Hà Nội tăng gần 62.000 học sinh trung học cơ sở
Theo Hà Nội Mới tính đến tháng 1/2024, quy mô giáo dục cấp trung học cơ sở thành phố Hà Nội có 675 trường với gần 601.000 học sinh, tăng 6 trường và gần 62.000 học sinh so với cùng kỳ năm 2023. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, toàn thành phố có 10.399 học sinh dân tộc thiểu số đang học tập tại các cơ sở giáo dục cấp trung học cơ sở.
Hiện nay, khối 6 có số lượng học sinh nhiều nhất, với hơn 189.000 em, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm trước. Số học sinh khối lớp 7 là gần 150.000 em; số học sinh khối lớp 8 là hơn 129.000 em và số học sinh khối lớp 9 là 133.000 em. So với cùng kỳ năm trước, số học sinh các khối lớp 7, 8 và 9 đều tăng từ 21% đến gần 25%.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đầu năm học 2023-2024, thành phố Hà Nội đã tổ chức tuyển dụng viên chức giáo viên và ký hợp đồng giáo viên. Đến nay, về cơ bản các nhà trường đều đã bố trí đủ đội ngũ giáo viên làm nhiệm vụ. Những khó khăn trong việc phân công giáo viên dạy các môn học tích hợp khoa học tự nhiên trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được tháo gỡ.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có môn tích hợp là khoa học tự nhiên (gồm các môn vật lý, hóa học, sinh học), môn lịch sử và địa lý. Tùy theo điều kiện cụ thể, các nhà trường có thể phân công giáo viên riêng lẻ để dạy từng phân môn trong môn tích hợp, hoặc bố trí một giáo viên dạy môn tích hợp.
Theo số liệu thống kê, số giáo viên cấp trung học cơ sở của thành phố Hà Nội hiện nay là hơn 35.000 người, tăng hơn 1.700 người so với cùng kỳ năm 2023.
Ngộ độc rượu vì uống rượu giả, rượu tự chế gia tăng trong những ngày Tết
Theo Nhà báo & Công luận trong những ngày qua, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thanh Nhàn đã tiếp nhận 2 bệnh nhân trong cùng một gia đình vào viện trong bệnh cảnh tụt huyết áp, rối loạn nhịp thất phức tạp do ngộ độc Aconitin sau uống 100ml rượu ngâm củ ấu tẩu.
Cụ thể, nam bệnh nhân N.V.H. (49 tuổi) có tiền sử tăng huyết áp - đái tháo đường type 2. Bệnh nhân H. có sử dụng rượu ngâm củ ấu tẩu cùng nam bệnh nhân N.H.Q. (68 tuổi).
Sau khi uống khoảng 30 phút, cả 2 bệnh nhân đều có biểu hiện tê môi, tê đầu lưỡi, chóng mặt, đau tức nặng ngực và được đưa vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thanh Nhàn.
Khi vào viện, bệnh nhân H. được chẩn đoán bị ngộ độc Aconitin biến chứng rối loạn nhịp thất phức tạp - toan chuyển hóa rất nặng, được xử trí đặt sonde dạ dày, rửa dạ dày.
Ngoài ra, bệnh nhân còn được dùng các thuốc vận mạch, chống rối loạn nhịp thất và được lọc máu liên tục.
Sau khi lọc máu 12 giờ đồng hồ, tình trạng bệnh nhân cải thiện tốt, hết toan chuyển hóa, không còn rối loạn nhịp thất. Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân được xuất viện.
Trong khi đó, tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, vào dịp trước, trong và sau Tết, ngộ độc rượu có sự gia tăng đột biến và hầu hết các ca đều nặng. Đáng nói, đa số những trường hợp này đều để lại di chứng nặng nề.
Điển hình, một bệnh nhân 20 tuổi là du học sinh người Lào đang học tập tại Hà Nội, sau bữa nhậu kéo dài nhiều giờ cùng hai người bạn khác, anh phải vào nhập viện điều trị vì ngộ độc rượu ethanol.
Gần đây là 3 trường hợp nam độ tuổi từ 46 đến 72 được chẩn đoán ngộ độc cồn công nghiệp methanol được chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Bạch Mai.
Cả 3 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, nhiễm toan chuyển hóa nặng, khi chụp phim cắt lớp não đã có tổn thương hoại tử, chảy máu và phù nề nặng lan tỏa trên não.
Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn methanol trong máu rất cao, lên tới vài trăm ml/dL.
Mặc dù đã được giải độc và cấp cứu theo phác đồ nhưng đã có một bệnh nhân tử vong, một bệnh nhân mặc dù đã điều trị tối đa nhưng tiên lượng xấu và gia đình đã làm thủ tục xin về.
