Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm sự cố sập tường ở Bình Định
Theo thông tin trên Tuổi Trẻ Online, Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký công điện của Chính phủ về việc khắc phục hậu quả sự cố sập tường xảy ra tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.
Công điện nêu rõ hồi 16h15 ngày 15/9, sự cố sập đổ tường tại Nhà máy Savvy Seafood Việt Nam thuộc dự án xây dựng giai đoạn 2 của Công ty TNHH Savvy Seafood Vietnam tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định gây thiệt hại lớn về người.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình người bị nạn.
Cũng theo công điện, UBND tỉnh Bình Định có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ vật chất, tinh thần gia đình người bị nạn và tập trung khắc phục hậu quả vụ tai nạn lao động. Đồng thời, tỉnh phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Các Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ UBND tỉnh Bình Định xác định nguyên nhân, trách nhiệm và nghiên cứu hướng dẫn an toàn lao động để tránh xảy ra tai nạn tương tự.
Hết thuốc tê, bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương đối mặt nguy cơ đóng cửa
Chiều 16/9, Bộ Y tế tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày An toàn người bệnh Thế giới năm 2022 với chủ đề Sử dụng thuốc an toàn, không gây hại.
Theo Dân Trí, phát biểu tại lễ mít tinh TS.Phạm Thanh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (Hà Nội) xin phép được kêu về tình trạng thiếu thuốc tê tại cơ sở.
Ông cho biết, tại bệnh viện có 2 nhóm thuốc sử dụng chính là thuốc kháng sinh và thuốc tê. Với thuốc kháng sinh, quan điểm của bệnh viện là hạn chế tối đa, chỉ sử dụng khi cần thiết. Vì thế, trong thời gian qua tại cơ sở không xảy ra tình trạng thiếu thuốc kháng sinh.
Với thuốc tê, theo TS Hà ngoài sử dụng thuốc an toàn, nhân viên y tế cũng có nhiệm vụ làm thế nào để lựa chọn loại thuốc phù hợp nhất để thay thế loại thuốc đang dùng mà đã hết.
"Chúng tôi vừa được báo lại là 2 tuần nữa sẽ hết thuốc tê. Với cơ sở răng hàm mặt như chúng tôi nếu không có thuốc tê thì nguy cơ đóng cửa rất cao. Vì có quá nửa thậm chí 2/3 dịch vụ ngoại trú của chúng tôi đều phải sử dụng thuốc tê", TS Hà cho biết.
Với một số loại thuốc tê đã hết, bệnh viện phải thay thế bằng loại thuốc tê khác tính năng tương tự nhưng cũng rất khó. Thuốc gây tê được chia làm 2 loại là chứa chất gây co mạch và chống gây co mạch. Loại thuốc tê có chứa chất gây co mạch có khả năng tê sâu hơn nhưng lại có nhược điểm là gây tăng huyết. Vì thế, người bệnh bị tăng huyết áp, tim mạch, nhịp tim nhanh không chỉ định dùng loại này.
"Hiện nay, theo các công ty dược là do giấy phép chưa được gia hạn. Vì thế, các cơ sở y tế kể cả công lập và tư nhân đều thiếu. Vấn đề thiếu thuốc trước đây chỉ gặp ở cơ sở công lập là chính, tư nhân vẫn mua được nhưng nay thì cả tư nhân cũng thiếu", TS Hà nói.
Vì thế, sắp tới vấn đề cung ứng thuốc sẽ rất khó khăn. Bệnh viện mong cơ quan quản lý sớm có giải pháp tháo gỡ.
Theo ông, thời gian để từ khi công ty đăng ký nhập cho đến khi về được Việt Nam thì phải mất đến 3-4 tháng. Lý do vì nhà máy sản xuất cho nước nào phải có kế hoạch trước chứ không thể lấy thuốc xuất sang Ba Lan sang bán cho Việt Nam được vì liên quan đến vấn đề nhãn mác, luật…
Hiện nay, chỉ có 2-3 hãng sản xuất thuốc tê nhập về Việt Nam. Trên thế giới cũng không có nhiều nhà sản xuất thuốc tê nên việc tìm kiếm sản phẩm thay thế rất khó.
Hội hoa xuân Tao Đàn dự kiến sẽ bán vé trở lại
Kế hoạch được Sở Xây dựng Tp.HCM gửi lãnh đạo UBND Tp.HCM đề xuất thành phố tổ chức Hội hoa xuân 2023 tại công viên Tao Đàn trong 12 ngày, 16/1/2023 - 27/1/2023 (âm lịch rơi vào ngày 25 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến mùng 6 tháng Giêng năm Quý Mão).
Theo Zing, kinh phí dự kiến để tổ chức Hội Hoa Xuân Tao Đàn là 14,6 tỷ đồng, trong đó nguồn thu cố định từ cho thuê mặt bằng và tài trợ quảng cáo sẽ đạt hơn 4,4 tỷ đồng. Hơn 10 tỷ đồng còn thiếu, ngoài phương án xã hội hóa, Sở Xây dựng Tp.HCM đề xuất bán vé vào cổng (30.000 đồng/vé, miễn phí người dưới 1,2 m) hoặc dùng ngân sách bổ sung.
Hội hoa xuân là nét văn hóa đặc sắc truyền thống của Tp.HCM mỗi dịp Tết đến và thu hút hàng trăm nghìn lượt người đến tham quan, vui chơi.
Trong 2 năm 2021 và 2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hội hoa xuân giảm về quy mô, số hiện vật tham gia trưng bày. Năm 2022, Hội hoa xuân Tao Đàn lần đầu tiên không bán vé vào cổng nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn sau dịch bệnh Covid-19.
Số ca nhiễm Covid-19 tăng
Về tình hình dịch Covid-19, Bộ Y tế cho biết từ 16h ngày 15/9 đến 16h ngày 16/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.080 F0, tăng 117 ca nhiễm so với ngày trước đó.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.454.079 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.752 ca nhiễm).
Trong ngày có thêm 59.923 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 10.508.736 ca. Số bệnh nhân đang thở ôxy là 129 ca.
Ngày 15/9 không ghi nhận bệnh nhân tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 2 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.137 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Minh Hoa (t/h)