Số lượng du học sinh của Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á
Thông tin trên VTC News Tổ chức tư vấn giáo dục quốc tế Acumen dẫn thống kê của UNESCO cho thấy Việt Nam có hơn 132.000 du học sinh trong giai đoạn 2021 - 2022. Theo sau là Malaysia và Indonesia, mỗi nước có hơn 56.000 du học sinh, còn Thái Lan có 32.000 du học sinh.
Hai điểm đến hàng đầu của du học sinh Việt Nam là Nhật Bản (hơn 44.100 người) và Hàn Quốc (gần 25.000). Trong khi đó, người Indonesia, Malaysia và Thái Lan, dịch chuyển nhiều nhất tới Anh và Australia. Với thị trường Mỹ, du học sinh Việt Nam cũng dẫn dầu Đông Nam Á, với hơn 23.100 người.
Trong 5 quốc gia người Việt Nam du học nhiều nhất còn có Australia (hơn 14.100) và Canada (gần 9.000).
Còn theo Nikkei Asia, tại Mỹ, Việt Nam nằm trong top 10 nguồn sinh viên quốc tế hàng đầu trong hơn một thập kỷ qua. Theo dữ liệu chính thức vào năm 2022, Việt Nam xếp hạng thứ 5 về số lượng sinh viên theo học tại quốc gia này.
ICEF Monitor, trang thông tin về giáo dục quốc tế, khẳng định Việt Nam nằm trong 10 thị trường hàng đầu thế giới về du học. Du học sinh Việt Nam nằm trong top 5 về số sinh viên quốc tế ở Mỹ, đứng thứ 2 ở Nhật, thứ 6 ở Australia và dẫn đầu ở Đài Loan.
Xu hướng du học của sinh viên Việt Nam phổ biến đến mức các trường đại học trải dài từ Phần Lan đến Hàn Quốc đều coi Việt Nam là quốc gia chiếm tỉ lệ lớn nhất về số lượng sinh viên. Thậm chí Quốc hội Mỹ còn đưa ra một chương trình học bổng, Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) vào năm 2003 để thu hút sinh viên.
Theo nhận định của Nikkei Asia, trải qua hơn hai thập kỷ gửi sinh viên đi tham gia các chương trình du học, Việt Nam đang tới hồi “thu hoạch”. Những thế hệ du học sinh đầu tiên đã tốt nghiệp và đi làm, thường là ở nước ngoài và giờ đây họ mang kinh nghiệm đó về Việt Nam khi sự nghiệp đã chín muồi.
Báo cáo của UNESCO không đề cập đến Trung Quốc nhưng cũng được coi là một điểm đến hàng đầu với sinh viên Đông Nam Á. Chính phủ Trung Quốc không công bố dữ liệu tuyển sinh quốc tế kể từ năm 2020, nhưng vào năm 2019, nước này đã đón 28.600 sinh viên Thái Lan, 15.000 sinh viên Indonesia, 11.300 sinh viên Việt Nam và 9.500 sinh viên Malaysia.
Cầm loại hạt quen thuộc chơi bé trai phải cấp cứu qua 3 bệnh viện
Ngày 17/2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (Tp.HCM) cho biết bệnh nhi là bé D.H.A. (9 tháng tuổi, Đồng Tháp). Sáng mùng 6 Tết, người nhà cho bé A. cầm đậu đũa chơi, sau đó mẹ nghe tiếng bé khóc và ho sặc.
Mẹ thấy bé tím môi, xử trí vỗ lưng rồi đưa bé vào một bệnh viện tư nhân cách nhà khoảng 20 phút di chuyển. Tại đây, trẻ tím, SpO2 60% và được đặt nội khí quản, chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long. Sau đó, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long liên hệ để chuyển bé A. lên Tp.HCM.
Tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhi Đồng TP (Tp.HCM), bệnh nhi thở máy. Kết quả X-quang cho thấy xẹp và tràn khí màng phổi phải. Các bác sĩ tiến hành hội chẩn giữa chuyên khoa Hô hấp và Ngoại lồng ngực mạch máu, quyết định đặt dẫn lưu màng phổi và thực hiện nội soi phế quản gắp dị vật.
