Hà Nội tăng 70.000 học sinh trong năm tới: Vẫn nóng tuyển sinh đầu cấp
Theo VTC News, năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tiếp tục tăng mạnh. Dự kiến số lượng học sinh vào lớp 1 tăng khoảng 7.000, học sinh vào lớp 6 - khoảng 58.000 và vào lớp 10 - khoảng 5.000 em so với năm ngoái.
Nhu cầu về chỗ học và áp lực tuyển sinh năm học 2024 - 2025 của thành phố Hà Nội vì thế sẽ tăng cao. Trong khi đó, hiện tỉ lệ trung bình khoảng 40,7 học sinh/lớp, sĩ số vượt quá quy định.
Theo thống kê sơ bộ của Sở GD&ĐT Hà Nội, trong khoảng 5 năm trở lại đây, số lượng học sinh trong độ tuổi vào các lớp đầu cấp (mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10) trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tục tăng.
Tính đến năm học 2023-2024, quy mô giáo dục mầm non và phổ thông của thành phố Hà Nội là 2,3 triệu học sinh. Thành phố Hà Nội hiện có hơn 2.800 trường học các cấp, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu học tập của học sinh các cấp học. Các trường quá tải sĩ số, lượng học sinh/lớp vượt quá quy định tập trung ở một số quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai.
Để giải quyết bài toán quá tải sĩ số năm học 2024 - 2025, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, sẽ tham mưu lãnh đạo thành phố xây dựng định hướng phát triển hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông và quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội cập nhật vào quy hoạch chung của thành phố Hà Nội đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ chủ động, tích cực phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương tham mưu, đề xuất lãnh đạo thành phố xác định quỹ đất để xây dựng thêm trường học.
Hà Nội cũng dự kiến ưu tiên dành quỹ đất 5% phục vụ công cộng của các xã và tận dụng quỹ đất còn trống chưa khai thác để xây dựng trường học; ưu tiên bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư và khu vực đông dân cư để xây dựng thêm trường học.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội từng đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong công tác tuyển sinh lớp 10 các trường công lập tại các quận và một số địa bàn huyện giáp ranh khu vực nội thành.
Việc này nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của học sinh trong bối cảnh quy mô học sinh trong độ tuổi tuyển sinh trên địa bàn thành phố hằng năm tăng nhanh.
Sở đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép tăng 10% số lớp/trường (từ 45 lớp/trường thành 50 lớp/trường, vượt 5 lớp/trường). Cùng với đó, Sở đề xuất Bộ tăng sĩ số thêm 10% số học sinh/lớp (từ 45 học sinh/lớp thành 50 học sinh/lớp, vượt 5 học sinh/lớp) và cho phép áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà thông tin, hiện nội thành "không còn đất", việc xây trường mới ở ngoại thành cũng cần thời gian.
Trong khi đó, theo Thông tư 18 năm 2018 của Bộ, để đạt chuẩn quốc gia, các trường phải đạt diện tích tối thiểu 6 m2/học sinh (áp dụng với nội thành) và 10 m2/học sinh (ngoại thành). Diện tích khu sân chơi, bãi tập chiếm ít nhất 25% tổng diện tích sử dụng của trường.
Bà Hà kiến nghị Hà Nội được hưởng cơ chế đặc thù, gồm thay đổi tiêu chí đánh giá từ diện tích đất/học sinh sang diện tích sàn/học sinh; các trường trong khu vực nội thành được nâng tầng và xây thêm tầng hầm.
"Việc này để khai thác, sử dụng quỹ đất hiệu quả hơn, đáp ứng số lượng học sinh lớn", bà Hà nói. Theo các quy định hiện nay, trường học ở Hà Nội xây dựng không quá 5 tầng. Trong đó, phòng học chỉ được phép bố trí từ tầng 4 trở xuống.
Nam thanh niên 27 tuổi bị đột quỵ não sau khi tắm
Theo Sức khỏe & Đời sống, vừa qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Tp.Hải Phòng đã can thiệp kịp thời và cứu sống nam thanh niên V.V.L (27 tuổi) bị đột quỵ não sau khi tắm.
