Thông tin mới nhất vụ sập hầm đường tàu hỏa, huy động ô tô vận chuyển hơn 3.000 người
Theo Tiền Phong chiều 13/4, lãnh đạo Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh cho biết: Hiện đơn vị này đã huy động khoảng 200 công nhân và nhiều phương tiện để thông hầm đường sắt khu vực Bãi Gió, thuộc địa phận xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Các tàu chưa thể di chuyển qua khu vực này, nên đơn vị phải dùng ô tô để chuyển tải hành khách từ ga Tuy Hòa (Phú Yên) vào ga Vạn Giã (Khánh Hòa).
Trước đó, chiều 12/4, nhiều khối đất đá ở trần hầm đường sắt Đèo Cả đang cải tạo bị sạt lở kéo dài. Đất đá tràn xuống đường ray khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam qua tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên bị chia cắt. Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh đã huy động nhiều nhân lực để khắc phục được vị trí sạt lở và dọn dẹp đất đá.
Nhưng khoảng 4h sáng 13/4, đất đá phía trần hầm Bãi Gió tiếp tục sụt xuống, các dàn sắt, khu gia cố đổ sập. Đoạn trần bên cạnh tiếp tục xuất hiện thêm vết nứt, có nguy cơ đất đá sẽ đổ xuống. Vì thế, đơn vị thi công đang tích cực xử lý nên việc thông hầm để các tàu đi qua phải chờ.
Sự cố sập hầm đường sắt trên khiến việc di chuyển các tàu khách không thể qua khu vực Bãi Gió, vì thế ngành đường sắt phải dùng ô tô để đưa khách qua khỏi điểm sạt lở. Đêm 12/4, ngành đường sắt dùng ô tô chuyển tài hơn 1.700 khách giữa hai ga Tuy Hòa và Vạn Giã.
Thống kê đến sáng 13/4, có 12 đoàn tàu khách trên tuyến đường sắt Bắc - Nam phải chuyển tải hơn 3.000 hành khách bằng ô tô do sự cố sạt lở hầm Bãi Gió. Ngoài ra, ngành đường sắt còn tổ chức phát suất ăn miễn phí cho hàng trăm hành khách, cử nhân viên hỗ trợ hành khách mang vác hành lý lên xe trung chuyển.
Văn phòng Quản lý đường bộ III.3 (thuộc Bộ Giao thông và Vận tải) cho biết, vị trí sạt lở trong hầm đường sắt Bãi Gió nằm dưới làn đường Quốc lộ 1A. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, đơn vị đã cử cán bộ đến hiện trường phối hợp với cảnh sát giao thông hai tỉnh Khánh Hòa - Phú Yên điều tiết, hạn chế phương tiện đi qua khu vực sạt, lở tránh gây áp lực xuống khu vực đường hầm sắt gặp sự cố.
Vì sao gia tăng ca mắc và tử vong do bệnh dại ở Đắk Lắk?
Thông tin trên báo Sức khỏe & Đời sống đã nhiều ngày trôi qua nhưng người thân anh V.V.T. (sinh năm 1971, thường trú xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) vẫn còn rất đau buồn vì sự ra đi của anh T. bởi bệnh dại. Cụ thể, trước đó, anh T. có các dấu hiệu của bệnh dại như sốt, đau đầu kéo dài, chóng mặt, mệt mỏi, lo lắng, sợ nước, sợ gió nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để thăm khám. Kết quả, anh T. được chẩn đoán theo dõi bệnh dại lên cơn, sau đó bệnh ngày càng tiến triển nặng và anh T. tử vong. Theo người nhà bệnh nhân T., nhiều ngày trước khi khởi phát bệnh dại, anh T. bị chó cắn vào tay nhưng chủ quan không đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại.
Một số bệnh nhân khác trên địa bàn Đắk Lắk đã tử vong vì bệnh dại cũng giống như anh T., các nạn nhân đều chủ quan không tiêm phòng sau khi bị chó cắn.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã có 4 người tử vong vì bệnh dại (huyện Krông Pắc 3 người, huyện Krông Buk 1 người). Nguy cơ mắc bệnh dại còn tiếp tục xảy ra trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Trong chỉ thị về phòng, chống bệnh dại của UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến gia tăng bệnh dại như, một số địa phương ở Đắk Lắk chưa quản lý được đàn chó, mèo (chưa thống kê chính xác số lượng đàn chó, mèo, chó thả rông còn phổ biến…).