Ngoài ra, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai còn hay tiếp nhận nhiều ca uống rượu quên ăn đến khi nhập viện đường máu bệnh nhân về 0; nguy hiểm đến tính mạng.
Điển hình như một bệnh nhân khác, vốn có tiền sử nghiện rượu, thường xuyên uống rượu mà bỏ bữa không ăn, nên đến khi nhập viện, bệnh nhân đã bị tổn thương não rất nặng nề.
TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống Độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong dịp cuối năm và sau kỳ nghỉ Tết, số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu methanol thường gia tăng.
Điều đáng nói, ngộ độc methanol do uống phải rượu giả khiến người uống không biết và nghĩ rằng bị say rượu.
Thậm chí, biểu hiện khi ngộ độc rượu methanol lại chậm và âm thầm nên phần lớn bệnh nhân đến viện muộn, khi đã bị tổn thương não, mắt.
“Mặc dù được điều trị tích cực, song tỉ lệ tử vong vẫn chiếm 30-50%. Nếu bệnh nhân không tử vong cũng dễ bị di chứng mù mắt, hoặc di chứng ở não, gan...”, TS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.
Các bệnh nhân đến viện thường ở dưới hai diện. Thứ nhất là ngộ độc cấp do một lần uống quá nhiều rượu. Hai là lạm dụng rượu trong thời gian quá dài.
Các lý do vào viện nhẹ nhất là nôn mửa hoặc nặng hơn là lơ mơ, lẫn lộn, kích thích, thậm chí là hôn mê. Những trường hợp trở nặng hơn có thể co giật, phù não. Về tim mạch thì có thể là tụt huyết áp, hạ thân nhiệt, hạ đường máu".
“Methanol là chất rất độc, chỉ cần uống 5 - 15ml có thể gây ngộ độc nặng; từ 15ml trở lên có thể gây mù lòa; từ 30ml trở lên có thể gây tử vong.
Hạn chế rượu bia, uống rượu rõ nguồn gốc, vẫn là những yếu tố then chốt để ngăn chặn ngộ độc rượu”, TS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.
Nghỉ Tết, hơn 9.900 ca khám, cấp cứu nghi do tai nạn giao thông
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 12h ngày 11/2 (tức mùng 2 Tết Giáp Thìn), tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc là 92.742 bệnh nhân.
Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu cho 33.185 bệnh nhân tăng 8,1%; trong đó nhập viện điều trị nội trú 19.269 bệnh nhân, giảm 2,1% so với cùng ngày Tết Quý Mão 2023.
Các cơ sở y tế đã chuyển viện cho 1.851 bệnh nhân, thực hiện 2.210 ca phẫu thuật cấp cứu, trong đó 581 ca phẫu thuật chấn thương sọ não do các nguyên nhân; đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón 2.471 trẻ chào đời và cho xuất viện 10.762 bệnh nhân điều trị khỏi về nhà ăn Tết.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tổng số bệnh nhân đang điều trị sau 3 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn là 109.840 trường hợp, tăng 14.7% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023. Tổng số ca phẫu thuật các loại là 7.291 ca phẫu thuật cấp cứu, tăng 3.3%; trong đó số ca phẫu thuật cấp cứu là 1.908 ca, tăng 11%.
Cũng trong 3 ngày nghỉ Tết, tổng số ca đỡ đẻ, mổ đẻ trên cả nước là 7.680 ca, tăng 9.6%; tổng số bệnh nhân ra viện là 73.092 người, tăng 8.2% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023.
Tổng số khám, cấp cứu nghi do tai nạn giao thông trong ngày là 3.017 trường hợp, giảm 10,7%; trong đó, số lượt nghi tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị nội trú hoặc theo dõi là 1.569 trường hợp; số chuyển tuyến trên điều trị là 341 trường hợp.
Như vậy, tính đến 12 giờ ngày mùng 2 Tết Giáp Thìn, sau 3 ngày nghỉ có tổng cộng 9.920 ca khám, cấp cứu nghi do tai nạn giao thông, giảm 14,4%; số ca khám, cấp cứu nghi do tai nạn giao thông chiếm 6,6% tổng số ca khám, cấp cứu.
Sau 3 ngày nghỉ đã có 453 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, nhiều hơn 129 ca so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023, không có ca tử vong. Có 55 trường hợp cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế, 24 trường hợp phải nhập viện điều tri, theo dõi.
Bộ Y tế cũng cho biết, trên toàn quốc chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra. Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các Viện khu vực, Sở An toàn thực phẩm Tp.Hồ Chí Minh, các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm/Ban Quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương theo dõi, nắm thông tin và xử lý kịp thời trong trường hợp có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Trúc Chi (t/h)