Theo đó, bệnh nhân được người nhà đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng thị lực mắt phải 8/10 (bán manh đồng danh), soi đáy mắt và mắt trái bình thường. Kết quả chụp cộng hưởng từ sọ não bệnh nhân cho thấy hình ảnh nhồi máu não mới thùy chẩm bên trái.
Qua khai thác nhanh từ gia đình người bệnh được biết, sau tắm 10 phút ở nhà, nam thanh niên xuất hiện thị lực giảm nhẹ, khuyết tầm nhìn mắt phải, kèm tê bì mặt và nửa người phải.
Trước tình thế khẩn cấp, các bác sĩ của bệnh viện đã sử dụng phương pháp điều trị thuốc tiêu sợi huyết cho người bệnh. Khoảng 1h sau khi tiêm xong thuốc tiêu sợi huyết, tình trạng mắt của nam thanh niên cải thiện 70% biểu hiện bán manh. Sau 3 ngày điều trị, mắt của người bệnh đã phục hồi hoàn toàn.
Theo TS.BS Phùng Đức Lâm, Trưởng Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng: Trường hợp người bệnh V.V.L với tuổi đời còn rất trẻ cùng những triệu chứng bệnh lí không rõ ràng, tuy nhiên may mắn người bệnh đã đến bệnh viện và được phát hiện, can thiệp kịp "giờ vàng" nên tránh được những biến chứng đáng tiếc do đột quỵ gây ra.
Đột quỵ là căn bệnh rất nguy hiểm, có thể gây tử vong hoặc tàn phế suốt đời. Bệnh xảy ra khi mạch máu trong não bị tắc nghẽn hoặc vỡ khiến khả năng cung cấp oxy và dưỡng chất cho các tế bào não bị mất đi. Khi đó các tế bào này sẽ bị tổn thương hoặc chết, dẫn đến các triệu chứng như mất khả năng nói, di chuyển hoặc cảm nhận,…
Cũng theo TS.BS Phùng Đức Lâm, đột quỵ thường gia tăng khi trời lạnh và khi thời tiết thay đổi đột ngột. Khi trời lạnh, catecholamin trong máu tăng khiến mạch máu co lại, từ đó làm tăng áp lực trong lòng mạch dẫn đến tăng huyết áp và tăng nhịp tim. Việc thay đổi nồng độ một số thành phần đông máu như: tăng số lượng tiểu cầu, tăng hồng cầu và tăng độ nhớt của máu… khiến tăng tình trạng đông máu, dễ hình thành cục máu đông hơn và các cục máu đông sẽ bít tắc lòng mạch gây ra đột quỵ não, đột quỵ tim như nhồi máu cơ tim.
Trước đây đột quỵ não thường gặp ở những người trên 60 tuổi, nhưng hiện nay căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa. Các yếu tố làm gia tăng các ca đột quỵ và trẻ hóa như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu...nhưng không được kiểm soát. Bên cạnh đó, hút thuốc, stress nặng cũng là nguyên nhân gây đột quỵ. Do đó, việc kiểm soát tốt các tình trạng này rất quan trọng. Trường hợp có các triệu chứng khởi phát đột quỵ não như: Méo miệng, nói ngọng, tê yếu tay chân, mất thăng bằng, nhìn mờ,… thì khẩn trương đưa người bệnh tới bệnh viện điều trị đột quỵ não, kịp "giờ vàng" để cứu tính mạng.
Để phòng tránh đột quỵ vào trời lạnh, bác sĩ khuyến cáo mọi người cần giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu, cổ trong mùa lạnh. Nên ngủ trong phòng kín gió, luôn giữ đủ ấm cho cơ thể và lưu ý khi thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây sốc nhiệt. Mọi người uống nước ấm, hạn chế ăn đồ lạnh; không tắm muộn cũng như không tắm nước lạnh. Bên cạnh đó, người bệnh cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe, nếu phát hiện huyết áp cao, đái tháo đường,… cần được uống thuốc theo đơn của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc.
Thời tiết từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ ra sao?
Trao đổi với báo Tin Tức về tình hình thời tiết trong những ngày tới, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ giờ đến cuối tháng 1/2024 và Tết Nguyên đán là khoảng thời gian nằm trong chu kỳ của thời kỳ chính Đông, do vậy sẽ xuất hiện không khí lạnh với tần suất nhiều hơn. Đồng thời, vào thời kỳ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2/2024 cũng sẽ xuất hiện các đợt mưa nhỏ lặp lại tại khu vực Bắc Bộ.