Công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo chưa đạt hiệu quả cao, việc thông tin, tuyên truyền về bệnh dại chưa thường xuyên, liên tục. Chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, hệ thống thú y cơ sở còn thiếu.
Nhận thức của một bộ phận người dân về mức độ nguy hiểm và các quy định về phòng, chống bệnh dại còn hạn chế…
Theo đó, nhằm ngăn chặn nguy cơ gia tăng số người mắc và tử vong do bệnh dại, UBND tỉnh Đắk Lắk vừa gửi công điện đến nhiều sở, ngành, các địa phương trên địa bàn cần cấp bách thực hiện biện pháp phòng, chống.
Cụ thể, Sở NN&PTNN Đắk Lắk phối hợp ngay với các địa phương, đơn vị liên quan trên địa bàn tuyên truyền lưu động đến tận xã, phường, thị trấn về quản lý chó, mèo và các loại động vật khác có nguy cơ gây bệnh dại.
Giám sát, xử lý ổ dịch bệnh dại (nếu xảy ra). Đồng thời, đánh giá nguy cơ và triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật…
Có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm, khắc phục triệt để tình trạng chó, mèo thả rông, không được quản lý và cắn người ở nơi công cộng.
Đôn đốc các địa phương có tỉ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo đạt thấp và nơi có nhiều người chết vì bệnh dại ở Đắk Lắk nhanh chóng nâng cao tỉ lệ tiêm phòng.
Sở Y tế Đắk Lắk, chỉ đạo ngay các đơn vị có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tiêm phòng vắc-xin dại và huyết thanh kháng dại cho người.
Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức xây dựng và triển khai truyền thông học đường về phòng, chống bệnh dại.
Các xã, phường ở Đắk Lắk phải yêu cầu các chủ hộ nuôi chó, mèo và động vật khác có nguy cơ gây bệnh dại cam kết thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về nuôi, nhốt, quản lý, nhất là việc khai báo, tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh dại.
Người dân không được thả rông chó, mèo. Khi đưa chó, mèo ra nơi công cộng, khu dân cư, chung cư phải quản lý và thực hiện đầy đủ các biện pháp để bảo đảm an toàn cho người xung quanh (chó phải được đeo rọ mõm, có dây xích và người dắt) và bảo đảm vệ sinh môi trường.
Theo khuyến cáo của ngành y tế, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật như chó, mèo sang người qua vết cắn, vết cào.
Vậy nên, người dân không may bị chó cắn, mèo cào cần rửa sạch vết thương, sau đó đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm phòng. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ nên tập cho trẻ thói quen khai báo sớm với người thân, gia đình, nếu bị chó cắn, mèo cào để người lớn xử lý kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.
Các triệu chứng ban đầu dễ nhận thấy khi mắc bệnh dại là mệt mỏi, nhức đầu, sốt, cảm giác sợ hãi. Giai đoạn nặng hơn là sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió.
Hiện trường ôtô khách va chạm với xe máy, 2 tử vong ở Tuyên Quang
Theo Tri thức và cuộc sống, ngày 13/4, Phòng CSGT Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa ô tô khách và xe máy khiến 2 người tử vong tại chỗ.
Trước đó, khoảng 23h20 ngày 12/4, Trần Văn T. (SN 1970, trú tại xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) điều khiển ô tô khách biển số 23E-000.95 đi theo hướng Hà Giang - Tuyên Quang. Khi đến Km186+550 QL2, thuộc thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên đã va chạm với xe máy biển sổ 22Y1-323.02 đi chiều ngược lại.
Vụ va chạm khiến tài xế xe máy là L.V.H. (SN 2001, trú tại xã Yên Phú, huyện Hàm Yên) và người ngồi sau là N.V.H. (SN 2006, cùng địa phương) tử vong tại chỗ. Tại hiện trường, tô tô khách và xe máy hư hỏng nặng.
Ngay sau vụ tai nạn, trạm CSGT Hàm Yên có mặt phân luồng, phối hợp Công an huyện Hàm Yên điều tra nguyên nhân vụ ô tô khách va chạm với xe máy khiến 2 tử vong.
Trúc Chi (t/h)