Nhiều trường đại học điểm chuẩn hơn 9 điểm/môn vẫn xét tuyển bổ sung
Theo VTC News, Đại học Luật Hà Nội thông báo xét tuyển bổ sung 50 chỉ tiêu theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023. Thí sinh đạt từ 18,15 điểm trở lên là đủ điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển. Điểm xét tuyển bằng tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển và điểm ưu tiên, điểm khuyến khích (nếu có). Địa điểm đào tạo là phân hiệu Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk.
Thời gian đăng ký xét tuyển tuyển trực tuyến từ ngày 14/9 đến 17h ngày 22/9. Nhà trường sẽ công bố kết quả trúng tuyển trước 17h ngày 26/9.
Trong đợt xét tuyển đầu tiên, điểm chuẩn Đại học Luật Hà Nội theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT dao động từ 18,15 đến 27,36. Trong đó, ngành Luật Kinh tế điểm chuẩn cao nhất với 27,36 tại tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa). Ngành Luật có điểm chuẩn là 26,5, xét tuyển với tổ hợp khối C00.
Năm nay, Đại học Y tế Công cộng xét tuyển bổ sung đợt 2 vào các ngành: Y tế công cộng; Kỹ thuật xét nghiệm y học; Dinh dưỡng; Công tác xã hội; Công nghệ kỹ thuật môi trường; Khoa học Dữ liệu.
Đối tượng tuyển sinh là thí sinh đã tốt nghiệp chương trình THPT hoặc tương đương. Thí sinh đăng ký xét tuyển có tổng điểm xét tuyển tối thiểu bằng điểm nhận hồ sơ xét tuyển tương ứng với phương thức đăng ký xét tuyển.
Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển 1 ngành bằng 2 phương thức (áp dụng với ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường và ngành Khoa học dữ liệu). Nếu trúng tuyển bằng 2 phương thức, thí sinh được ưu tiên trúng tuyển bằng phương thức xét theo kết quả học tập THPT (học bạ).
Đợt 1, Đại học Y tế Công cộng lấy điểm chuẩn xét kết quả thi tốt nghiệp THPT dao động 16 - 21,8 điểm, cao nhất là ngành Kỹ thuật Phục hồi chức năng.
Ở phương thức xét tuyển theo kết quả học tập THPT (học bạ), ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học lấy mức điểm chuẩn cao nhất, với 27,5 điểm. Ngành lấy điểm chuẩn thấp nhất vẫn là Công nghệ kỹ thuật môi trường, 19,1 điểm.
Dự kiến, Đại học Sư phạm Tp.HCM xét tuyển bổ sung 22 chỉ tiêu vào ngành Sinh học ứng dụng với các thí sinh từ 19 điểm trở lên khối D và B. Thời gian nhận hồ sơ từ 23 đến 30/9. Theo dự kiến, kết quả sẽ được công bố vào ngày 5/10/2023.
Đợt 1, Đại học Sư phạm Tp.HCM lấy điểm chuẩn ngành Sư phạm Ngữ văn cao nhất 27 điểm, giảm 1,25 điểm so với năm ngoái. Tiếp đến, Sư phạm Lịch sử và Giáo dục Công dân cũng có điểm chuẩn cao, từ 26,75 điểm trở lên.
Thấp nhất là ngành Sinh học ứng dụng, Sư phạm tiếng Nga, Địa lý học với điểm chuẩn lần lượt là 19, 19,4 và 19,75 điểm. Các ngành còn lại dao động phổ biến ở mức 22 - 25 điểm.
Đại học Mỏ - Địa chất tiếp tục thông báo xét tuyển bổ sung vào 21 ngành đào tạo, trong đó, ngành Kỹ thuật trắc địa - bản đồ xét bổ sung nhiều nhất 59 chỉ tiêu. Tiếp đó, ngành Kỹ thuật mỏ bổ sung thêm 40 chỉ tiêu. Và thấp nhất là 2 chỉ tiêu đối với ngành Địa chất học.
Ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin chất lượng cao tiếp tục dẫn đầu với 23,5 điểm. Xếp sau là điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin chương trình chuẩn với 23 điểm. Điểm chuẩn tăng mạnh nhất ngành Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh (từ 18 và 18,5 năm ngoái lên 22).
Học viện Tài chính thông báo xét tuyển bổ sung chương trình đào tạo chất lượng cao khóa 60, 61 năm 2023 với các ngành Tài chính ngân hàng, Kế toán. Năm nay nhà trường xét tuyển thẳng đối với sinh viên có bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Anh, Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS đạt từ 5.5 điểm, TOEFL iBT từ 55 điểm; hoặc có kết quả thi SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa kỳ) đạt từ 1050/1600 điểm hoặc ACT (American College Testing) đạt từ 22/36 điểm trở lên. Ngoài ra sẽ tổ chức thi tuyển (thông qua bài kiểm tra đánh giá năng lực tiếng Anh) đối với các trường hợp còn lại.
Điều chỉnh quy định về định mức giáo viên trên lớp
Theo Nhà báo & Công luận, hiện tại Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang phối hợp với Bộ Nội vụ tổng hợp báo cáo của địa phương để đề xuất bổ sung biên chế giáo viên đến năm 2026.
Thời gian gần đây, nhiều giáo viên phản ánh việc tại các trường liên cấp nhiều giáo viên phải dạy cả hai cấp học khác nhau. Trong khi đó, mỗi cấp học lại có định mức tiết dạy khác nhau. Vì thế các thầy cô đề nghị sớm có văn bản hướng dẫn quy định cụ thể định mức tiết dạy để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên dạy liên cấp.
