Không yêu cầu giáo viên tiểu học, THCS hạng 1 phải có trình độ thạc sĩ
Theo VOV, Bộ GD&ĐT vừa ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2023).
Một trong những điểm mới của Thông tư 08 là không yêu cầu giáo viên tiểu học, trung học cơ sở (THCS) hạng I phải có trình độ thạc sĩ.
Theo quy định tại Thông tư số 02,03, giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học/THCS hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên.
Đại diện GD&ĐT cho biết, thời điểm ban hành Thông tư số 02,03 cấp tiểu học chưa có giáo viên hạng I do đây là hạng mới bổ sung so với quy định. Tuy nhiên, một số giáo viên THCS hạng I cũ do chưa có bằng thạc sĩ theo quy định nên tạm thời bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II mới. Các trường hợp này sau khi đạt các tiêu chuẩn của hạng I mới thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng I mới mà không phải thông qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng (chi tiết tại khoản 3 Điều 9 Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT).
Mặc dù việc bổ nhiệm tạm thời vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II mới không phải là “rớt hạng” như tâm tư của một số giáo viên, mà là bổ nhiệm hạng tương ứng với mức độ đạt tiêu chuẩn theo quy định của hạng. Đồng thời, mọi chế độ, chính sách mà giáo viên hiện hưởng vẫn được bảo đảm, không có sự điều chỉnh nào. Tuy nhiên, việc này vẫn làm ảnh hưởng đến tâm lý của một bộ phận giáo viên THCS.
Nắm bắt kịp thời tâm tư của đội ngũ, Bộ GD&ĐT đã rà soát lại quy định về trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học, THCS trên cơ sở nghiên cứu yêu cầu của việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục cấp tiểu học và THCS.
"Theo đó, mục tiêu của giáo dục tiểu học là nhằm hình thành cơ sở ban đầu cho sự phát triển về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, năng lực của học sinh; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học THCS. Mục tiêu của giáo dục THCS là nhằm củng cố và phát triển kết quả của giáo dục tiểu học; bảo đảm cho học sinh có học vấn phổ thông nền tảng, hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học trung học phổ thông hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp. Như vậy, với yêu cầu giảng dạy, cung cấp các kiến thức cơ bản và nền tảng, việc quy định giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có trình độ thạc sĩ là không cần thiết", đại diện Bộ GD&ĐT cho biết.
Do đó, tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, Bộ GD&ĐT điều chỉnh quy định về trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học, THCS hạng I là đại học.
Bộ GD&ĐT cho biết, nội dung điều chỉnh này đã được khảo sát và có 97% giáo viên tham gia khảo sát đồng ý.
Nhiều ô tô ở Lâm Đồng vi phạm tốc độ hơn 200 lần/tháng
Theo Zing, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành quyết định thu hồi phù hiệu của xe do vi phạm quy định về tổ chức và quản lý kinh doanh vận tải bằng ô tô. Theo đó, có 42 ô tô của 17 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa do vi phạm tốc độ từ 5 lần/tháng bị thu hồi phù hiệu.
Theo quyết định trên, kết quả vi phạm tốc độ của các phương tiện được Sở GTVT Lâm Đồng trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình tại Tổng cục đường bộ Việt Nam từ ngày 1 đến 31/3, với những xe tham gia giao thông có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1.000 km xe chạy (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ từ 5 km/h trở xuống).
Theo Sở GTVT Lâm Đồng, trong 42 ô tô vi phạm tốc độ bị thu hồi phù hiệu có 25 xe khách hợp đồng, xe chạy tuyến cố định và 12 xe tải.
Thống kê cho thấy, trong 42 phương tiện vi phạm tốc độ bị thu hồi phù hiệu của tháng 3/2023, có 10 ô tô vi phạm tốc độ 101-186 lần/tháng; 2 phương tiện vi phạm tốc độ trên 200 lần/tháng. Cụ thể, ô tô chạy tuyến cố định mang biển số 51B của hợp tác xã Hà Nguyên STC, vi phạm đến 236 lần/tháng hay xe chạy hợp đồng mang biển số 49B của Công ty TNHH TMVT VT Nhật Đoan Limousine vi phạm đến 254 lần/tháng.
Cũng theo Sở GTVT Lâm Đồng, trong 17 đơn vị vận tải có phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/tháng trở lên thì Công ty TNHH Hà Anh Tuyên có số phương tiện vi phạm nhiều nhất với 7 xe; tiếp đến là Công ty TNHH DL và VT Vy Vân Travel, hợp tác xã Vận tải Lâm Hà…
Ngoài thu hồi phù hiệu, Sở GTVT Lâm Đồng đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải tại nộp phù hiệu xe vi phạm theo danh sách đính kèm về Sở; đồng thời, nghiêm túc chấn chỉnh hình thức hoạt động vận tải đúng theo quy định, trường hợp các xe bị thu hồi phù hiệu nhưng vẫn sử dụng để lưu thông sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thông tin mới nhất vụ ô tô đâm liên hoàn 17 xe máy ở Hà Nội
Thông tin trên Kinh tế & Đô thị, ngày 16/4, thông tin từ Công an quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết, Cơ quan CSĐT Công an quận đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với tài xế Hoàng Ngọc Vĩnh (63 tuổi, trú phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội).
Theo lãnh đạo Công an quận Tây Hồ, sau khi hết hạn tạm giữ, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã quyết định khởi tố bị can đối với ông Hoàng Ngọc Vĩnh về hành vi "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông" theo Khoản 3, Điều 260 Bộ luật Hình sự. Cùng với đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã quyết định tạm giam 4 tháng đối với tài xế này để phục vụ công tác điều tra.
Vào tối 5/4, Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông" và ra quyết định tạm giữ hình sự lái xe Hoàng Ngọc Vĩnh (SN 1960, trú Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) để điều tra, xử lý theo quy định.
Trước đó, khoảng 16h7 ngày 5/4, tại khu vực ngã tư Võ Chí Công - Xuân La, phường Xuân La, quận Tây Hồ, xảy ra vụ tai nạn giao thông liên hoàn giữa xe ô tô BKS 29A-083.12 do tài xế Hoàng Ngọc Vĩnh điều khiển với 17 xe máy.
Hậu quả khiến 18 người bị thương được đưa đi cấp cứu kịp thời, điều trị tại bệnh viện. Qua kiểm tra, không phát hiện lái xe Vĩnh có nồng độ cồn và âm tính với chất ma túy.
Trúc Chi (t/h)