Đề xuất hỗ trợ học phí năm học 2024-2025
Theo tờ trình về chủ trương tiếp tục thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ học phí theo Nghị quyết số 36/2023 của HĐND Tp.HCM trong năm học 2024-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Tp.HCM cho biết, sau khi lắng nghe ý kiến phản hồi của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn Tp.HCM và xem xét kỹ các tác động của việc điều chỉnh giảm mức học phí trên nhiều phương diện, Sở nhận định có cả tác động tích cực và tiêu cực.
Về tác động tích cực, cha mẹ học sinh, người học không còn phải chịu ảnh hưởng gánh nặng về việc tăng học phí trong trường hợp ngân sách thành phố không còn hỗ trợ. Tuy nhiên, cũng có tác động tiêu cực là nguồn thu của các cơ sở giáo dục giảm dẫn tới mức tự chủ tài chính giảm, đồng nghĩa mức đầu tư giáo dục trên 1 học sinh giảm, các đơn vị gặp khó khăn trong việc nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục cũng như thu nhập của người lao động.
Xuất phát từ các nguyên nhân và nhận định đã nêu, trên cơ sở tiếp tục kế thừa và phát huy chính sách đặc thù hỗ trợ học phí đã nhận được phản ứng tích cực từ dư luận xã hội trong năm học 2023-2024, xét điều kiện kinh tế - xã hội Tp.HCM và sự cần thiết nhằm bảo đảm ổn định nguồn lực tài chính của các cơ sở giáo dục cũng như giữ bình ổn mức đầu tư trên học sinh, Sở GD&ĐT báo cáo, đề xuất Thường trực UBND Tp.HCM chấp thuận chủ trương được tiếp tục thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ học phí theo Nghị quyết số 36/2023 của HĐND Tp.HCM đối với năm học 2024-2025.
Cụ thể, dự toán kinh phí thực hiện chính sách là 1.893 tỷ đồng. Trong đó, công lập là 1.575 tỷ đồng, THCS là 1.057 tỷ đồng. Ngoài công lập 318 tỷ đồng, THCS là 65 tỷ đồng.
Cụ thể trước đó, tháng 5/2024, Sở GD&ĐT đã đề xuất tham mưu UBND Tp.HCM chấp thuận chủ trương xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ học phí năm học 2024-2025, trong đó đối tượng được áp dụng thu hẹp là học sinh THCS công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên THCS trên địa bàn Tp.HCM, không bao gồm các học sinh đang học tại cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, theo cổng thông tin điện tử Chính Phủ.
Theo đó, hỗ trợ 100% mức học phí áp dụng theo Nghị quyết của HĐND Tp.HCM đối với cấp THCS năm học 2024-2025, mức dự kiến 100.000 đồng/học sinh/tháng đối với nhóm 1 và 85.000 đồng/học sinh/tháng đối với nhóm 2. Dự toán kinh phí thực hiện chính sách là 421 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí thực hiện miễn học phí cho học sinh công lập là 399 tỷ đồng, ngoài công lập là 22 tỷ đồng.
Hiện trường va chạm kinh hoàng giữa xe tải và xe đầu kéo
Theo thông tin ban đầu trên Người Lao Động, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 10h ngày 15/6 trên Quốc lộ 1, đoạn đường tránh TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
Thời điểm trên, xe tải BKS: 62-043… đang di chuyển theo hướng Bắc – Nam qua đường tránh TP Đồng Hới thì bất ngờ va chạm mạnh với xe đầu kéo BKS: 73R-006… di chuyển chiều ngược lại. Cú va chạm mạnh khiến phần đầu của xe tải bị biến dạng hoàn toàn, tài xế bị mắc kẹt trong cabin và tử vong ngay sau đó.
Tại hiện trường, xe tải bị biến dạng phần đầu, phía ghế ngồi của tài xế lõm vào sâu. Phần sau của xe vẫn còn nguyên trạng. Còn với xe đầu kéo thì phía cabin bên trái hư hỏng nặng.
Lực lượng cứu hộ và CSGT đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để xử lý vụ việc và điều tiết giao thông.
Vụ tai nạn đã gây ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến đường này trong nhiều giờ đồng hồ.
Hiện cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đang tiến hành điều tra nguyên nhân cụ thể của vụ tai nạn để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.
Hà Nội có ca viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm 2024
Theo báo Hà Nội Mới chiều 15/6, theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận ca mắc viêm não Nhật Bản là bé trai 12 tuổi ở huyện Phúc Thọ.
Khai thác tiền sử bệnh được biết bệnh nhi khởi phát bệnh với các triệu chứng sốt cao, đau đầu. Một ngày sau đó, bệnh nhi xuất hiện thêm biểu hiện bị cứng gáy, đi lại loạng choạng và được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi trung ương.
Tại đây, kết quả xét nghiệm Mac-Elisa dịch não tủy của bệnh nhi cho thấy dương tính với vi rút viêm não Nhật Bản. Đây cũng là ca bệnh đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản trên địa bàn thành phố Hà Nội trong năm nay.
Bệnh nhi này có tiền sử đã tiêm 4 mũi vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản (mũi cuối cùng vào ngày 15/6/2019).
Theo Bệnh viện Nhi trung ương, viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua muỗi đốt. Bệnh thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, có tỉ lệ tử vong và di chứng cao (25-35%) như: Rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh, nằm liệt giường… ở một nửa số người sống sót.
Trong 1-2 ngày đầu mắc viêm não Nhật Bản, trẻ thường có các dấu hiệu như sốt, đau đầu tăng dần, mệt mỏi, buồn nôn và nôn khan. Khi trẻ bị sốt, phụ huynh thường nghĩ đến sốt vi rút và mua thuốc hạ sốt cho con uống. Nếu bị sốt vi rút thông thường thì sau khi uống thuốc sẽ hạ được sốt, trẻ sẽ trở lại trạng thái bình thường. Thế nhưng, khi trẻ bị nôn khan kèm theo sốt, đau đầu tăng dần thì có thể là triệu chứng của viêm não.
Để chủ động phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân cần thực hiện tiêm chủng với 3 liều cơ bản, gồm: Mũi 1 tiêm càng sớm càng tốt ngay sau 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1-2 tuần; mũi 3 sau mũi 2 là 1 năm. Sau đó, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Bên cạnh đó, xây dựng chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy và tiêu diệt muỗi. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu. Mặt khác, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc, đề phòng muỗi đốt và khi ngủ phải mắc màn, đồng thời thường xuyên sử dụng các biện pháp thông thường để xua, diệt muỗi.
Đặc biệt, khi trẻ có các triệu chứng sốt, ngủ nhiều, li bì, đau đầu, nôn khan, phụ huynh cần nghĩ ngay đến nguy cơ mắc viêm não và đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế.
Trúc Chi (t/h)