Chi tiết lịch nghỉ Tết Nguyên đán của học sinh 30 địa phương
Theo Tri Thức, ngày 9/1, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương về thời gian nghỉ Tết Nguyên đán năm 2024 của ngành Giáo dục. Theo đó, học sinh được nghỉ Tết Nguyên đán 8 ngày, từ ngày 7/2 (28 tháng chạp) đến hết ngày 14/2 (mùng 5 tháng giêng).
Số ngày nghỉ Tết của học sinh Hà Nội năm 2024 bằng 2 năm trước và nhiều hơn của cán bộ, công chức, viên chức một ngày.
Trong khi đó, trẻ mầm non, học sinh phổ thông và học sinh, học viên đang học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên tại tỉnh Lâm Đồng nghỉ Tết Nguyên đán 12 ngày, từ ngày 7/2 (28 tháng chạp) đến hết ngày 18/2 (mùng 9 tháng giêng).
Học sinh tỉnh Vĩnh Phúc được nghỉ ít hơn một ngày, từ ngày 8/2 (29 tháng chạp) đến hết ngày 18/2 (mùng 9 tháng giêng).
Theo Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, việc nới thời gian nghỉ Tết lên 11 ngày thay vì một tuần nhằm giúp học sinh giảm tải áp lực, có thêm thời gian chia sẻ và gắn kết với người thân, gia đình, học được thêm nhiều kỹ năng sống.
An Giang cũng là địa phương cho học sinh nghỉ Tết Nguyên đán năm 2024 dài ngày. Theo đó, học sinh và học viên các trường mầm non, các trường phổ thông, các trung tâm giáo dục thường xuyên được nghỉ 14 ngày liên tục, từ ngày 5/2 (26 tháng chạp) đến hết ngày 18/2 (mùng 9 tháng giêng).
Lịch nghỉ Tết của học sinh tỉnh Bình Thuận sẽ bắt đầu từ ngày 5/2 (26 tháng chạp) đến hết ngày 17/2 (mùng 8 tháng giêng). Tính cả ngày nghỉ cuối tuần, tổng số ngày nghỉ Tết của học sinh Bình Thuận là 14 ngày.
Tỉnh Bắc Giang thông báo cán bộ, giáo viên, học sinh các cấp nghỉ Tết Nguyên đán 7 ngày, từ ngày 8/2 (29 tháng chạp) đến hết ngày 14/2 (mùng 5 tháng giêng).
Sở GD&ĐT Bến Tre cũng vừa có thông báo về thời gian nghỉ Tết Nguyên đán của học sinh các trường mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh, từ ngày 5/2 (26 tháng chạp) đến hết ngày 17/2 (mùng 8 tháng giêng).
Cô gái nhập viện vì tiêm filler để làm căng vòng 3
Một trường hợp cụ thể, bệnh nhân nữ (31 tuổi, Thái Bình) tới thăm khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương trong tình trạng mông phải có khối chắc, ranh giới không rõ, sưng nóng đỏ đau.
Theo lời bệnh nhân kể, đã tiêm filler 4 năm trước nhằm khắc phục và tăng thể tích phần “Hip đip” mông phải, nghe thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, chị N đã đến một cơ sở spa – thẩm mỹ không nhớ tên với mong muốn cải thiện hõm và tăng kích thước vòng 3.
Tại cơ sở đó, bệnh nhân được thực hiện tiêm filler vào vùng mông. Sau tiêm tình trạng ổn định.
Ngày 6/1/2024 bệnh nhân có đến bệnh viện Da liễu Trung ương khám và được chỉ định xét nghiệm máu, siêu âm... sau đó được thược hiện chích rạch các ổ áp xe vùng mông.
Trong quá trình chích rạch đã thấy rất nhiều ổ áp xe tại các vị trí, các lớp giải phẫu nông sâu khác nhau và đã được nạo bỏ dịch mủ, tổ chức hoại tử, filler khoảng 50 ml, bơm rửa các ổ áp xe đó.
Hiện tại bệnh nhân đang được điều trị nội trú, hàng ngày thay băng và bơm rửa ổ áp xe, toàn trạng ổn định, tiến triển tốt. Dịch mủ và filler tồn dư cũng đã được lấy và gửi xét nghiệm.
Nói về tình hình bệnh nhân, TS.BS. Nguyễn Hữu Quang, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết:
"Do các chất tiêm vào là chất không có bản chất rõ ràng, không được Bộ Y tế hay FDA cấp phép, không rõ tiêm vào vị trí nào và số lượng ra sao. Nên phẫu thuật chỉ giải quyết được khối tổ chức chứa dịch rõ ràng trên những xét nghiệm và lâm sàng, có thể còn những chất làm đầy trong tổ chức mô tiềm tàng chưa gây viêm và hoại tử nhu mô.
