hình dung, dường như sự ra đi này nhanh hơn, đau đớn hơn khi người mẹ nằm trong bệnh viện từng giờ nén cơn đau để trông đợi đứa con vì dấn thân về nghề nghiệp mà gặp cảnh hoạn nạn trở về. Có lẽ, điều an ủi duy nhất còn lại trước nỗi đau quá lớn khi mất mẹ, là hàng trăm bạn bè, đồng nghiệp từ khắp mọi miền đất nước về chia buồn với gia đình anh, hy vọng phiên tòa phúc thẩm sắp tới sẽ mang đến những điều an lành.
Tôi hình dung, có lẽ trong suốt thời gian buổi chiều quyết định cho anh được tại ngoại về chịu tang mẹ, lãnh đạo Tòa phúc thẩm đã phải họp bàn, cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra một quyết định chứa đựng lòng nhân hậu của tình người.
Ở chốn xa xôi mà khổ đau cũng trở nên vô nghĩa, linh hồn của người mẹ cũng được an ủi phần nào khi được bàn tay đứa con chạm vào tiễn đưa về nơi cuối trời…
Luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh)
* Tựa đề do Người đưa tin đặt lại.
Email: luatsu@nguoiduatin.vn