Loại ung thư khiến 23.000 người Việt tử vong mỗi năm
Theo Vietnamnet, ung thư phổi đứng thứ 2 về tỉ lệ mắc mới và là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh ung thư trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận 26.262 ca mắc mới và 23.797 ca tử vong vì căn bệnh này.
Một số nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi là hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường, nghề nghiệp liên quan đến phóng xạ hoặc amiăng, yếu tố di truyền…
Những năm gần đây, nhờ sự tiến bộ của y học nên việc chẩn đoán, điều trị và tiên lượng với bệnh ung thư phổi đã tốt hơn. Ngành y tế khuyến cáo những người có tiền sử hút thuốc lá, nên đi tầm soát ung thư phổi sau 40-50 tuổi.
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Tp.Thủ Đức, Tp.HCM, cho hay mục tiêu của tầm soát ung thư là phát hiện sớm ung thư ở giai đoạn sớm, khi bệnh mới hình thành, còn khu trú, chưa lan tràn. Khi đó, ung thư dễ điều trị, ít tốn kém so với khi bệnh đã tiến triển hoặc di căn sang cơ quan khác.
Bác sĩ khẳng định nếu việc tầm soát ung thư thực hiện đúng sẽ giảm được tỉ lệ tử vong cũng như di chứng do ung thư gây ra.
“Ví dụ như với ung thư phổi, chương trình tầm soát bằng chụp CT phổi liều thấp đã giúp giảm 20% nguy cơ tử vong do ung thư phổi; tầm soát ung thư vú bằng khám lâm sàng phối hợp chụp nhũ ảnh giúp giảm 26% tỉ lệ tử vong do bệnh này gây ra”, bác sĩ Vũ chia sẻ.
Ông cũng lưu ý, tầm soát ung thư cũng có mặt trái như dương tính giả, âm tính giả hoặc điều trị quá mức, đồng thời không có một phương pháp nào giúp phát hiện tất cả các loại ung thư. Mỗi quốc gia sẽ áp dụng tầm soát ung thư khác nhau tùy theo mô hình bệnh tật và là lộ trình lâu dài.
Tại hội thảo cập nhật tiến bộ trong điều trị ung thư phổi năm 2023 do Bệnh viện Tp.Thủ Đức, Tp.HCM tổ chức, bác sĩ Nir Peled (Trung tâm y tế Shaare Zedek, Israel) cho biết tại Israel, tầm soát ung thư phổi là chương trình quốc gia.
Người dân được thực hiện tầm soát miễn phí bằng chụp CT phổi liều thấp, có thể kết hợp đánh giá chức năng hô hấp, khi phát hiện bất thường sẽ được chuyển lên các trung tâm điều trị chuyên sâu. Đối tượng nguy cơ gồm người trên 50 tuổi và có hút thuốc.
Theo bác sĩ Nir Peled, hiện nay xuất hiện khá nhiều phương pháp tầm soát ung thư, trong đó có việc xét nghiệm máu tìm các chỉ số như CEA, Cyfra 21-1..., được cho là giúp phát hiện sớm ung thư phổi.
Tuy nhiên, ông khẳng định đến nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học khẳng định xét nghiệm máu có thể tầm soát chính xác ung thư. Bệnh nhân phải được thực hiện kết hợp với các kỹ thuật khác (như CT phổi liều thấp) trước khi đưa ra kết luận.
Cũng theo các chuyên gia, xét nghiệm CEA trong máu tìm ung thư chỉ đúng trong khoảng 20% trường hợp, chưa kể với người đang hút thuốc, chỉ số này cũng tăng.
Đáng chú ý tại Singapore, việc tầm soát ung thư phổi chủ yếu là kết hợp nhiều phương pháp, dựa trên thể trạng và khả năng kinh tế của từng bệnh nhân. Kỹ thuật thường được sử dụng nhất cũng là chụp CT phổi liều thấp.
Qua tầm soát, nếu phát hiện khối u, tùy tính chất và tình trạng khối u mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng xử trí cụ thể, tiếp tục theo dõi và tầm soát hay cần can thiệp điều trị.
Theo Bệnh viện Ung bướu Tp.HCM, chụp cắt lớp vi tính liều thấp (LDCT) là phương pháp sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh của phổi, liều bức xạ rất thấp so với các phương pháp chụp CT thường quy khác. Điều này giúp giảm nguy cơ gây hại cho sức khỏe của bệnh nhân.
Phương pháp này được sử dụng để phát hiện sớm ung thư phổi và các bệnh phổi khác ở người có nguy cơ cao, như người hút thuốc lá hoặc đã từng hút thuốc lá, người tiếp xúc với các chất độc hại trong môi trường làm việc, trong đời sống hàng ngày, hoặc trong quá trình sàng lọc.
Năm 2022, Bệnh viện Ung bướu Tp.HCM có hơn 27.700 bệnh nhân mắc ung thư mới vào điều trị. Trong đó, bệnh nhân ung thư phổi là hơn 2.000 ca. Mới đây, bệnh viện cũng đã tổ chức chương trình khám sàng lọc cho 600 người 50-80 tuổi, hút thuốc lá từ 20 gói/năm nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng. Các bệnh nhân sẽ được chụp CT liều thấp, được khám và tư vấn sức khỏe miễn phí.
5 điểm mới gỡ “nút thắt” trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT
Ngày 16/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chủ trì Hội nghị triển khai Nghị định số 75 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).
Hội nghị nối điểm cầu Trung ương từ Bộ Y tế đến điểm cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố và hàng trăm các bệnh viện trên cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh 5 điểm mới của Nghị định số 75 so với Nghị định 146 năm 2018.
