Người thổi hồn cho những nhạc cụ từ tre, nứa
Tìm đến ngôi nhà nhỏ của gia đình nghệ sĩ, thầy giáo Nguyễn Trường tại Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vào một buổi sáng se lạnh, chúng tôi như lạc vào không gian của vô số nhạc cụ mang đậm chất Tây Nguyên. Từ những chiếc mõ trâu, mõ bò đến những gốc cà phê sần sùi, hay những cây tre, nứa... đều được đôi bàn tay tài hoa của ông biến hóa thành các loại nhạc cụ vô cùng độc đáo.
Nở nụ cười hiền, nghệ sĩ Nguyễn Trường cho biết, năm 1981, sau khi tốt nghiệp Trường Quốc gia âm nhạc Huế (nay là Học viện Âm nhạc Huế), ông đến tỉnh Đắk Lắk nhận công tác. Hơn 30 năm (từ 1982-2018) công tác tại vùng đất đầy nắng gió này, ông đã trải qua nhiều vị trí như: Diễn viên Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắk Lắk, giảng viên Violon, nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên, rồi Trưởng phòng Đào tạo Trường Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk (nay là Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk), Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
Suốt thời gian công tác trong Đoàn ca múa nhạc dân tộc Đắk Lắk, ông đã cùng với Nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân tham gia nhóm sưu tầm nhạc cụ truyền thống tre, nứa.
Trong một đợt đi thực tế ở huyện M’Đrăk (tỉnh Đắk Lắk) vào năm 1982, ông vô cùng thích thú khi tình cờ gặp một cụ già thổi nhạc cụ Kypăh. “Qua từng âm vang phát ra từ nhạc cụ Kypăh, tôi nhận thấy có một âm sắc độc đáo của núi rừng Tây Nguyên mà không có bất kỳ loại nhạc cụ nào sánh được. Sau đó, ông đã học tập, mày mò và cuối cùng cũng nắm bắt được nguyên lý phát âm và cấu tạo của chiếc Kypăh này. Dần dà, niềm đam mê âm nhạc truyền thống Tây Nguyên đã thấm dần và cháy bỏng trong tôi từ lúc nào không hay”, ông Trường kể lại.
Hay trong những lần lang thang về các buôn làng, ông bất ngờ phát hiện tiếng khua lốc cốc của chiếc mõ bò bằng tre, nứa vang vọng khắp núi đồi chính là nguồn âm thanh hết sức thú vị. Và ông đã tìm về các buôn làng để sưu tầm cho kỳ được những chiếc mõ ấy nhằm phục vụ nghiên cứu cách cấu tạo và âm thanh phát ra của nó. Sau khi tìm ra nguyên lý, ông đã bắt tay vào chế tác ra những chiếc mỏ trâu, mõ bò với nhiều cung bậc âm thanh khác nhau đầy thú vị.
Năm 2018, sau khi nghỉ hưu, nghệ sĩ Nguyễn Trường dành toàn bộ thời gian để nghiên cứu, sưu tầm, phục chế một số nhạc cụ dân gian từ tre, nứa như: Đàn T’rưng, đàn Đingpăh, Đing pơng, Ching Kram, Đing Tut, Đing Tak Tar, Đing Puốt, Ching Đing Arap M’ô... với cao độ chuẩn và âm thanh vang, sáng, rõ, mượt mà.
Khi được hỏi về quãng thời gian để chế tác ra mỗi loại nhạc cụ, nghệ sĩ Nguyễn Trường cười rồi nói: “Để chế tác mỗi một nhạc cụ, không ai có thể đo đếm được thời gian và công sức. Bởi nó được tích lũy và hình thành qua một quá trình trải nghiệm và thực hiện nhiều năm”.
Cây đàn Violon tre độc lạ
Không dừng lại ở kết quả nói trên, thời gian sau này, nghệ sĩ Nguyễn Trường còn không ngừng nghiên cứu, biến hóa những vật liệu tre, nứa thành cây đàn Violon tre (hay còn gọi là Viokram, chữ Kram trong tiếng Ê Đê nghĩa là tre).
Nghệ sĩ Trường lý giải: “Trong dàn nhạc các nhạc cụ tre, nứa đều phát ra những âm rời thì cây Violon tre đã thực hiện được âm thanh liền mạch, không ngắt quãng, tạo sự thuận lợi trong khi diễn tấu với các nhạc cụ khác bằng tre, nứa để âm thanh được liền mạch và hòa âm hay hơn. Chính vì thế, sau một thời gian nghiên cứu, tôi đã bắt tay vào chế tác cây đàn Violon tre”.
