Bộ Giáo dục và Đào tạo thí điểm triển khai học bạ số ở bậc tiểu học
Thông tin trên Vietnam+ Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cung cấp quy trình, thủ tục quản lý, sử dụng học bạ của học sinh tiểu học để thực hiện thí điểm ngay năm học 2023-2024 đối với các khối lớp từ lớp 1 đến lớp 4.
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan này sẽ thực hiện triển khai thí điểm học bạ số ở bậc tiểu học, cụ thể là với các khối lớp 1, 2, 3 và 4 trong năm học 2023-2024.
Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cung cấp quy trình, thủ tục quản lý, sử dụng học bạ của học sinh tiểu học, bao gồm: phần mềm hệ thống; tập huấn sử dụng, vận hành các chức năng, nghiệp vụ cơ bản trong tạo lập và sử dụng học bạ số.
Phạm vi thí điểm là các cơ sở giáo dục cấp tiểu học bảo đảm các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, chủ động về nhân lực, nguồn lực để thực hiện các giải pháp, nội dung, yêu cầu đối với học bạ số, bảo đảm 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cơ sở giáo dục thực hiện thí điểm.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, thực hiện Quyết định số 131 năm 2022 của Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030,” trong thời gian qua ngành Giáo dục đã và đang tập trung chuyển đổi số, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, bên cạnh sự chủ động thì việc thực hiện số hóa trong ngành chưa thật sự gắn kết. Vì vậy, trước yêu cầu của Đề án chuyển đổi số quốc gia, của Bộ Giáo dục và Đào tạo và xuất phát từ đòi hỏi trong công tác quản lý của ngành cần phải triển khai xây dựng thí điểm học bạ số.
Lý giải về việc chọn bậc tiểu học để thực hiện thí điểm, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy đây một việc mới, khó, tác động đến số lượng lớn học sinh, diễn ra phạm vi khắp các vùng, miền trên cả nước, với điều kiện kinh tế - xã hội, năng lực trình độ, cơ sở vật chất khác nhau nên cần thận trọng từng bước.
Học bạ số là học bạ được số hóa, lưu trữ trên môi trường số, có ký xác thực điện tử của cá nhân và tổ chức có thẩm quyền, có giá trị pháp lý để sử dụng trên môi trường số.
Học bạ số đảm bảo lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin về học sinh và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong quá trình học tập tại cấp Tiểu học đồng thời đảm bảo nhất quán, toàn vẹn thông tin khi học bạ đã được phát hành (không thể thay đổi thông tin).
Ngoài ra, học bạ số đảm bảo thuận tiện cho việc sử dụng, quản lý, tra cứu, xác thực học bạ trực tuyến cũng như cho phép xuất ra bản mềm của học bạ số, có thể in được trên giấy theo mẫu học bạ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để sử dụng trong một số trường hợp cụ thể.
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, các cơ sở giáo dục cần xem thí điểm học bạ điện tử là nhiệm vụ trọng tâm của năm học bởi sự cấp thiết cần triển khai. Việc triển khai cần thận trọng, kỹ lưỡng nhưng cũng cần khẩn trương áp dụng đại trà đồng thời đảm bảo quyền lợi của học sinh và nhà trường.
Ăn nhầm 7/14 viên thuốc giảm cân mua trên mạng, bé 3 tuổi bị ngộ độc
Theo báo Hà Nội Mới ngày 16/3, Bệnh viện Nhi trung ương đưa ra cảnh báo về hiểm họa khôn lường khi trẻ em bị ngộ độc thuốc, hóa chất, đặc biệt là các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang được bán tràn lan trên mạng.
Điển hình là trường hợp bé gái H.T (3 tuổi, Hà Nam) ăn nhầm 7/14 viên thuốc giảm cân được chị gái mua ở trên mạng.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tân Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, sau khi uống, trẻ nôn nhiều, đau bụng, đi ngoài phân lỏng, gia đình cho trẻ vào bệnh viện tỉnh cấp cứu và được chuyển lên Bệnh viện Nhi trung ương.
Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ đã tiến hành các biện pháp để hạn chế hấp thu chất độc như rửa dạ dày, sử dụng than hoạt tính, nhuận tràng kết hợp bồi phụ nước điện giải. Sau 4 ngày điều trị, sức khỏe trẻ ổn định, hết nôn và được xuất viện.
Theo các bác sĩ, loại thuốc giảm cân mà bệnh nhi ăn nhầm được chị gái mua về sử dụng không rõ thành phần, nhãn mác và nguồn gốc xuất xứ.
Cùng thời gian này, các bác sĩ khoa Cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) cũng tiếp nhận, điều trị kịp thời một bệnh nhi (13 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện do bị ngộ độc thuốc chuột.
Trẻ có tiền sử mắc bệnh trầm cảm có ý tưởng tự sát. Trước khi vào viện 2 ngày, trẻ uống 2 tuýp thuốc diệt chuột không rõ nguồn gốc. Sản phẩm này đặt mua trên trang thương mại điện tử. Sau uống, trẻ nôn nhiều, chóng mặt và được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi trung ương.
