Bản tin 1/11: Bộ GD&ĐT nghiên cứu đảm bảo công bằng giữa các tổ hợp xét tuyển

Bản tin 1/11: Bộ GD&ĐT nghiên cứu đảm bảo công bằng giữa các tổ hợp xét tuyển

Thứ 6, 01/11/2024 06:00

Bộ GD&ĐT nghiên cứu đảm bảo công bằng giữa các tổ hợp xét tuyển; Tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn chưa bền vững...

Bộ GD&ĐT nghiên cứu đảm bảo công bằng giữa các tổ hợp xét tuyển

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang nghiên cứu để đảm bảo công bằng trong việc xét tuyển khi những năm gần đây, điểm tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội luôn có sự chênh lệch.

Thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 và chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sáng ngày 31/10 tại Tp.HCM.

Theo VOV, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024, số lượng thí sinh ngày càng tăng, dự báo tiếp tục mỗi năm sẽ có hơn 1 triệu thí sinh tham gia kỳ thi này. Tỉ lệ tốt nghiệp dao động 98-99%, con số này phản ánh 3 mục tiêu gồm: đánh giá cả quá trình dạy và học, xét tốt nghiệp và là cơ sở để tuyển sinh đại học. Do đó, không phải vì tỉ lệ cao mà không cần thi.

Bên cạnh đó, tỉ lệ đăng ký theo tổ hợp Khoa học Tự nhiên có xu hướng giảm so với tỉ lệ đăng ký tổ hợp Khoa học Xã hội. Tuy nhiên, cũng có một số địa phương có xu hướng ngược lại, như Tp.HCM, tỉ lệ đăng ký vào tổ hợp Khoa học Tự nhiên luôn cao hơn. Điểm trung bình các môn tăng nhẹ và tập trung vào tổ hợp Khoa học Xã hội, còn tổ Khoa học Tự nhiên giữ ổn định và thấp hơn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến xu hướng chọn xét tuyển tổ hợp Khoa học Xã hội nhiều hơn.

"Đây cũng là một trong những yếu tố có phần bất lợi vì nhiều tổ hợp tuyển sinh đại học có tổ hợp Khoa học Xã hội. Chúng tôi đang có giải pháp cùng Vụ Đại học để nghiên cứu giải pháp công bằng giữa các tổ hợp xét tuyển", ông Chương nói.

Đối với đề xuất chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, ông Chương cho biết, Bộ cũng nhận thấy quy chế thi tốt nghiệp THPT thay đổi hằng năm gây áp lực về mặt thời gian. Do vậy, Bộ cũng mong muốn từ năm 2025, quy chế thi được ổn định.

Bên cạnh đó, dự kiến việc xét công nhận tốt nghiệp sử dụng kết quả điểm thi và kết quả đánh giá quá trình 3 năm học theo tỉ lệ 50-50. Ngoài ra, việc miễn thi ngoại ngữ khi sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ cũng sẽ không được quy đổi thành 10 điểm, mà chỉ công nhận tốt nghiệp là đạt.

Các địa phương cũng cần chuẩn bị lộ trình thi trên máy tính, xây dưng kế hoạch các điều kiện để thí điểm thi trên máy tính từ năm 2027, sau năm 2030 sẽ triển khai rộng rãi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ thi 4 môn với 36 tổ hợp, trong đó 2 môn bắt buộc và 2 môn trong số các môn đã học ở lớp 12. Ngày 18/10 vừa qua, Bộ GD&ĐT cũng đã công bố đề thi tham khảo các môn tốt nghiệp từ năm 2025.

Tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn chưa bền vững

Sáng 31/10, tại Hội thảo "Phát triển thị trường tài chính xanh ở Việt Nam: Những rào cản, vấn đề cấp bách và giải pháp đột phá", PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng thông tin, doanh số tín dụng xanh toàn cầu đã tăng 12 lần trong 5 năm, từ 55,9 tỷ USD vào năm 2018 lên mức 661 tỷ USD vào năm 2023.

Tại Việt Nam, khung pháp lý về thể chế liên quan đến hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh ngày càng được hoàn thiện như chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn tới năm 2050, kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030…

Nói về những hạn chế còn tồn tại với tín dụng xanh, bà Hoàng Anh cho biết, nguồn vốn xanh huy động từ thị trường cho nền kinh tế phụ thuộc vào dòng vốn tín dụng xanh, đặt ra yêu cầu nguồn vốn tương đối lớn cho ngành ngân hàng.

Chương trình tín dụng xanh gặp thách thức bởi thiếu vốn xanh huy động do thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, còn nhiều hạn chế.

Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn chưa được bền vững. Động lực của tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam chủ yếu đến từ định hướng chính sách của Ngân hàng Nhà nước hơn là nhu cầu phát triển của các Ngân hàng thương mại.

Xem thêm!

Tránh vì sơ xuất nhỏ ảnh hưởng an ninh mạng ngành giáo dục và quốc gia

Ngày 31/10, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị tập huấn về an toàn thông tin, an ninh mạng. 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&DT Hoàng Minh Sơn cho biết, không gian mạng hiện nay là một phần không thể thiếu được với cuộc sống hiện đại. 

Tuy nhiên, trước thực trạng tấn công mạng đang trở nên phức tạp, với những diễn biến rất khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro không thể lường trước được, vì vậy, mỗi người cần nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, an ninh mạng, đồng thời quản trị rủi ro và có biện pháp ứng phó sự cố.

Thứ trưởng yêu cầu mỗi cá nhân cần hiểu rõ những nguy cơ, rủi ro từ việc lộ, lọt thông tin, mất an toàn thông tin, đảm bảo an ninh môi trường mạng.

Cùng với đó, cần học hỏi các kỹ năng, sử dụng, bảo trì hệ thống dữ liệu phần mềm cho mình, cho học sinh, sinh viên, trong công việc và đời sống cá nhân.

"Nhưng quan trọng, chính là đảm bảo an toàn thông tin cho ngành giáo dục và an ninh quốc gia. Tránh tình trạng chỉ vì một sơ xuất nhỏ mà ảnh hưởng đến ngành và quốc gia", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Xem thêm!

Trúc Chi (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.