Đầu tiên, bổ sung đối tượng và hỗ trợ mức đóng tham gia BHYT đối với người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; và đối tượng người dân tộc thiểu số mới thoát nghèo theo Quyết định số 861 ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp theo, Nghị định 75 cũng đã bổ sung, nâng mức hưởng BHYT trong đó nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho một số nhóm đối tượng là người có công với cách mạng; bổ sung mức hưởng cho nhóm đối tượng là người dân tộc thiểu số thoát nghèo theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ và một nhóm đối tượng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Cùng với đó, Nghị định 75 đã có thay đổi quan trọng trong việc quy định về thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Nghị định đã bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT, thực hiện thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo phương thức thanh toán theo giá dịch vụ được áp dụng từ 1/1/2019.
Đồng thời, quy định việc giao dự toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thực hiện thông báo số dự kiến chi khám chữa bệnh BHYT tới cơ sở khám chữa bệnh để làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng kinh phí khám chữa bệnh BHYT trong năm nhưng không áp dụng làm căn cứ tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT của cơ sở khám chữa bệnh trong trường hợp vượt số dự kiến chi.
Tiếp đó, bổ sung các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm trong thực hiện chính sách BHYT của Bộ Y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, và cơ quan bảo hiểm xã hội nhằm đẩy mạnh triển khai các giải pháp kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ BHYT, phòng chống lạm dụng, lãng phí, trục lợi quỹ BHYT.
Cuối cùng, Nghị định 75 cũng bổ sung, làm rõ phương thức đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng, sửa đổi thủ tục khám bệnh, chữa bệnh cho phù hợp với quy định của Chính phủ về sử dụng giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2 và xác thực điện tử và sửa đổi một số nội dung mang tính chất kỹ thuật khác.
"Các quy định mang tính chất đổi mới của Nghị định thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, Bộ Y tế và các Bộ, ngành trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả khám bệnh, chữa bệnh BHYT, tạo thuận lợi cho cả người tham gia BHYT, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và hoạt động quản lý Nhà nước về BHYT; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT", Ông Thuấn nhấn mạnh.
Theo ông Thuấn, lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo Vụ BHYT chủ trì phối hợp với các Vụ, Cục liên quan, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện.
Xin mổ đẻ sớm khi chưa chuyển dạ, 2 trẻ sơ sinh nguy kịch
Theo Người Lao Động, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết chỉ trong chưa đầy một tuần qua đã tiếp nhận 6 trẻ sơ sinh được sinh mổ chủ động gặp các biến chứng nặng phải thở máy. Trong số này có 2 trường hợp trẻ tổn thương phổi nặng, suy hô hấp, nguy kịch.
Đó là bé trai một ngày tuổi ở Thái Bình, là con thứ hai trong gia đình. Mẹ bé lo lắng những biến chứng của vết mổ đẻ cũ nên quyết định sinh mổ chủ động khi thai nhi được 37 tuần. Sau sinh, trẻ được hỗ trợ thở CPAP (thở áp lực dương liên tục qua mũi). Tuy nhiên, tình trạng suy hô hấp tiến triển, trẻ được đặt nội khí quản chuyển đến Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương. Sau một tuần điều trị tích cực, sức khỏe của bé sơ sinh này dần cải thiện.
Một bé trai sơ sinh khác ở Nam Định cũng nhập viện sau khi mẹ đẻ mổ chủ động tại bệnh viện địa phương ở tuần thai thứ 36. Trước đó, sản phụ này phải nằm theo dõi thai kỳ trong 1 tuần, gia đình lo lắng và mong muốn sinh mổ khi chưa có cơn chuyển dạ.
Sau sinh, trẻ bị suy hô hấp, tăng áp phổi nặng, được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng tím tái, ôxy trong máu thấp, suy tuần hoàn. Bệnh nhi được thở máy tần số cao, duy trì thuốc trợ tim, vận mạch, thuốc giãn mạch phổi, song tình trạng không cải thiện, trẻ tử vong sau 3 ngày.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Loan, Khoa Điều trị tích cực sơ sinh, Trung tâm Sơ sinh (Bệnh viện Nhi Trung ương), việc sinh con tự nhiên qua đường âm đạo là phương pháp tốt nhất cho mẹ và bé. Mổ lấy thai chỉ nên thực hiện trong trường hợp không cho phép đẻ đường âm đạo. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xu hướng mổ bắt thai khi chưa có chuyển dạ (mổ đẻ chủ động) do chọn ngày giờ sinh "đẹp" trở nên phổ biến.
Trẻ được sinh ra do mổ bắt thai chủ động có thể bị suy hô hấp với nhiều mức độ từ khó thở thoáng qua đến suy hô hấp nặng cần thở máy, thậm chí phải cần đến ECMO (tim phổi nhân tạo). Một số trường hợp nặng có thể tử vong.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mổ lấy thai chủ động khi không có chuyển dạ khiến nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp ở trẻ cao gấp 2,6 lần so với mổ đẻ có chuyển dạ và cao gấp 1,9 lần so với đẻ thường.
Thống kê cho thấy tỉ lệ mổ lấy thai ở nhiều nước trên thế giới cũng tăng nhanh trong vòng 20 năm trở lại đây, đặc biệt là các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, tỉ lệ mổ lấy thai vẫn cao, khoảng 39%. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, con số này chỉ nên ở mức 5-10% nhằm tránh các tai biến cho mẹ và con.
Trúc Chi (t/h)