Trong một tuần trở lại đây, nếu không kể đến sự ra đời của bộ đôi smartphone cao cấp Sony Xperia Z1 và Samsung Galaxy Note 3 có lẽ sự kiện gây được nhiều sự chú ý nhất của giới công nghệ là việc Microsoft tuyên bố sát nhập thành công mảng kinh doanh các thiết bị di động của Nokia với giá hơn 7 tỷ đô la Mỹ.
Sự kiện này đã gây chấn động không chỉ trong làng công nghệ mà còn có sức lan tỏa lên cả cộng đồng khi mà ai cũng biết rằng Nokia chính là một trong những thương hiệu điện thoại di động nổi tiếng và được biết đến nhiều nhất trên thế giới. Việc bán đi mảng kinh doanh các thiết bị di động hay nói một cách chính xác hơn là mảng Thiết bị và Dịch vụ (Device & Service) đã đẩy Nokia đến bờ vực của sự tan vỡ. Vậy sau khi đã bán đi mảnh ghép lớn nhất của mình, Nokia còn lại gì sau thương vụ sát nhập gây nên nhiều tranh cãi và nuối tiếc này ?
Ít ai ngờ được rằng tiền thân của Nokia ngày nay lại là một công ty với chuyên môn chính là việc kinh doanh các sản phẩm chế biến từ Cao su. Mãi đến những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Nokia lúc này mới được biết đến với tư cách một công ty Viễn thông mà cụ thể hơn là một công ty sản xuất các thiết bị Viễn thông và dây cáp. Và ở thời điểm hiện tại, dù kinh doanh các thiết bị di động vẫn là mảng kinh doanh chính giúp cho nhiều người biết đến và mang lại những thành công nhất định cho Nokia thì điều đó cũng không đồng nghĩa với việc, đây là mảng kinh doanh duy nhất của công ty Viễn thông đến từ Phần Lan này.
Ngoài mảng Thiết bị và Dịch vụ (Device & Service) như đã nói ở trên, Nokia còn có 3 mảng kinh doanh cơ bản khác là Giải pháp và Hạ tầng mạng (Nokia Solution Network – NSN), Các dịch vụ về bản đồ HERE và Các công nghệ tiên tiến (Advanced Technologies).
Trong 3 mảng này, Giải pháp và Hạ tầng mạng (Nokia Solution Network – NSN) là mảng kinh doanh các dịch vụ về cơ sở hạ tầng mạng, đặc biệt là hệ thống băng rộng trong thông tin di động (hay Mobile Broadband). Đây cũng là mảng kinh doanh các dịch vụ 4G và các công nghệ của tương lai.
Các dịch vụ về bản đồ HERE lại là mảng thiên về lớp ứng dụng khi nó cung cấp và phát triển các loại dịch vụ liên quan đến bản đồ và định vị vị trí, địa điểm cho các thuê bao di động hoạt động trên nhiều nền tảng hệ điều hành khác nhau không phân biệt nhà sản xuất.
Còn Các công nghệ tiên tiến (Advanced Technologies) lại là mảng tập trung sở hữu và phát triển các bằng sáng chế và sở hữu trí tuệ thuộc quyền kiểm soát của Nokia nhằm hướng đến các công nghệ và các cơ hội kinh doanh mới.
Với 3 mảng kinh doanh còn lại, có thể nhận thấy rằng giới lãnh đạo của Nokia vẫn có thể sống khỏe sau khi đã bán đi những gì được coi là linh hồn và sự tinh túy nhất của công ty. Tuy vậy, không ít người vẫn tỏ ra có phần nuối tiếc đối với thương hiệu đã từng có thời gian tồn tại và gắn bó rất lâu dài với tất cả mọi người này.
Hằng Giang