Dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1
Theo báo Chính Phủ Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 23/023/TT-BGDĐT quy định về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1.
Theo Thông tư, việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 nhằm mục đích chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, tạo hứng thú, chủ động cho trẻ trong học tập; hình thành một số kĩ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng tiếng Việt, kĩ năng giao tiếp, ứng xử xã hội cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1.
Về 5 nội dung dạy và học tiếng Việt
Dạy và học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 theo các nội dung cụ thể sau: Chuẩn bị tâm thế vào lớp 1; Hình thành các kĩ năng học tập cơ bản; Hình thành và phát triển năng lực nghe, nói; Hình thành và phát triển năng lực đọc; Hình thành và phát triển năng lực viết.
Các nội dung này được sắp xếp theo trình tự khoa học, tương ứng với 20 bài học, thể hiện thông qua các chủ đề, chủ điểm gần gũi và phù hợp với trẻ theo định hướng tiếp cận năng lực và phẩm chất người học.
Cụ thể, chuẩn bị tâm thế vào lớp 1: Trẻ được làm quen với môi trường vật chất ở trường, lớp cấp tiểu học: không gian lớp học, trường học, thư viện, phòng học bộ môn, khu vui chơi, bán trú, công trình phụ trợ; đồ dùng học tập, thiết bị dạy học và phương tiện học tập. Trẻ được tham gia học tập và tham gia các hoạt động giáo dục khác; được rèn nếp sống tự lập, tự phục vụ và sinh hoạt tập thể theo quy định của lớp, trường.
Hình thành các kĩ năng học tập cơ bản gồm: Kĩ năng chuẩn bị, sử dụng, bảo quản và giữ gìn đồ dùng học tập, xác định được các vị trí trên bảng con, bảng lớn trong không gian lớp học, trường học. Kĩ năng sử dụng các kí hiệu, quy ước được sử dụng trong học tập, vui chơi và trong các hoạt động tập thể khác.
Hình thành và phát triển năng lực nghe, nói: Biết cách sử dụng tiếng Việt trong những nghi thức giao tiếp cơ bản: cảm ơn, xin lỗi, hỏi và trả lời những câu hỏi đơn giản. Nghe - nói trong những tình huống làm quen ban đầu và giao tiếp bằng tiếng Việt phù hợp với lứa tuổi.
Hình thành và phát triển năng lực đọc: Rèn kĩ thuật sử dụng sách, kĩ thuật đọc đúng: cầm sách, mở sách, lật sách; giữ khoảng cách giữa mắt với sách; nhận biết bìa sách và trang sách, chữ và hình ảnh minh họa trong sách. Củng cố việc nhận dạng và đọc được chữ cái đơn (một âm ghi bằng một chữ) là chữ in thường, các chữ số từ 1 đến 9.
Hình thành và phát triển năng lực viết: Biết ngồi viết đúng tư thế, biết cách cầm bút chì bằng ba đầu ngón tay, biết cách tô chữ và chữ số trên vở ô li. Tô được các tổ hợp nét cơ bản: nét ngang, nét thẳng, nét xiên trái, nét xiên phải; thực hiện các hoạt động tô chữ, tô từ và tô chữ số từ 1 đến 9.
Thời gian học tối đa 1 tháng
Thông tư nêu rõ, thời lượng thực hiện không quá 80 tiết học (mỗi tiết 35 phút), tối đa là 01 tháng; thời gian thực hiện trong hè, trước khi trẻ học chương trình lớp 1. Các địa phương, nhà trường tùy tình hình thực tế để bố trí thời gian, thời lượng cho phù hợp, hiệu quả.
Tùy vào điều kiện về lớp học, giáo viên, đối tượng trẻ và điều kiện sống ở từng địa phương, Hiệu trưởng và bộ phận chuyên môn lập kế hoạch chi tiết về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phù hợp, hiệu quả.
Giáo viên tham gia dạy học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 được hưởng chế độ theo quy định.
