Thiếu giáo viên, thầy cô phải "chạy sô" dạy ở 21 trường
Theo báo Đại Biểu Nhân Dân, do thiếu giáo viên, nhiều thầy cô bộ môn Tin học ở Hà Tĩnh phải chạy sô dạy tới 21 trường và 8 điểm trường khác. Việc phải “gánh” thêm số tiết vượt quá định mức khiến nhiều giáo viên mệt mỏi.
Cụ thể, từ năm 2022 - 2023, Tiếng Anh và Tin học là 2 môn học bắt buộc đối với học sinh từ lớp 3. Năm học 2023-2024, hai môn học này cũng bắt buộc đối với học sinh lớp 4 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ở Hà Tĩnh, việc thêm môn học bắt buộc dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng. Nhiều giáo viên phải “chạy show” từ trường này qua trường khác để đảm bảo số tiết cho các học sinh.
Theo tờ trình của Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê, năm học 2023 - 2024, cấp tiểu học toàn huyện có 21 trường với 339 lớp. Tổng số giáo viên ở cấp này hiện tại là 461, trong đó, 423 giáo viên văn hóa và giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục. Môn Tin học mới chỉ có 5 giáo viên và tiếng Anh là 33 giáo viên.
Theo quy định, chương trình cấp tiểu học xây dựng trên cơ sở tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và tỉ lệ giáo viên/lớp tối thiểu là 1,5. Tuy nhiên, năm học 2023-2024, cấp tiểu học của huyện Hương Khê mới chỉ đạt tỉ lệ giáo viên/lớp là 1,36.
Riêng 5 giáo viên dạy môn Tin học sẽ có 135 tiết/tuần của toàn cấp học, bình quân mỗi thầy cô là 27 tiết/tuần (định mức quy định là 23 tiết/tuần). Do vậy, hiện nay cấp tiểu học ở huyện Hương Khê chưa đủ giáo viên để dạy học 2 buổi/ngày theo quy định.
Một giáo viên dạy môn Tin học bậc tiểu học huyện Hương Khê cho biết bản thân phải dạy 5 trường tiểu học, rất áp lực và mệt mỏi.
“Các trường tôi được điều động dạy có khoảng cách xa, đường đi lại khó khăn vì là huyện miền núi. Bản thân tôi sẽ giảng dạy tại 5 trường với tổng 28 tiết thực cộng với 18 tiết phụ trách 6 phòng máy, tổng là 46 tiết. Số tiết này sẽ thừa so với định mức của Bộ GD&ĐT quy định là 23 tiết/tuần”, giáo viên này cho biết.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề thiếu giáo viên, một lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê cho biết việc thiếu giáo viên môn tiếng Anh và Tin học xảy ra tại huyện Hương Khê nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Nhiều thầy cô giáo phải dạy liên trường khá vất vả nên đơn vị cũng đã đề nghị hiệu trưởng các trường tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên giáo viên môn Tin học trong việc bố trí, sắp xếp thời khóa biểu phù hợp.
“Với 5 giáo viên Tin học nhưng phải dạy tới 21 trường và 8 điểm trường khác. Tuy nhiên, vì khó khăn chung nên chúng tôi cũng đã động viên họ trước mắt cố gắng đảm bảo các tiết dạy cho học sinh tại các trường phụ trách. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã làm tờ trình gửi UBND huyện Hương Khê đề nghị giải quyết chế độ làm việc thừa giờ cho giáo viên và xin cho tuyển thêm giáo viên dạy Tin học hợp đồng”, vị này cho biết.
Tương tự tại huyện Kỳ Anh cũng xảy ra tình trạng thiếu giáo viên bộ môn Tin học. Ông Nguyễn Anh Hoan, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Anh, toàn huyện có 17 trường tiểu học, song chỉ mới có 13 giáo viên dạy bộ môn này. Nguyên nhân là do chưa giao đủ số giáo viên được biên chế.
“Tin học được giao 15 giáo viên nhưng thực tế chỉ mới có 13 giáo viên dạy cho 17 trường. Thời gian tới chúng tôi sẽ tham mưu tuyển thêm giáo viên tiểu học, nhất là bộ môn Tin học. Ít nhất mỗi giáo viên dạy 1 trường để các giáo viên không vất vả khi phải dạy liên trường”, ông Hoan nói.
