Gãy cần trục vòi phun bê tông, 2 người tử vong
Theo Thanh Niên, đến tối 11/7, Công an quận Hải Châu cho biết các lực lượng chức năng vẫn đang triển khai lực lượng nỗ lực đưa thi thể công nhân tử vong vì bị cần trục vòi phun bê tông gãy sập, đè kẹt trên tầng 4 một công trình đang xây dựng trên địa bàn quận Hải Châu (Tp.Đà Nẵng).
Trước đó, khoảng 16h40 cùng ngày, khi xe bơm bê tông BS 43C - 000.01 thuộc Công ty CP bê tông Đăng Hải Đà Nẵng đang phun bê tông sàn tầng 4 tòa nhà công trình trên đường Nguyễn Lộ Trạch (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, Tp.Đà Nẵng) thì bất ngờ cần trục xe phun bê tông cao hàng chục mét bị gãy, đổ sập xuống.
Tai nạn bất ngờ khiến các công nhân đứng trên sàn tầng 4 không kịp tháo chạy, đã có 4 người bị cần trục đè trúng.
Hậu quả, ông Nguyễn Phước S. (44 tuổi, trú quận Sơn Trà, Tp.Đà Nẵng) tử vong tại chỗ; ông Hồ Văn Hiển L. (49 tuổi, trú quận Hải Châu) tử vong tại bệnh viện.
Hai công nhân Đặng Văn Linh (27 tuổi, trú quận Sơn Trà, Tp.Đà Nẵng) và Trương Minh Đức (51 tuổi, trú huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) bị thương nặng, đang được cấp cứu tại bệnh viện.
Được biết, nhà thầu thi công là Công ty Nam Phương ký hợp đồng với Công ty Đăng Hải là đơn vị đổ bê tông sàn. Sau vụ việc, Công ty Nam Phương đã tạm ứng 50 triệu đồng để cứu chữa các nạn nhân và Công ty Đăng Hải chịu toàn bộ các chi phí điều trị.
Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra nguyên nhân sự việc trên.
Dự kiến chi 1.777 tỷ đồng hỗ trợ 1 triệu lao động ở Tp.HCM
UBND Tp.HCM dự kiến có hơn 1 triệu người lao động được hỗ trợ 1.777 tỷ đồng tiền thuê nhà và người quay lại thị trường, Zing đưa tin.
Người lao động làm việc tại doanh nghiệp dự kiến được hỗ trợ tiền thuê nhà với kinh phí hơn 1.500 tỷ đồng; 195.000 người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất được hỗ trợ hơn 299 tỷ đồng.
UBND Tp.HCM cũng dự kiến hỗ trợ hơn 87.200 người lao động quay lại thị trường với gần 262 tỷ đồng. Riêng người lao động thuộc khu công nghiệp, khu chế xuất có 24.000 người được hỗ trợ hơn 30 tỷ đồng.
UBND Tp.HCM đã kiến nghị nội dung trên đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 11/7.
Theo Quyết định 08 của Thủ tướng, người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp và người lao động trở lại thị trường sẽ nhận hỗ trợ tiền thuê nhà với mức lần lượt 500.000 đồng/người/tháng và 1 triệu đồng/người/tháng. Đối với người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, theo Điều 7, doanh nghiệp gửi danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà theo mẫu số 2 đến cơ quan bảo hiểm xã hội để xác nhận người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Hà Nội sẵn sàng di dời khu dân cư ven sông Hồng khi hồ chứa xả lũ lên cao
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, từ đầu tháng 7 đến nay, nước ta đã chịu ảnh hưởng của 6 trận mưa lớn; 5 trận mưa dông, lốc, sét; 10 vụ sạt lở bờ sông; 3 trận động đất; 1 trận gió mạnh trên biển. Trong hơn 1 tuần qua, các loại hình thiên tai đã khiến ít nhất 9 người chết và mất tích; 5 người bị thương. Bên cạnh đó, 10 nhà dân bị sập đổ, 62 ngôi nhà hư hỏng, tốc mái, cùng 87 nhà dân bị ngập nước.
Do nhiều đợt mưa lớn kéo dài, lượng mưa lớn khiến mực nước các hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Lai Châu lên cao. Đặc biệt, mực nước hồ chứa một số hồ thủy điện ở Tây Bắc thường xuyên vượt mức trước lũ.
Thực tế trước khi thực hiện việc mở các cửa xả, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, các công ty thủy điện đã có thông báo, đề nghị các địa phương thuộc lưu vực sông Hồng chủ động những biện pháp phòng tránh. Tuy nhiên, thiệt hại vẫn thường xuyên được ghi nhận.
Theo thông tin trên Sức khỏe và Đời sống, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mực nước sông Hồng lên cao, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị Hà Nội và các địa phương cần tập trung rà soát phương án ứng phó với các tình huống hồ chứa thủy điện xả lũ. Tổ chức thông tin, tuyên truyền thường xuyên, kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân biết về việc vận hành điều tiết xả lũ để chủ động phòng, tránh.
Liên quan đến công tác vận hành liên hồ chứa trong mùa mưa lũ 2022, mới đây UBND Tp.Hà Nội đã có văn bản đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện, thị xã theo dõi sát diễn biến xả lũ của các hồ chứa để chủ động thông báo cho người dân, các hộ sản xuất - kinh doanh ven sông, hoạt động khai thác cát sỏi, vận tải thủy… để có phương án bảo đảm an toàn.
Thời gian tới, UBND Tp. Hà Nội đề nghị các địa phương cần tập trung rà soát phương án "4 tại chỗ" nhằm xử lý kịp thời các tình huống khi hồ chứa xả lũ. Tiếp tục tổ chức giải tỏa các vi phạm về đê điều, bảo đảm khả năng tiêu thoát lũ ở lòng sông, ven bãi sông Hồng. Đồng thời, lên phương án sẵn sàng di dời khu dân cư ven sông có thể bị ngập úng khi hồ chứa xả lũ, nước sông Hồng lên cao.
Minh Hoa (t/h)