Trẻ tham gia học tiếng Việt trước khi vào lớp 1 được hưởng các chính sách dành cho học sinh vùng dân tộc thiểu số tại các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 23/01/2024.
Đã có 3 người tử vong trong vụ sập mái công trình đang thi công ở Thái Bình
Theo báo Lao Động, sáng 13/12, UBND huyện Thái Thụy, Thái Bình có báo cáo tiếp theo liên quan vụ việc tai nạn lao động buổi chiều ngày 12/12 tại tổ dân phố Bao Trình, thị trấn Diêm Điền.
Theo đó, đến 21h ngày 12/12, việc cứu hộ cứu nạn đã hoàn thành, cơ quan chức năng ghi nhận 3 nạn nhân tử vong, 5 người bị thương phải cấp cứu tại bệnh viện.
Danh tính 3 người tử vong gồm: Ông Đào Văn N. sinh năm 1960, trú tại xã Thụy Sơn, huyện Thái Thụy chết tại hiện trường; bà Nguyễn Thị C. sinh năm 1981, trú tại xã Thụy Bình, huyện Thái Thụy chết trên đường đi cấp cứu tại bệnh viện; ông Vũ Đình T. sinh năm 1974, trú tại xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy chết tại hiện trường.
Diễn biến vụ việc như sau: Ông Nguyễn Văn Đoàn sinh năm 1985, trú tại tổ dân phố số 8, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình thuê đất của ông Trần Xuân Sơn và bà Đỗ Thị Lan Phượng để xây dựng nhà kết cấu khung thép thuộc khu Đồng Miễu, tổ dân phố Bao Trình, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy.
Sau đó, ông Đoàn hợp đồng thuê ông Đinh Văn Du, sinh năm 1987, trú tại xã Hồng Dũng, huyện Thái Thụy và ông Trần Thanh Trường sinh năm 1987, trú tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy thầu thi công xây dựng công trình.
Ông Đinh Văn Du thuê nhóm thợ xây gồm 13 người do ông Trịnh Ngọc Quang, sinh năm 1987, trú tại xã Thụy Bình, huyện Thái Thụy làm tổ trưởng tổ thợ thi công.
Khoảng 15h00 ngày 12/12, nhóm công nhân gồm: Trịnh Ngọc Quang, Trịnh Văn Lý, Trịnh Văn Long, Nguyễn Thị Ca, Phan Thị Luyên, Lê Văn Nam, Nguyễn Quang Phục, Nguyễn Văn Công đều trú tại xã Thụy Bình, huyện Thái Thụy; Đào Văn Chinh, Đào Văn Trường, Đào Văn Nhất đều trú tại xã Thụy Sơn; Nguyễn Đức Ngọ và Vũ Đình Thụy (tên thường gọi là Đoàn) đều trú tại xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy, trong quá trình thi công đổ bêtông mái tầng 1 nhà ông Đoàn thì bị sập mái.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo UBND huyện Thái Thụy đã kịp thời chỉ đạo Công an huyện Thái Thụy, Đội Cảnh sát PCCC&CHCN khu vực Thái Thụy, các ban, ngành có liên quan và cấp ủy, chính quyền thị trấn Diêm Điền có mặt ngay tại hiện trường tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Đồng thời, UBND huyện Thái Thụy báo cáo UBND tỉnh Thái Bình. Ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Bình, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát PCCC & CHCN Công an tỉnh Thái Bình và các sở, ban, ngành của tỉnh đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo, hỗ trợ lực lượng, cùng với lực lượng của huyện để tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Đến 21h cùng ngày, công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ đã hoàn thành. Kết quả, các lực lượng đã đưa được 8 người ra khỏi hiện trường, trong đó 5 người bị thương cấp cứu tại bệnh viện, 3 người tử vong như đã nêu ở trên.
Ngay trong buổi chiều ngày 12/12, ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Bình cùng lãnh đạo UBND huyện Thái Thụy, Hội Chữ thập đỏ huyện đã đến thăm hỏi, động viên những người bị thương cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thái Thụy.
