Hà Nội tăng 10 bậc về tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT, số lượng điểm 10 nhiều nhất cả nước
Thống kê kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023, Hà Nội là địa phương có nhiều bài thi đạt điểm 10 tuyệt đối nhất cả nước và tỉ lệ đỗ tốt nghiệp tăng 10 bậc so với 2022.
Theo dữ liệu điểm thi do Bộ GD&ĐT công bố, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, cả nước có 16.427 bài thi đạt điểm 10.
Năm nay, Hà Nội là địa phương có số lượng bài thi đạt điểm 10 nhiều nhất với 1.215 điểm 10, tập trung ở môn Giáo dục công dân và Ngoại ngữ. So với năm ngoái, số điểm tuyệt đối của Hà Nội tăng hơn hai lần.
Tiếp đó, Tp.HCM là địa phương đứng thứ hai với 1.013 điểm 10. Các địa phương tiếp theo có số điểm 10 nhiều nhất là Thanh Hóa, Nam Định với lần lượt có 9316 và 742 điểm 10.
Hà Giang là địa phương có ít điểm 10 nhất với chỉ 47 điểm 10; Ninh Thuận có 56 điểm 10.
Các tỉnh, thành phố có dưới 100 điểm 10 còn có Đắk Nông, Kon Tum, Lai Châu, Quảng Ngãi, Phú Yên, Quảng Trị, Bắc Kạn, Cao Bằng.
Thông tin trên An Ninh Thủ Đô, đáng chú ý, tỉ lệ tốt nghiệp của Hà Nội năm 2023 xếp thứ 17 trên cả nước, tăng 10 bậc so với năm trước. Với lượng thí sinh dự thi đông nhất cả nước, nếu không tính số thí sinh tự do thì kết quả thi của Hà Nội đứng thứ 16 trong số 63 địa phương.
Cụ thể tỉ lệ tốt nghiệp chung toàn thành phố đạt 99,56%, trong đó khối giáo dục trung học đạt 99,75% và khối giáo dục thường xuyên đạt 98,29%.
Về điểm thi tốt nghiệp, toàn thành phố có trên 1.200 điểm 10, tăng 3,35 lần so với năm 2022. Trong đó, môn toán có 3 điểm 10, Ngoại ngữ có 106 điểm 10, Vật lí có 11 điểm 10, Hóa học có 16 điểm 10, Sinh học có 12 điểm 10, Lịch sử có 55 điểm 10, Địa lý có 4 điểm 10, Giáo dục công dân có 1.025 điểm 10.
Số bài thi đạt từ 9,0 điểm trở lên là 40.978 bài (chiếm 7,16%). Số bài thi đạt từ 8,0 trở lên là 109.604 bài (chiếm 19,14%). Số bài thi đạt điểm trung bình (5,0) trở lên là 475.971 bài (chiếm 83,13%).
Môn Ngoại ngữ có điểm trung bình là 6,20 (nếu không tính thí sinh tự do thì điểm trung bình Ngoại ngữ là 6,34), đứng thứ 3 toàn quốc.
Môn Vật lí có điểm trung bình là 6,81 (nếu không tính thí sinh tự do thì điểm trung bình môn Vật lí là 7,60), đứng thứ 14 toàn quốc.
Môn Ngữ văn có điểm trung bình là 7,20 (nếu không tính thí sinh tự do thì điểm trung bình môn Ngữ văn là 7,27), đứng thứ 16 toàn quốc.
Môn Toán có điểm trung bình là 6,61 (nếu không tính thí sinh tự do thì điểm trung bình môn Toán là 6,68) đứng thứ 12 toàn quốc.
Đặc biệt, cả nước có 12 điểm 10 môn Toán thì Hà Nội có 3 điểm, chiếm 25%.
Nữ Việt kiều U60 biến dạng vì nâng ngực theo quảng cáo trên mạng xã hội
Theo Người Lao Động ngày 18/7, bác sĩ Đinh Phương Đông, Phó khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương (Tp.HCM), cho hay nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau ngực, khó chịu. Qua kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán bà bị nhiễm trùng ngực nặng sau khi tiêm chất làm đầy (filler), tạo bao xơ dày trong ngực, mô viêm tăng liên tục.
Khai thác tiền sử bệnh, nữ bệnh nhân cho biết ngày 20/5 đã tiêm filler nâng ngực tại một spa ở Tp.HCM, với chi phí 60 triệu đồng. Khoảng 4-5 ngày sau, chỗ tiêm có dấu hiệu sưng đỏ, nóng sốt. Bà quay lại spa để điều trị và được hút dịch liên tục. Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện, ngực sưng to hơn, có nhiều chấm đỏ và mức độ đau tăng dần nên bà đi khám tại Bệnh viện Trưng Vương.