Bởi vậy, người bệnh có thể phải thực hiện thêm các thủ thuật chích rạch, nạo bỏ thêm các ổ áp khác. Đã có rất nhiều trường hợp viêm tấy áp xe mông sau tiêm chất lạ sau 5 năm, 10 năm phải phẫu thuật nhiều lần".
Được biết, thời gian gần đây, Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp gặp biến chứng do tiêm filler qua những quảng cáo mỹ miều trên mạng xã hội như tiêm sóng xung kích, tiêm mỡ tự thân…tăng vòng 3 ở một số spa, cơ sở thẩm mỹ…
Đây đều là những thông tin quảng cáo, không được kiểm chứng. Khi thực hiện tại một số cơ sở làm đẹp, quá trình vô trùng khi tiêm không tốt hoặc tay nghề của người tiêm non yếu, thậm chí không phải là bác sỹ dẫn đến hệ lụy là có một số ít trường hợp khi đến vùng ngực đã bị hoại tử nặng.
Do đó, để đảm bảo an toàn, các bác sĩ khuyến cáo người dân trước khi thực hiện, các chị em cần tìm hiểu kỹ thông tin về phương pháp làm, cơ sở thực hiện, kinh nghiệm chuyên môn của bác sĩ phẫu thuật…Không nên thực hiện theo số đông, lời giới thiệu từ người thân quen hoặc quảng cáo sai sự thật của một số cơ sở làm đẹp không uy tín.
Thói quen ăn uống nhiều người Việt thích nhưng dễ bị nhiễm sán chó
Theo VTC News, ngày 11/1, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin vừa tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân, 38 tuổi, nhiễm ấu trùng sán dây chó sống ký sinh ở phổi. Đây là trường hợp hiếm gặp tại Việt Nam.
Được biết bệnh nhân này thường hay ăn các thực phẩm tái hoặc sống như thịt cừu, tiết canh dê, rau sống và gỏi cá mai.
Người đàn ông đến viện với biểu hiện mệt mỏi, đau vùng ngực phải âm ỉ, thỉnh thoảng khó thở. Phim Xquang chụp lồng ngực bệnh nhân phát hiện tổn thương dạng nang thùy dưới phổi phải, bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt nang dịch.
Nang dịch này kích thước lớn tới 12x9x8cm. Thành nang dày, có dịch bên trong. Đặc biệt, bên trong chứa các đầu sán nằm ở thùy dưới phổi phải. Bệnh phẩm được gửi soi tươi xác định ấu trùng sán dây chó.
Chia sẻ xoay quanh trường hợp này, Bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng, khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khuyến cáo, người dân cần tuân thủ một số biện pháp dự phòng bệnh sán dây chó như: tránh tiếp xúc phân chó, rửa tay sạch sẽ, tẩy sán định kỳ cho đàn chó có nguy cơ cao.
Khi thấy các biểu hiện nghi ngờ như sốt nhẹ, mệt mỏi, ăn kém, vàng da, mẩn ngứa, đau ngực, khó thở, ho dai dẳng đôi khi ho máu, người dân cần đi khám ngay để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Bệnh sán dây chó là bệnh gây ra bởi các loài sán thuộc giống Echinococcus. Sán có vật chủ chính là chó nuôi, chó hoang. Vật chủ trung gian là loài động vật ăn cỏ, đặc biệt là cừu.
Bệnh có đặc điểm phát triển chậm, trong thời gian dài có thể hoàn toàn không có triệu chứng. Các nang sán hay gặp ở gan, phổi, thận, lách, tim, tổ chức thần kinh hoặc xương.
Trước đó, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận một người đàn ông bị nhiễm sán lợn do có sở thích ăn đồ sống, tái, đặc biệt thịt lợn luộc lúc nào cũng phải còn màu hồng ở bên trong. Anh cho rằng, luộc thịt như vậy mới ngon, ngọt và giữ lại tối đa dưỡng chất.
Theo chuyên gia, thời gian vừa qua có nhiều bệnh nhân tới thăm khám vì nhiễm giun sán. Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp này tự "rước bệnh vào người" vì thói quen thích ăn đồ sống, tái, không đảm bảo vệ sinh.
Để phòng bệnh, người dân cần tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi. Trong quá trình chế biến, cần kiểm tra kỹ, đảm bảo chín đều, không còn màu hồng, mua sản phẩm từ nguồn đáng tin cậy, đã được kiểm tra và chứng nhận an toàn.
Trúc Chi (t/h)