Công an huyện Thái Thụy đã báo cáo Công an tỉnh Thái Bình tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đắk Lắk ghi nhận hai trường hợp bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, trong tuần qua, địa phương ghi nhận hai trường hợp bệnh nhi mắc bệnh viêm não Nhật Bản, nâng tổng số ca bệnh lên 7 trường hợp tính từ đầu năm tới nay.
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhi A.B.M (nam, sinh năm 2015, tại xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắk). Theo người nhà bệnh nhi, tối 16/11, trẻ xuất hiện các triệu chứng sốt, ho khan. Ngày hôm sau, trẻ nôn ói, sốt cao liên tục, người nhà đưa đi khám và uống thuốc nhưng không đỡ.
Tối 18/11, trẻ đi khám và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Krông Pắk. Sau đó, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Bệnh nhi nhập Khoa Hồi sức cấp cứu Nhi-Sơ sinh với chẩn đoán nhiễm trùng huyết, theo dõi viêm não-màng não, sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 3.
Đến ngày 8/12, bệnh nhi được các bác sỹ chẩn đoán suy hô hấp độ IV, nhiễm trùng huyết, viêm não - màng não, phù não, xuất huyết tiêu hóa...
Trường hợp thứ hai là bệnh nhi L.T.T (nữ, sinh năm 2020, tại xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông). Ngày 4/12, trẻ khởi phát bệnh với triệu chứng sốt, ho, nôn ói khoảng 3 lần/ngày, ở nhà chưa điều trị.
Ngày 6/12, người nhà đưa trẻ đi khám và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Krông Bông trong tình trạng lơ mơ, sốt cao, co giật, cổ gượng… với chẩn đoán theo dõi viêm màng não. Sau đó, trẻ được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp tục điều trị.
Tại Khoa Hồi sức cấp cứu Nhi - Sơ sinh, bệnh nhi được chẩn đoán theo dõi viêm não - màng não, nhiễm trùng huyết. Ngày 12/12, bệnh nhi được chẩn đoán viêm não Nhật bản, nhiễm trùng huyết. Kết quả xét nghiệm do Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên kết luận bệnh nhi dương tính với bệnh viêm não Nhật Bản.
Cả hai trường hợp đều chưa tiêm vắcxin phòng bệnh viêm não Nhật Bản, trong đó bé gái 5 tuổi chưa được tiêm vắcxin, bé trai 4 tháng tuổi chưa đến độ tuổi tiêm phòng vắcxin phòng bệnh viêm não Nhật Bản.
Theo TTXVN, ngay khi ghi nhận các trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh điều tra ca bệnh và thông báo thông tin trường hợp bệnh cho Trung tâm Y tế hai huyện Krông Pắk, Krông Bông; đồng thời, phối hợp triển khai biện pháp điều tra véc tơ truyền bệnh viêm não Nhật Bản, xử lý môi trường xung quanh nhà bệnh nhân, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành.
Quá trình điều tra, lực lượng chức năng ghi nhận, tại khu vực nơi hai bệnh nhi sinh sống có sự hiện diện của muỗi Culex là véc tơ truyền bệnh viêm não Nhật Bản B tại cộng đồng. Đến tháng 11/2023, các khu vực đều chưa đạt tỉ lệ tiêm chủng vắc-xin viêm não Nhật Bản B.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh kiến nghị, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở Y tế trong toàn ngành tăng cường giám sát, theo dõi, phát hiện trường hợp nghi ngờ bệnh viêm não Nhật Bản; đồng thời, tăng cường truyền thông cho người dân biện pháp chủ động phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản B. Trung tâm Y tế huyện Krông Pắc, Krông Bông tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh tại địa bàn.
Trước đó, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk ban hành các công văn về việc tăng cường biện pháp phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản B; đẩy mạnh truyền thông phòng, chống bệnh viêm não virus và viêm não Nhật Bản trên địa bàn tỉnh.
Trúc Chi (t/h)