Đâm vào xe ô tô tải, 3 người thương vong
Thông tin ban đầu trên báo Gia Lai Vào khoảng 20h30 ngày 9/9, tại km 1614+900 quốc lộ 14 (thuộc địa phận thôn Phú Tân, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe máy và xe ô tô tải khiến 3 người thương vong.
Theo đó, vào thời điểm xe máy mang BKS 81P1-442.59 chưa rõ người điều khiển, trên xe này có Kpah Báo (SN 2006), Ralan Lam (SN 2002) và Kpah Mái (SN 2007, cùng trú tại xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) chạy theo hướng từ TP. Pleiku-Chư Sê. Khi đến địa điểm trên thì đâm vào phía sau xe ô tô tải BKS 81C-166.86 do anh Phan Văn Trang (SN 1988, trú tại xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) điều khiển phía trước cùng chiều.
Vụ tai nạn khiến Kpah Báo, Ralan Lam, Kpah Mái bị thương nặng, được người dân đưa cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng anh Gia Lai. Đến 3 giờ sáng ngày 10-9, Kpah Báo tử vong tại bệnh viện.
Người đàn ông nguy kịch sau cơn đau ngực đột ngột
Theo báo Vietnamnet ông N.D.T (74 tuổi, tỉnh Bình Dương) may mắn được các bác sĩ cứu sống khi bất ngờ ngưng tim ngưng thở ngay trong khuôn viên Bệnh viện Tp.Thủ Đức, Tp.HCM.
Trong lúc ngồi chờ khám bệnh, ông T. bất ngờ ôm ngực và gục ngã trên ghế. Người dân phát hiện đã tri hô. Nhân viên y tế tại hiện trường xác định ông T. ngưng tim ngưng thở, lập tức tiến hành cấp cứu tại chỗ, xoa bóp tim và chuyển đến Khoa Cấp cứu trong vài phút.
Tại Khoa Cấp cứu, người bệnh được sốc điện phá rung tim 3 lần và hồi sức tim phổi. Kết quả đo điện tâm đồ xác định nguyên nhân ngưng tim là do nhồi máu cơ tim cấp độ 4.
Người bệnh bị tổn thương nặng 3 nhánh mạch vành nên được tiến hành can thiệp đặt stent. Quá trình nong tim kết thúc trong 30 phút để khôi phục dòng máu nuôi tim.
Đây không phải trường hợp hiếm gặp. Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Tp.HCM) cũng từng tiếp nhận các bệnh nhân đột ngột ngưng tim khi đang làm việc, sinh hoạt.
Theo đó, khi đang làm việc ở công trường xây dựng, anh T.H.T (44 tuổi) bỗng nhiên tím tái, khó thở và ngất đi. Đồng nghiệp đưa anh đến bệnh viện gần nhất trong tình trạng ngưng tim ngưng thở, mạch và huyết áp không đo được.
Bệnh nhân được hồi sức tim phổi nâng cao, đặt nội khí quản, sốc điện 3 lần. Đo lại điện tim xác định đây là tình trạng nhồi máu cơ tim cấp. Sau hồi sức khoảng 15 phút, tim bệnh nhân đập lại, các bác sĩ quyết định chuyển anh T. sang Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Bệnh nhân được chỉ định phải tái thông mạch vành cấp cứu.
Trường hợp khác là ông N.N.Đ (58 tuổi) bị đau ngực, khó thở khi đang bơi. Khoảng 30 phút sau, người dân phát hiện ông tím tái nên gọi cấp cứu. Thời điểm này, ông Đ. đã mê, ngưng tim ngưng thở, mạch và huyết áp không đo được.
Ê-kíp cấp cứu ngoại viện đã tiến hành hồi sức tim phổi nâng cao, đặt nội khí quản ngay trên xe cứu thương, xử lý sốc điện 5 lần (có biểu hiện rung thất). Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bác sĩ nhận định đây là ca nhồi máu cơ tim cấp, biến chứng ngưng tim ngoại viện.
Kết quả chụp mạch vành cho thấy người bệnh bị tắc nhánh động mạch lớn nhất nuôi tim. Ê-kíp can thiệp đã xử lý tái thông, đặt 1 giá đỡ trong lòng động mạch vành. Tuy nhiên sau đó, bệnh nhân gặp biến chứng suy đa tạng, phải điều trị kéo dài.
Trúc Chi (t/h)