Bản tin 15/2: Dự kiến chi 140 tỷ đồng đổi mới giáo dục mầm non

Thứ 7, 15/02/2025 06:00

Dự kiến chi 140 tỷ đồng đổi mới giáo dục mầm non; "Mỏ vàng" du lịch tâm linh...

Dự kiến chi 140 tỷ đồng đổi mới giáo dục mầm non

Bản tin 15/2: Dự kiến chi 140 tỷ đồng đổi mới giáo dục mầm non- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dư luận về dự thảo tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục mầm non.

Theo đó, mục tiêu là đổi mới chương trình giáo dục mầm non theo tiếp cận năng lực nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045; phát triển toàn diện trẻ em mầm non về thể chất, tình cảm, trí tuệ, ngôn ngữ và thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em sẵn sàng vào học lớp một, đặt nền móng cho việc hình thành phát triển các giá trị cốt lõi của con người Việt Nam.

Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất 4 nội dung đổi mới gồm: Tiếp cận năng lực dựa trên tình cảm - xã hội; Tiếp cận dựa trên quyền, đảm bảo chất lượng, công bằng, hoà nhập, bình đẳng và tôn trọng sự khác biệt của trẻ; Trao quyền cho cơ sở giáo dục và giáo viên trong phát triển chương trình giáo dục; Quy định về tổ chức chế độ sinh hoạt cho trẻ bảo đảm phù hợp với sự phát triển của trẻ em mầm non và chế độ làm việc của đội ngũ theo quy định của Luật Lao động.

Bên cạnh những điểm mới, chương trình mới cũng kế thừa các nội dung của chương trình hiện hành, gồm: trẻ em là trung tâm của quá trình giáo dục, chủ thể trong hoạt động và giao tiếp; bổ sung nội dung và phương pháp giáo dục tiên tiến, cá nhân hóa quá trình giáo dục; mở rộng cơ hội tham gia và trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non.

Lộ trình thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới được chia làm hai giai đoạn.

Từ năm 2025 đến năm 2028 tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non thực hiện thí điểm chương trình; triển khai thí điểm chương trình mới ở một số cơ sở giáo dục mầm non trong 3 năm học, từ năm học 2025-2026 đến năm học 2027-2028; đánh giá độc lập quá trình thực hiện thí điểm.

Năm 2029 đến năm 2030 thẩm định, ban hành Chương trình giáo dục mầm non mới; hướng dẫn thực hiện và triển khai đại trà trên phạm vi toàn quốc từ năm học 2029-2030.

Dự thảo tờ trình đề xuất tổng mức kinh phí để đổi mới chương trình giáo dục mầm non là 140 tỷ đồng. 

Theo Vietnam+, thời gian dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua đối với dự thảo nghị quyết vào kỳ họp tháng 10/2025 của Quốc hội khóa XV và thông qua theo quy trình một kỳ họp.

Chính phủ trình Quốc hội loạt cơ chế đặc thù xây dựng điện hạt nhân

Sáng 14/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội Tờ trình về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, đây là dự án đặc biệt quan trọng, có công nghệ phức tạp, chỉ một số ít quốc gia sở hữu; nhu cầu vốn đầu tư rất lớn và lần đầu tiên được đầu tư xây dựng tại nước ta nên rất cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện.

Hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận dự kiến được đưa vào vận hành trong năm 2030. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ cho rằng cần có các cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án này, trước mắt để triển khai song song các giai đoạn trong chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án.

Theo đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép triển khai đồng thời việc đàm phán với các đối tác đã thực hiện để ký Hiệp định liên Chính phủ, thỏa thuận hợp tác xây nhà máy điện hạt nhân và Hiệp định liên Chính phủ về khoản tín dụng xuất khẩu Nhà nước tài trợ xây nhà máy này. Quá trình này thực hiện song song với phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án đầu tư...

xem thêm!

"Mỏ vàng" du lịch tâm linh

Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, các điểm du lịch tâm linh trên cả nước trở nên nhộn nhịp khi hàng vạn du khách đổ về chiêm bái, cầu mong một năm mới bình an, may mắn.

Những ngôi chùa linh thiêng, đền thờ cổ kính và các khu di tích mang đậm tín ngưỡng dân gian như: Đền Hùng (Phú Thọ), Chùa Hương (Hà Nội), đền Trần (Nam Định), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Yên Tử (Quảng Ninh), Bái Đính (Ninh Bình), chùa Tam Chúc (Hà Nam)... đều trong tình trạng đông kín người ngay từ những ngày đầu năm.

Không chỉ là dịp để hành hương, dâng hương cầu phúc, du xuân, còn là cơ hội để mọi người tìm hiểu các giá trị văn hóa, lịch sử và tận hưởng không khí lễ hội đầu xuân.

xem thêm!

Trúc Chi (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.