Hơn 3 triệu phương tiện được giãn chu kỳ đăng kiểm
Theo báo Giao Thông, mới đây lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 16 mới nhất cũng điều chỉnh chu kỳ kiểm định phù hợp đối với một số loại xe cơ giới tham gia giao thông.
Theo đó, ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải, đối với xe sản xuất đến 7 năm, chu kỳ đầu thay đổi tăng lên 36 tháng (trước đây 30 tháng), chu kỳ định kỳ 24 tháng (tăng 6 tháng so với trước đây – 18 tháng). Sản xuất trên 7 năm đến 15 năm chu kỳ đầu và định kỳ là 12 tháng, thời gian sản xuất trên 15 năm chu kỳ đầu và định kỳ là 6 tháng.
Trước đây, chu kỳ này chỉ tính các xe sản xuất từ trên 7 năm đến 12 năm và trên 12 năm.
Đối với ô tô chở người các loại đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải vẫn giữ nguyên chu kỳ kiểm định bởi đây là loại xe có cường độ, tần suất hoạt động lớn, vận tải chở khách nên cần được kiểm soát chặt chẽ hơn để đảm bảo an toàn.
“Tại các nước tiên tiến trên thế giới, loại xe này còn có chu kỳ kiểm định ngắn hơn ở Việt Nam”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam nói.
Đối với ô tô chở người các loại trên 9 chỗ theo dự thảo mới không còn tính theo loại không cải tạo/cải tạo mà tính theo thời gian sản xuất. Đối với xe có thời gian sản xuất đến 5 năm, chu kỳ kiểm định đầu 24 tháng, chu kỳ định kỳ 12 tháng. Thời gian sản xuất trên 5 năm, chu kỳ đầu và chu kỳ định kỳ là 6 tháng. Đây đa số là xe khách, sử dụng để kinh doanh vận tải.
Chu kỳ kiểm định 3 tháng vẫn giữ trong dự thảo mới tuy nhiên chỉ áp dụng cho ô tô chở người các loại trên 9 chỗ đã sản xuất từ 15 năm trở lên (kể cả ô tô chở người trên 9 chỗ đã cải tạo thành ô tô chở người đến 9 chỗ).
Ô tô tải các loại, ô tô đầu kéo đã sản xuất từ 20 năm trở lên (kể cả ô tô tải, ô tô đầu kéo đã cải tạo thành ô tô chuyên dùng), ô tô tải được cải tạo chuyển đổi công năng từ ô tô chở người sản xuất từ 15 năm trở lên được áp dụng chu kỳ kiểm định định kỳ 6 tháng (tăng 3 tháng so với trước đây).
“Sở dĩ phải giữ chu kỳ kiểm định 3 tháng bởi các loại xe được áp dụng đa số là xe khách đã cũ nát sử dụng ở thành phố sau đó đưa về các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa để hoạt động chở người, chở công nhân, học sinh vô cùng nguy hiểm mà nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh thời gian qua. Việc giữ chu kỳ kiểm định này để kiểm soát chặt chẽ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện, vì mục tiêu an toàn của người dân”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam lý giải.
Theo tính toán Cục Đăng kiểm Việt Nam, số xe được giãn chu kỳ kiểm định sau khi dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 16 khoảng 3.073.629 xe.
Phát hiện thi thể nam giới trong ô tô chìm dưới sông
Chiều 18/3, Công an huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh cho biết, đơn vị đang làm rõ nguyên nhân nam tài xế tử vong trong xe ô tô được tìm thấy ở dưới sông Vách Nam.
Trước đó, vào trưa cùng ngày, ngành chức năng đã tổ chức trục vớt chiếc ô tô 5 chỗ, biển Thanh Hoá từ dưới sông Vách Nam lên bờ đê.
Qua khám nghiệm hiện trường, bên trong phát hiện nam tài xế khoảng 40 tuổi quê ở Thanh Hoá đã tử vong, mắc kẹt ở phần ghế lái.
Lãnh đạo UBND thị trấn Thạch Hà cho biết, nơi phát hiện chiếc xe cách cầu Nga chừng 150m, độ sâu khoảng 2m. Tại hiện trường có vết bánh xe lao xuống sông, cạnh đó cột mốc bị đâm gãy. Bước đầu, cơ quan chức năng nhận định khả năng đây là vụ tai nạn giao thông.
“Chiếc ô tô này là tài xế thuê dịch vụ tự lái. Người nhà trình báo nam tài xế mất tích khoảng 3 ngày trước. Khi kiểm tra định vị hành trình trên xe thì phát hiện vị trí này nên ngành chức năng đã phối hợp để trục vớt lên”, đại diện UBND thị trấn Thạch Hà thông tin.
Hiện ngành chức năng đang hoàn tất thủ tục, bàn giao thi thể cho gia đình tổ chức mai táng.
Hơn 1.000 giáo viên ở Hà Nội xin thôi việc, chuyển công tác
Theo báo cáo của đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, biên chế giáo viên hiện nay được giao giảm 10%, khi tăng học sinh, tăng lớp, tăng trường dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên. Việc thừa/thiếu cục bộ chỉ xảy ra đối với các trường khi tăng lớp.
Thông tin trên báo Tiền Phong, thực tế hiện nay, biên chế giao cho các trường khối giáo dục thấp hơn so với biên chế định mức của ngành giáo dục. Để tháo gỡ khó khăn, thành phố Hà Nội đã giao chỉ tiêu hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy cho các trường tự chủ một phần chi thường xuyên.
Tuy nhiên do thu nhập thấp, áp lực công việc ngày càng cao, do nhu cầu cá nhân nên có khoảng 1.030 giáo viên đã xin thôi việc, chuyển công tác sang các trường ngoài công lập hoặc công việc khác.
Bên cạnh đó, việc tuyển giáo viên đối với các môn tích hợp ở bậc THCS (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ) còn gặp khó khăn do việc xác định số lượng cụ thể của từng bộ môn trong môn học đó.
Đối với môn Tin học, Ngoại ngữ (bậc Tiểu học) đặc biệt môn Tin học do chế độ đãi ngộ thấp nên không thu hút được sinh viên sau tốt nghiệp nộp hồ sơ dự tuyển. Do vậy, số lượng giáo viên được tuyển dụng ít, không đủ theo chỉ tiêu kế hoạch tuyển dụng đề ra ở hầu hết các trường Tiểu học trên địa bàn TP.
Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số cán bộ quản lý, giáo viên chưa đồng đều, năng lực còn hạn chế, thụ động, chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý và dạy học, đổi mới căn bản, toàn diện theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Một số giáo viên kiêm nhiệm nhiều nên việc xây dựng kế hoạch của nhà trường, kế hoạch môn học còn gặp khó khăn nhất định.
Trình độ chuyên môn và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên còn có sự chênh lệch giữa các vùng, giữa khu vực nội thành và ngoại thành. Công tác quản lý ở một số trường còn bất cập, người đứng đầu chưa sâu sát, trách nhiệm chưa cao.
Một số ít giáo viên lớn tuổi còn tâm lý e ngại đổi mới trong phương pháp dạy học; khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của đội ngũ giáo viên chưa đồng đều nên việc triển khai ứng dụng mới trong dạy học còn hạn chế.
Trúc Chi (t/h)