Tại phòng mổ, bệnh nhi được truyền huyết tương tươi do có rối loạn đông máu. Bác sĩ đặt dẫn lưu trước rồi nội soi phế quản, ghi nhận có dị vật hình tròn màu vàng nhạt bít hoàn toàn phế quản trung gian. Bác sĩ dùng kiềm gắp thành công một hạt đậu ra ngoài.
Sau đó, bé được chuyển về Khoa Hồi sức ngoại, tiếp tục thở máy. Kết quả X-quang cho thấy phổi nở tốt sau gắp dị vật. Bé hiện được điều trị viêm phổi và hồi sức tích cực.
Bệnh viện Nhi Đồng TP khuyến cáo phụ huynh không nên để trẻ đùa nghịch, cười đùa, khóc to, hoặc sợ hãi khi ăn; không cho trẻ chơi các đồ chơi nhỏ vì nguy cơ bị rơi vào đường thở. Đồng thời, nên thận trọng với những thức ăn như hạt đậu, hạt trái cây, ngô (bắp), vỏ tôm, cua... có thể làm cho trẻ hóc dị vật.
Làm rõ nguyên nhân tai nạn giao thông trong 7 ngày nghỉ Tết
Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) - Bộ Công an, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lực lượng CSGT các tỉnh, thành phố đã xử lý 71.409 trường hợp vi phạm; phạt tiền 182,4 tỷ đồng. Cũng trong dịp nghỉ Tết kéo dài 1 tuần lễ, toàn quốc ghi nhận 541 vụ tai nạn giao thông, làm chết 214 người, bị thương 504 người.
Cục CSGT thống kê, 2 khung giờ xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nhất trong 7 ngày nghỉ Tết (tính từ 8/2 đến 14/2) là từ 12h đến 18h và từ 18h đến 24h (lần lượt chiếm 31,94% và 43,25%). Các tuyến đường xảy ra nhiều tai nạn giao thông nhất là đường Quốc lộ (chiếm đến 35,64%), còn các tuyến đường tỉnh, đường huyện và đường xã chiếm tỉ lệ nhỏ hơn đáng kể (lần lượt là 18,61%; 16,63% và 15,84%) còn lại là các tuyến đường khác chiếm 13,28%.
Đáng chú ý, ở chỉ số phương tiện liên quan đến nhiều vụ tai nạn giao thông nhất thì xe mô tô, xe máy chiếm đến hơn 71%, còn lại là ô tô. Cục CSGT cũng thống kê độ tuổi người điều khiển phương tiện trong các vụ tai nạn giao thông và chỉ ra rằng những người từ 27 đến 55 tuổi chiếm gần 1 nửa số vụ tai nạn (gấp từ 2 đến 3 lần so với các nhóm tuổi từ 18 đến 27 và dưới 18 tuổi hay trên 55 tuổi).
Trong số 207 trên tổng số 538 vụ tai nạn giao thông đã làm rõ nguyên nhân thì việc không chú ý quan sát gây hậu quả nghiêm trọng là nguyên nhân chiếm đa số, tiếp đến là việc các tài xế đi không đúng phần đường, làn đường, chiều đường và chuyển hướng không đảm bảo an toàn.
Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Văn phòng Chính phủ về tình hình phục vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.Theo đó, sản lượng vận chuyển tổng thị trường hàng không trong 7 ngày Tết đạt gần 1,3 triệu lượt khách. Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 633.000 lượt khách, khách nội địa đạt hơn 628.000 lượt khách còn sản lượng hàng hóa đạt 7.540 nghìn tấn.
Ấn tượng không kém là vận tải đường sắt khi đã xuất ga 104 tàu khách thống nhất, 219 tàu khách địa phương và phục vụ gần 205.000 lượt khách trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Trong khi đó, vận tải đường bộ dù không quá ấn tượng như đường sắt và hàng không nhưng cũng có những tăng trưởng đáng kể trong cao điểm Tết vừa qua, đặc biệt là tại các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ,... đều ghi nhận phục vụ hàng trăm nghìn hành khách thời điểm trước, trong và sau Tết.
Trúc Chi (t/h)