Bỏ quy định đào tạo chất lượng cao trình độ đại học
Thông tin trên Chính Phủ, theo quy định của Luật Giáo dục đại học 2018, khái niệm chương trình đào tạo chất lượng cao đã không còn tồn tại, việc phát triển các loại chương trình đào tạo khác nhau thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học.
Bỏ quy định đào tạo chất lượng cao trình độ đại học: Bộ GD&ĐT cho biết, ngày 15/6/2023, Bộ ban hành Thông tư 11/2023/TT-BGDĐT (Thông tư 11) về việc bãi bỏ Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT ngày 18/7/2014 (Thông tư 23) quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học.
Các khóa đã tuyển sinh trước ngày 1/12/2023 (là ngày Thông tư 11 có hiệu lực) được tiếp tục thực hiện việc tổ chức đào tạo cho đến hết khóa học theo các quy định tại Thông tư 23.
Việc phát triển các loại chương trình đào tạo khác nhau thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học: Theo Bộ GD&ĐT, việc bãi bỏ Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT là cần thiết và phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học 2018.
Cụ thể, Khoản 6 Điều 65 Luật Giáo dục đại học 2012 quy định: “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định tiêu chí xác định chương trình đào tạo chất lượng cao; có trách nhiệm quản lý, giám sát mức thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo”.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Giáo dục đại học 2018, khái niệm chương trình đào tạo chất lượng cao đã không còn tồn tại, việc phát triển các loại chương trình đào tạo khác nhau thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, đảm bảo tuân thủ các quy định về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học quy định tại Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 của Bộ GD&ĐT.
Bộ GD&ĐT khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo có các yêu cầu về chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra cao hơn so với chuẩn do Bộ GD&ĐT quy định.
Các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin đối với các chương trình đào tạo do trường cung cấp, cam kết với người học về tuyên bố chất lượng đầu ra của các chương trình đào tạo này, đồng thời thực hiện trách nhiệm giải trình đối với các bên liên quan cũng như toàn xã hội.
Các trường vẫn được đào tạo các chương trình có chất lượng: Việc bãi bỏ Thông tư 23 không có nghĩa là các cơ sở giáo dục đại học không còn hay không được triển khai các “chương trình chất lượng cao”, tức là các trường vẫn được đào tạo các chương trình có chất lượng.
Điều này cũng không ảnh hưởng tới việc tuyển sinh và đào tạo các chương trình đào tạo khác nhau của các cơ sở giáo dục đại học. Các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ trong việc xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo, nhưng dù với tên gọi là gì cũng cần đảm bảo tuân thủ các quy định về chuẩn chương trình đào tạo, về việc đảm bảo chất lượng từ đầu vào, các điều kiện dạy và học, quá trình đào tạo cho đến đầu ra, cũng như các các quy định khác liên quan đến đào tạo.
Việc xây dựng và thực hiện các “chương trình chất lượng cao” (có yêu cầu cao hơn về chuẩn đầu ra, về các điều kiện đảm bảo chất lượng…) thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Về học phí, các cơ sở giáo dục đại học xác định và thực hiện theo các quy định của Chính phủ tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021.
Bạc Liêu: Bé trai 3 tuổi bị quấn vào cánh quạt nước nuôi tôm
Theo Nhân Dân, chiều 18/6, Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ Bạc Liêu cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận, điều trị một bé trai 3 tuổi bị quấn vào cánh quạt lấy nước nuôi tôm. Bé trai N.T.Đ.K, sinh năm 2020, ngụ tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.
Gia đình cho biết, trong lúc người nhà đang làm việc ngoài vuông tôm, bé trai N.T.Đ.K bất ngờ theo ra, sau đó bị quấn vào quạt lấy nước nuôi tôm. Gia đình phát hiện, vội vàng tắt máy ngay và nhanh chóng đưa bé vào bệnh viện Thanh Vũ tại thành phố Bạc Liêu.
Qua thăm khám kiểm tra cận lâm sàng, ghi nhận bé bị chấn thương phần mềm vùng đầu mặt, gãy kín 1/3 giữa xương đùi trái. Sau khi giải thích tình trạng bệnh với gia đình, ngay lập tức bé được nhập viện phẫu thuật kết hợp xương đùi.
Bé được phẫu thuật nắn kín dưới màn tăng sáng. Hiện sức khỏe bé đã dần hồi phục: Vết mổ khô, vận động chân trái được và có thể xuất viện.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Ngô Quang Điền (chuyên khoa ngoại Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ - Bạc Liêu) khuyến cáo: Tai nạn do quạt lấy nước nuôi tôm ở Bạc Liêu trong thời gian qua xảy ra thường xuyên. Nhiều vụ tai nạn như thế này thường để lại các di chứng nặng, thậm chí tử vong.
Các bác sĩ khuyến các gia đình ở vực nuôi tôm, cần theo dõi trẻ, không cho trẻ chơi ở khu vực quạt lấy nước nuôi tôm đang hoạt động, tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Nạn nhân thứ 2 trong vụ trong vụ sập taluy công trình mở rộng đèo Prenn đã tử vong
Thông tin trên Vietnamnet, chiều 18/6, Công an Tp.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, nạn nhân thứ 2 là ông N.H.P (55 tuổi, quê Tp.HCM) đã tử vong trong vụ sập taluy công trình mở rộng đèo Prenn.
Trước đó, chiều 17/6, Công an Tp.Đà Lạt (Lâm Đồng) khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân tai nạn lao động tại công trình đèo Prenn ở phường 3, khiến một công nhân chết, nạn nhân khác bị thương nặng.
Trưa cùng ngày, nhóm công nhân căng bạt che để đổ bê tông bờ taluy trong công trình đèo Prenn, qua phường 3. Lúc này, anh P.M.Đ (30 tuổi, quê Thanh Hóa) và ông N.H.P (55 tuổi, quê Tp.HCM) là công nhân ở đây, đang làm việc bất ngờ bị khối đất đá cao chừng 6m sạt xuống, đè lên người.
Nhiều người tìm cách ứng cứu, dùng máy múc đất, máy cào để tìm nạn nhân. Lúc sau, họ tìm thấy được hai nạn nhân. Tuy nhiên do thương tích nặng, anh Đ. đã tử vong. Còn ông P. được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng.
Sau sự việc, Chủ tịch UBND Tp.Đà Lạt Đặng Quang Tú cùng Đại tá Trần Vĩnh Phú, Trưởng Công an TP có mặt tại hiện trường, chỉ đạo cứu người, điều tra sự việc.
Đường đèo Prenn dài hơn 7km, đang được thi công nâng cấp, mở rộng với tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng. Dự án này do Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư. Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) – Công ty cổ phần Xây dựng Đèo Cả (DCC) là đơn vị trúng thầu thi công.
Trúc Chi (t/h)