Được biết, nữ bệnh nhân ở nước ngoài và mới về Việt Nam xử lý việc gia đình, tình cờ đọc được trên Facebook quảng cáo về spa này nên nhắn tin tìm hiểu, sau khi được tư vấn đã lựa chọn làm. Trước khi tiêm filler ngực, bà đã tiêm filler mông cùng chỗ với giá 159 triệu đồng. Bà có thông báo mình bị tiểu đường nhưng spa nói rằng vẫn tiêm bình thường không ảnh hưởng.
"Đến khi biến chứng xảy ra, spa mới nói là do tôi bị tiểu đường nên gây ra viêm. Tôi cũng không biết loại filler họ tiêm cho mình là gì. Khi spa hút dịch không đỡ đau, tôi đã yêu cầu được đến bệnh viện" - bệnh nhân cho hay.
Sau khi chẩn đoán, bác sĩ Đông cùng ê-kíp tiến hành mổ tháo hết dịch mủ và filler trong ngực nữ bệnh nhân ra. Đến lần mổ thứ 2, bác sĩ bóc hết bao xơ, nếu để sẽ bị tiết dịch và vết thương không lành được.
Đặt tiệc đãi khách bằng món cá chình, 8 người gồm cả chủ nhà phải vào viện cấp cứu gấp
Theo VTC News, ngày 18/7, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mới đây trung tâm tiếp nhận 3 bệnh nhân bị ngộ độc cá chình. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng rối loạn cảm giác, cảm thấy bỏng rát, yếu cơ, đau mỏi người, không nôn.
Người nhà bệnh nhân cho biết, trưa 14/7, chị L (49 tuổi, ở Phúc Thọ, Hà Nội) đặt món cá chình nướng, om chuối đậu để đãi khách từ Phú Thọ lên chơi. Đến chiều, chị nhận được điện thoại thông báo khách về đến Việt Trì thì có biểu hiện ngộ độc.
Tối cùng ngày, 8 trong số 9 người tham gia bữa tiệc phải nhập viện, trường hợp còn lại chỉ tê bì thoáng qua nên ở nhà theo dõi. Năm người khách được cấp cứu tại Việt Trì. Ba người (gồm vợ chồng chị L. và một người thân) được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa huyện Phúc Thọ (Hà Nội) và sau đó chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.
Ngoài vợ chồng chủ nhà, bệnh nhân N.T.N. (48 tuổi, trú tại Phúc Thọ, Hà Nội), ăn cùng bữa cơm cũng đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Trước khi nhập viện, bệnh nhân này cũng có cảm giác mệt mỏi, yếu cơ và tiêu chảy. Sau 3 ngày điều trị, cả ba bệnh nhân vẫn mệt mỏi, cử động chân tay khó khăn.
Nói về nguyên nhân gây ngộ độc, BS Nguyên thông tin, vi tảo biển chính là nguyên nhân gây ra độc tố. Các loại tảo biển như Gambierdiscus toxicus là thức ăn của nhiều loài cá nhỏ. Các loài cá này lại là thức ăn của nhiều loài cá ăn thịt lớn hơn. Bởi thế, độc tố từ tảo sẽ đi vào chuỗi thức ăn và tích lũy trong chính thịt cá.
"Cá ăn tảo thì không sao nhưng bản thân người ăn thịt cá lại có thể bị ngộ độc", BS Nguyên nói.
Ngộ độc có thể xảy ra riêng lẻ nhưng thường thành từng nhóm người bệnh. Nguyên nhân chủ yếu do khi đi du lịch, nhiều người thường cùng ăn hải sản tại các nhà hàng hoặc mua các loại cá nhập khẩu về tự chế biến.
Độc tố này thường gây triệu chứng thần kinh trước, sau đó người ăn mới có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, loạn nhịp tim, rối loạn cảm giác, dấm dứt khắp người, đau mỏi, tê bì, yếu cơ hoặc liệt cơ. Triệu chứng ngộ độc cá chình dai dẳng thậm chí nhiều tháng sau bệnh nhân vẫn còn dấu hiệu khiến họ rất khó chịu.
Người nhiễm loại độc tố này có thể chỉ cần điều trị vài ngày có thể ra viện, nhưng cũng có trường hợp phải điều trị kéo dài nhiều tháng.
Ngộ độc ciguatera khó phòng tránh vì độc tố không mùi, không vị, không bị phá hủy bởi nhiệt độ đông lạnh, không xác định được bằng mắt thường. BS Nguyên khuyến cáo người dân cần tuân thủ các biện pháp sau để phòng tránh ngộ độc ciguatera:
Tránh ăn nội tạng cá như: đầu, gan, tuyến sinh dục,…
Không nên ăn số lượng nhiều các loài cá sống ở rạn san hô.
Sau khi bị ngộ độc nên tránh uống rượu và ăn cá vì có thể làm tăng hoặc tái phát các triệu chứng.
Trúc Chi (t/h)