Đáng chý ý, trước ý kiến này, Bộ GD&ĐT cho rằng, thực hiện chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong thời gian qua, các địa phương đã và đang thực hiện việc đổi mới, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục các cấp, trong đó có việc sắp xếp các trường phổ thông quy mô nhỏ trên cùng địa bàn thành trường phổ thông liên cấp.
Trong quá trình triển khai thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục, địa phương gặp khó khăn trong việc xác định chế độ làm việc của giáo viên giảng dạy, giáo dục trong các trường phổ thông liên cấp do các quy định hiện hành chưa cụ thể đối với trường hợp này.
Nắm bắt được khó khăn của địa phương, Bộ GD&ĐT đã tổ chức nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu định mức lao động kinh tế, kỹ thuật của giáo viên phổ thông.
Theo Bộ GD&ĐT, theo định hướng đổi mới cơ chế quản lý nhân sự trong các cơ sở giáo dục phổ thông để làm căn cứ cho định hướng điều chỉnh quy định về chế độ làm việc của giáo viên các cấp (trong đó có quy định về chế độ làm việc của giáo viên đang công tác tại các trường phổ thông liên cấp).
Hiện tại, Bộ GD&ĐT đang tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá ảnh hưởng, tác động của việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến chế độ làm việc và hoạt động nghề nghiệp của giáo viên để làm căn cứ xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn và phù hợp từng loại hình trường phổ thông.
Cũng liên quan đến định mức tiết dạy, giáo viên nhiều thầy cô phản ánh khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, các trường Tiểu học/THCS dạy 2 buổi/ngày, số tiết học tăng so với Chương trình trước đây; ngoài ra, có một số môn học mới bắt buộc như: Ngoại ngữ, Tin học.
Tuy nhiên, định mức giáo viên/lớp theo quy định hiện nay (kể cả đã thực hiện tối đa) thì vẫn chưa phù hợp.
Trước vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho rằng, chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 đã có nhiều thay đổi với yêu cầu cao hơn để phù hợp với xu thế phát triển, đòi hỏi giáo viên thường xuyên cập nhật chuyên môn nghiệp vụ, giáo viên phải sáng tạo hơn, vai trò của giáo viên chuyển mạnh từ vị trí là "người dạy" sang vị trí là người "tổ chức, kiểm tra, định hướng" hoạt động học của học sinh để phát triển phẩm chất, năng lực của người học và có một số môn học mới, bắt buộc.
Triển khai thực hiện Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ GD&ĐT đang triển khai xây dựng Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập phù hợp với điều kiện các vùng miền và chương trình giáo dục phổ thông 2018 (thay thế Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT).
Dự kiến Thông tư sẽ được ban hành trong năm 2023. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ tổng hợp báo cáo của địa phương để đề xuất bổ sung biên chế giáo viên đến năm 2026 theo quyết định của Bộ Chính trị để bảo đảm đủ giáo viên đứng lớp, đặc biệt khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội lập đỉnh mới
Báo Người Lao Động dẫn nguồn, Bộ Y tế cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 81.808 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 23 ca tử vong. Trong tuần qua, cả nước ghi nhận 5.180 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 ca tử vong tại tỉnh Hòa Bình. Tại Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng mạnh.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tp.Hà Nội, địa phương này ghi nhận 2.010 ca tại 29 quận, huyện. Nếu tháng 7 và tuần đầu tháng 8, số ca mắc sốt xuất huyết ở TP Hà Nội khoảng 500-600 ca/tuần, từ tuần thứ 2 tháng 8 trở đi, số ca mắc tăng đột biến lên 1.000 ca.
Sau 3 tuần liên tiếp số ca mắc hơn 1.000/tuần, đây là tuần đầu tiên số ca mắc vượt mốc 2.000, trở thành tuần đầu tiên trong năm có số ca mắc kỷ lục. Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận hơn 10.300 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng gần 4 lần, số ca tử vong tương đương.
3 ca tử vong được ghi nhận là nam thanh niên 19 tuổi, ở quận Hà Đông; người phụ nữ 45 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm và cô gái 20 tuổi ở huyện Quốc Oai.
Cũng trong tuần này, Tp.Hà Nội ghi nhận thêm 72 ổ dịch sốt xuất huyết tại 15 quận, huyện. Trong đó, quận Đống Đa có tới 16 ổ dịch, Hà Đông, Hoàng Mai mỗi quận có 8 ổ dịch... Hiện còn 258 ổ dịch đang hoạt động tại 30 quận, huyện, thị xã.
Số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh từng tuần, CDC Hà Nội nhận định hiện thành phố đang bước vào cao điểm dịch và sẽ tiếp tục tăng ca bệnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện có xu hướng tăng nhanh trong những ngày qua. Trung bình, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 4-5 trường hợp có dấu hiệu cảnh báo sốc sốt xuất huyết với biểu hiện: Đau bụng, đau tức vùng gan, chảy máu niêm mạc, tiểu cầu thấp, máu cô đặc.
"Những trường hợp này cần phải được phát hiện và điều trị tích cực bởi chỉ sau 4-6 tiếng, bệnh nhân có thể bị sốc sốt xuất huyết, khi đó người bệnh sẽ diễn biến nguy kịch rất nhanh, thậm chí tử vong. Do đó, các cơ sở y tế và người bệnh phải chú ý để đến bệnh viện hoặc điều trị đúng, kịp thời", bác sĩ Cấp lưu ý.
Trúc Chi (t/h)