Vụ tai nạn thảm khốc làm 8 người tử vong tại Quảng Nam: Xe khách chạy quá tốc độ
Ngày 14/2, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký ban hành văn bản số 733/UV-KTN về việc khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào khoảng 4h ngày 14/2 tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, khiến 8 người tử vong, 13 người bị thương.
Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam chỉ đạo, huy động nhân lực, thiết bị và bố trí các điều kiện tốt nhất về y tế để tập trung điều trị cứu chữa các nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn.
Công an tỉnh khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm gây ra vụ tai nạn; chỉ đạo lực lượng chức năng, Công an các địa phương thường xuyên tuần tra, siết chặt kiểm soát và xử lý nghiêm đối với hành vi chở quá số người quy định, xe quá tải, quá khổ, các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi lưu thông, kể cả xử lý trách nhiệm của chủ phương tiện, doanh nghiệp vận tải khi để xảy ra vi phạm, không để xảy ra các sự việc tương tự.
Sau vụ tai nạn xảy ra, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị các cơ quan chức năng tập trung điều tra, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị chức năng, cá nhân có liên quan để xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Theo báo Vietnamnet, tại buổi làm việc, đại diện Công an huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho biết, lúc 4h sáng nhận tin báo, Công an huyện đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, phối hợp đưa nạn nhân đi cấp cứu, bảo vệ và tổ chức khám nghiệm hiện trường. Lúc này, 6 nạn nhân bị văng ra khỏi xe, 4 tử vong tại chỗ, 2 mắc kẹt trong cabin và cảnh sát cứu hộ đến phá cửa đưa ra ngoài.
Theo Thượng tá Phan Kim Trứ, Phó Trưởng Công an huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, đơn vị đã khám xong hiện trường và đang tập trung điều tra nguyên nhân vụ tai nạn. Khu vực xảy ra tai nạn là ngã tư giao nhau có đèn tín hiệu giao thông. Lúc xảy ra tai nạn, đèn tín hiệu nhấp nháy, trời sương mù, tầm nhìn hạn chế.
Đoạn đường vừa xảy ra tai nạn chưa được bàn giao đưa vào khai thác. Tuy nhiên, do phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Núi Thành rất đông nên từ năm 2020, sau khi thông xe kỹ thuật, nhiều xe cộ lưu thông qua đoạn đường này.
Chia sẻ với báo chí, Trung tá Phan Thanh Tân, Đội Trưởng Đội Cảnh sát Giao thông, Công an huyện Núi Thành khẳng định, Công huyện đã tham mưu tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát khu vực này: “Hiện nay, tuyến đường này chưa bàn giao nên chưa đưa vào sử dụng khai thác. Công an huyện Núi Thành cũng nhiều lần kiến nghị, vì hệ thống biển báo, tín hiệu giao thông trên tuyến này thiếu rất nhiều. Đầu đường phía trong khu vực xảy ra tai nạn có biển cảnh báo hạn chế tốc độ 60km/h".
Đường có bảng cảnh báo hạn chế tốc độ 60km/h nhưng vào thời điểm trước và lúc xảy ra tai nạn, xe ô tô khách vi phạm tốc độ. Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia thông tin, trên cơ sở dữ liệu của Cục đường bộ Việt Nam cung cấp, vài giây trước khi xảy ra tai nạn, xe khách 76B-006.60 chạy với tốc độ 73km/h và lúc xảy ra va chạm, xe này chạy với tốc độ 69km/h.
Đây là vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, gây thương vong lớn. Nhiều hoàn cảnh gia đình khó khăn, nạn nhân là trụ cột của gia đình. Nạn nhân tử vong cao tuổi nhất đã hơn 86 tuổi. Ông Khuất Việt Hùng đề nghị tỉnh Quảng Nam, các cơ quan chức năng, cơ quan điều tra tập trung làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân liên quan, kể cả các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư dự án, quản lý quá trình khai thác kết cấu hạ tầng, đơn vị kinh doanh vận tải…
Miền Bắc chuẩn bị đón nồm ẩm trở lại
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết khu vực phía Đông Bắc Bộ. Ngày và đêm nay, không khí lạnh này tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc và Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 3, vùng ven biển cấp 3-4, có nơi giật cấp 6.
Dự báo đợt rét ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung sẽ kéo dài đến khoảng 18/2. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến 14-17 độ, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 10-13 độ, vùng núi cao có nơi dưới 8 độ. Khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế phổ biến 16-19 độ. Từ khoảng 19/2, nền nhiệt tăng dần, trời chỉ còn rét về đêm và sáng.
Cơ quan khí tượng dự báo, từ ngày 19/2, khối không khí lạnh đang chi phối thời tiết nước ta có xu thế lệch đông, mang theo hơi ẩm từ biển vào. Miền Bắc sẽ có nhiều ngày nồm ẩm, mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù do có đợt không khí lạnh ẩm mới.
Xu thế nhiệt độ trung bình của tháng 2, trong thời kỳ dự báo nhiệt độ trung bình trên hầu khắp cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Trong thời kỳ dự báo, không khí lạnh hoạt động tích cực hơn trung bình nhiều năm, tuy nhiên xu hướng lệch ra phía Đông nên các tỉnh phía đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù tập trung về đêm và sáng, tình trạng nồm ẩm gây trơn trượt, giảm tầm nhìn xa, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường nhật và các hoạt động lưu thông của người dân.
Cụ thể thời tiết từng khu vực như sau: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ: từ 18-22/2 có mưa, mưa nhỏ rải rác. Trời rét; từ ngày 19/2 đêm và sáng trời rét. Trung Trung Bộ: từ đêm 14-17/2 có mưa, mưa rào và có nơi có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to; từ ngày 18-21/02 có mưa rải rác. Phía Bắc trời rét, từ ngày 19/2 trời lạnh.
Kiến nghị xem xét lại hoạt động của hội cha mẹ học sinh
Thông tin trên Zing, theo ý kiến đóng góp của cử tri Hà Nội gửi đến Bộ GD&ĐT, gần đây, dư luận bức xúc vì một số khoản thu không đúng quy định của hội cha mẹ học sinh. Cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét lại hoạt động của hội này.
Trả lời kiến nghị bằng văn bản, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết ban đại diện cha mẹ học sinh được quy định tại Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh ban hành kèm theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT.
Trong đó, ban đại diện cha mẹ học sinh có trách nhiệm phối hợp với nhà trường trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, học sinh.
Về kinh phí hoạt động, ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp các khoản không tự nguyện và các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Các khoản không được thu bao gồm:
Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh;
Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường;
Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường;
Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường;
Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục;
Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT nhận định hiện nay vẫn còn có tình trạng một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện đúng quy định, vẫn còn lạm thu quỹ phụ huynh học sinh hoặc huy động tài trợ không đúng quy định tại Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT, gây bức xúc cho phụ huynh học sinh.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục làm tốt công tác phối hợp giữa gia đình với nhà trường trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục. Tăng cường truyền thông để phụ huynh học sinh và xã hội hiểu đúng về các quy định tại Thông tư số 55, đặc biệt là các khoản thu không đúng quy định.
Đồng thời, bộ tiếp tục hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức xã hội hóa, ủng hộ tài trợ cho nhà trường theo đúng quy định tại Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT.
Trúc Chi (t/h)