Những cây tre được ông chọn lựa làm đàn Violon tre không quá già, không quá non. Sau khi mang về, ông phơi cây tre cho đến gần khô thì tiến hành xử lý bằng cách ngâm trong nước muối một thời gian dài (20-30 ngày), rồi đem phơi lên gác bếp. Theo nghệ sĩ Nguyễn Trường, đây là phương pháp xử lý mối mọt và để cho ra âm thanh tốt nhất của cây đàn Violon tre.
Sau khi nguyên liệu đã được chuẩn bị sẵn sàng, ông bắt tay vào chế tác mà không kể ngày, đêm nhưng không mấy dễ dàng. “Để làm ra được cây đàn Violon tre, đòi hỏi sự tỉ mỉ vô cùng, chính xác đến từng milimet. Các vị trí đục, đẽo của đàn được cân chỉnh từng ly, nếu chỉ sai 1/10 mm thì chiếc đàn ấy trở nên bị “điếc”, không phát ra âm thanh… Tuy nhiên, quan trọng nhất trong quá trình chế tác vẫn là sự tinh tế để có thể giúp cây đàn đạt đến “độ hay” nhằm đưa vào sử dụng hay biểu diễn”, ông Trường cho hay.
Từ những trăn trở đó, khi chế tác đàn bằng các nguyên liệu tre, nứa, ông không ngừng nâng cao hiệu quả âm thanh phối hợp với công nghệ hiện đại.
Ngay sau khi hoàn thiện, cây đàn Violon tre độc đáo đã được đồng nghiệp và các nhà chuyên môn đón nhận, đánh giá cao. Đến nay, sau một thời gian dài, ông đã chế tác thành công hàng chục cây Violon tre và đã đến tay các bạn bè, đồng nghiệp trong và ngoài nước.
Ông cho hay, đàn Violon tre có nhiều ưu điểm như: Nguyên liệu dễ kiếm tìm, ở Tây Nguyên tìm nơi đâu cũng có; cây đàn có trọng lượng nhẹ, nhỏ gọn hơn cây Violon truyền thống; giá thành thấp hơn các cây đàn Violon truyền thống của phương Tây được làm bằng gỗ sồi hoặc các loại gỗ ở Việt Nam khó tìm thấy.
Tiếp theo cây Violon tre, ông còn chế tác cây đàn Viola tre, sau đó là Cello tre, rồi đến Guitar tre, Mandolin tre... và phục chế một số nhạc cụ thuộc bộ hơi như: sáo vỗ, sáo chim, Đing Puốt... Các loại nhạc cụ này đã được trưng bày và biểu diễn tại Hội thảo Hiệp hội tre Thế giới tổ chức tại tỉnh Bình Dương vào năm 2022 và được các bạn bè quốc tế ngưỡng mộ, thích thú.
Sự sáng tạo không ngừng phát triển, từ cây đàn Violon tre, gốc cà phê cũng được nghệ sĩ Nguyễn Trường thổi hồn vào để biến thành một cây Violon với hình hài khác, âm sắc khác, kích thước khác mà không cây nào giống cây nào có tên gọi là Violon Cafe (hay còn gọi là Vioca). Âm thanh từ cây đàn Violon Cafe phát ra đậm chất mộc của loại cây đặc trưng nhất vùng Tây Nguyên. Đồng thời, cây đàn này còn có thể diễn tấu được mọi cung bậc của âm thanh và có thể thoả mãn mọi nhu cầu về diễn tấu của một nhạc công chuyên nghiệp.
Ngoài ra, ông còn có dự định, chế tác nhiều loại nhạc cụ khác từ những gốc cây cà phê được thanh lý sau khi già cỗi. “Gốc cây cà phê là một loại gốc cây có hình thù độc đáo, đẹp và nghệ thuật mà không có bất kỳ một gốc cây nào có được”, nghệ sĩ Nguyễn Trường chia sẻ.
Không chỉ vậy, nghệ sĩ Nguyễn Trường còn tham gia truyền dạy chế tác và sử dụng một số nhạc cụ dân gian phổ biến bằng tre, nứa cho một số học sinh đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk). Qua đó, góp phần lan tỏa, khơi gợi tình yêu với nhạc cụ dân tộc cho các thế hệ trẻ. Ông có mong muốn rằng, rồi đây, các nhạc cụ tre, nứa sẽ trở thành một trong những môn học năng khiếu cho các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Khánh Ngọc