Xin ông cho biết diễn biến của đợt không khí lạnh đang ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ hiện nay?
Đợt không khí lạnh vừa qua là đợt không khí lạnh yếu, tăng lệch sang phía Đông và ảnh hưởng tới một số tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dòng xiết gió Tây trên cao hạ thấp nên gây ra các đợt mưa và mưa nhỏ ở khu vực Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa đến Nghệ An.
Do tác động của không khí lạnh yếu nên nhiệt độ tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cũng giảm không nhiều, thấp nhất tại khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ và trung tâm Tp.Hà Nội phổ biến từ 16 – 18 độ C, các khu vực vùng núi nhiệt độ giảm còn 14-16 độ C, một số nơi khác giảm còn dưới 12 độ C.
Tại khu vực Thanh Hóa và Nghệ An không giảm nhiều. Trời chuyển rét tại các khu vực Bắc Bộ. Trong những ngày tới do không khí lạnh suy yếu và lệch ra phía Đông nên từ thời điểm này cho đến những ngày tới, nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.
Với tình hình hiện nay, hiện tượng mưa nhỏ, mưa phùn vẫn diễn ra nhiều. Vậy những ngày tới, hiện tượng này còn tiếp diễn nữa không thưa ông?
Theo nhận định của chúng tôi những ngày qua xuất hiện hiện tượng mưa và mưa nhỏ làm tầm nhìn giảm thấp. Tuy nhiên, với những hiện tượng mưa nhỏ, độ ẩm không mang tính bão hòa vậy thì hiện tượng nồm ẩm như đề cập là ít khả năng xảy ra trong thời gian tới.
Thưa ông thời tiết từ nay đến Tết Nguyên đán tình hình thời tiết có gì khác biệt hay không?
Theo nhận định của chúng tôi trong khoảng thời gian từ ngày 19-21/1 có khả năng xuất hiện một đợt không khí lạnh mới tăng cường xuống các tỉnh ở nước ta. Đợt không khí lạnh này mang tính chất khô nhiều hơn ẩm, do vậy gây mưa nên nhiệt độ cũng sẽ giảm, gây trạng thái trời rét trong những ngày tới.
Từ giờ đến cuối tháng và Tết âm lịch là khoảng thời gian nằm trong chu kỳ của thời kỳ chính Đông, do vậy sẽ xuất hiện những đợt không khí lạnh và tần suất của không khí lạnh trong tháng 1/2024 sẽ xuất hiện nhiều hơn. Đồng thời, vào thời kỳ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2/2024 cũng sẽ xuất hiện các đợt mưa nhỏ lặp lại tại khu vực Bắc Bộ.
Xe máy tông đuôi xe tải khiến 2 người tử vong: Các nạn nhân đều có nồng độ cồn cao
Chiều 13/1, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) - Bộ Công an thông tin về vụ tai nạn làm 2 người tử vong ở thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Theo đại diện Cục CSGT, vào khoảng 3h50 cùng ngày, anh N.V.Đ. (SN 1993) và anh N.V.T. (SN 2001, đều ở Hà Tĩnh) di chuyển trên xe máy mang biển số Hà Tĩnh (chưa rõ người cầm lái) lưu thông trên Quốc lộ 1A theo hướng Bắc vào Nam.
Khi đi đến Km573+53, thuộc phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), xe máy va chạm vào phía sau đuôi ô tô tải mang biển số Lào đang đậu bên đường Quốc lộ 1A do lái xe N.X.S. (SN 1976, ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cầm lái.
Vụ tai nạn khiến 2 người trên xe máy tử vong. Qua xét nghiệm nồng độ cồn trong máu, kết quả cho thấy nạn nhân N.V.Đ. có nồng độ cồn ở mức 213.9mg/dL máu. Trong khi đó, nạn nhân N.V.T. có nồng độ cồn là 206.1mg/dL máu.
Đại diện Cục CSGT cho hay, chỉ số nồng độ cồn trên của 2 nạn nhân ở mức rất cao, gấp gần 3 lần mức xử lý cao nhất quy định tại Nghị định 100.
Trúc Chi (t/h)