Tại khoa Cấp cứu và Chống độc, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng co giật toàn thân. Sau khi khai thác bệnh sử kết hợp thăm khám và làm các xét nghiệm độc chất, trẻ được chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt chuột Natri Fluoroacetat.
Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức tích cực, chống suy hô hấp, cắt cơn giật, bồi phụ nước điện giải. Sau 20 ngày điều trị, sức khỏe trẻ ổn định, hết nôn và được xuất viện. Tuy nhiên, trẻ vẫn cần được theo dõi và chăm sóc sau khi ra viện.
Bác sĩ Nguyễn Tân Hùng nhấn mạnh, loại thuốc chuột gây ngộ độc cho trẻ đã bị cấm lưu hành nhiều năm trước, nhưng hiện được mua bán dễ dàng nên nguy cơ cao gây ra ngộ độc.
Uống nhầm thuốc, hóa chất không phải là trường hợp hiếm gặp, bởi trẻ nhỏ thường tò mò và hiếu động, chưa phân biệt được các loại hóa chất độc hại. Tại Bệnh viện Nhi trung ương, hằng năm thường tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhập viện cấp cứu do uống nhầm thuốc trừ sâu, dầu hỏa, thuốc diệt chuột, các chất gây nghiện, thuốc an thần của người lớn…
Ngoài ra, bệnh viện cũng tiếp nhận một số trường hợp trẻ vị thành niên ngộ độc thuốc diệt chuột có chủ đích do trẻ có ý định tự tử… điều này dẫn đến các tổn thương nặng nề, thậm chí có trường hợp nguy kịch đến tính mạng.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo, các gia đình có trẻ nhỏ, cần để thuốc, hóa chất độc hại tránh xa tầm tay của trẻ; không đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống, các chai lọ có màu sắc bắt mắt thu hút sự chú ý của trẻ, tránh nhầm lẫn. Mặt khác, không tự ý mua thuốc hay cho con uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ uống nhầm thuốc, hóa chất độc hại, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần nhanh chóng tách trẻ ra khỏi các chất có nguy cơ gây ngộ độc và khẩn trương đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất. Khi đi cần mang theo vỏ hoặc chai thuốc, hóa chất mà trẻ ăn uống nhầm để các bác sĩ biết nguyên nhân và có cách xử lý phù hợp.
Hà Nội ghi nhận hơn 500 ca mắc sốt xuất huyết
Thông tin trên Kinh tế đô thị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, những tuần gần đây, Hà Nội tiếp tục ghi nhận rải rác các ca mắc sốt xuất huyết. Từ đầu năm 2024 cho đến nay, TP ghi nhận 513 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.
CDC Hà Nội cũng cho biết, các quận, huyện có nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay gồm: Đống Đa 81 ca, Hà Đông 58 ca, Hoàng Mai 43 ca, Hai Bà Trưng 32 ca… Dự báo, thời gian tới có thể vẫn sẽ ghi nhận bệnh nhân sốt xuất huyết, do đó, người dân không được chủ quan.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra vào tháng 8, 9, 10. Đỉnh điểm của dịch bệnh này có thể xảy ra vào tháng 10, 11. Thế nhưng, những năm gần đây, bệnh xuất hiện từ rất sớm, ngay từ đầu năm.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue có trong muỗi vằn lây truyền từ người này sang người khác qua vết cắn của muỗi. Có 4 type huyết thanh là D1, 2, 3 và 4. Thời gian ủ bệnh từ 4 đến 5 ngày.
Diễn biến lâm sàng trải qua 3 giai đoạn: Từ ngày thứ 1 đến ngày 3 là giai đoạn sốt, ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 là giai đoạn nguy hiểm, từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 là giai đoạn hồi phục.
Có 2 cơ chế bệnh sinh có thể dẫn đến nguy hiểm. Thứ nhất virus khi tấn công vào cơ thể sẽ ức chế tủy xương gây hạ tiểu cầu, từ đó sẽ dẫn đến xuất huyết. Thứ hai, virus làm tổn thương thành mao mạch, gây tăng tính thấm làm thoát huyết tương ra khỏi lòng mạch, hậu quả cô đặc máu, từ đó bệnh nhân có thể sốc do giảm thể tích tuần hoàn.
Hạ tiểu cầu sau một thời gian thì tiểu cầu sẽ lên, nhưng điều trị sốc giảm thể tích do cô đặc máu rất khó chữa, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong.
PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết, nhiều người dân chủ quan, nghĩ sốt xuất huyết là bình thường, cứ sốt vài ngày sẽ khỏi nên ở nhà, chỉ khi nào thấy xuất huyết mới đi viện. Thực tế, nhiều trường hợp sốt, dù chưa có biểu hiện xuất huyết nhưng bị cô đặc máu dẫn đến sốc, lúc này điều trị rất khó khăn, thậm chí tử vong.
Khi có biểu hiện sốt, người dân cần đến các cơ sở y tế để xét nghiệm máu chẩn đoán xác định và theo dõi điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa, không tự ý điều trị tại nhà.
Trúc Chi (t/h)